Hậu Giang: Nâng tầm trái khóm quê hương
Hậu Giang: Ghi nhật ký sản xuất điện tử khó mà dễ Hậu Giang: Đột phá 3 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội |
Chị Thương đóng gói sản phẩm khóm sấy muối ớt chuẩn bị giao khách hàng. |
Xã Vĩnh Viễn A là địa phương trồng nhiều khóm, nhất là ấp 9. Do đó, đời sống kinh tế người dân nơi đây phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả kinh tế mang lại từ rẫy khóm. Tuy nhiên, cách nay 2 năm, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, khóm chín không tiêu thụ được đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con.
Chị Nguyễn Thị Kim Thương cho biết: “Ngay thời điểm khóm ứ đọng không tiêu thụ được do dịch Covid-19 tôi đã nảy ra ý định chế biến khóm thành những sản phẩm mới có thể bảo quản lâu hơn, vận chuyển, tiêu thụ dễ dàng hơn. Từ đó, sản phẩm khóm sấy dẻo bắt đầu ra đời ngay thời điểm dịch”.
Theo chị Thương, trước đây, khóm chín không bán được, chị và người dân nơi đây chủ yếu đem khóm làm nước màu khóm để bán nhưng làm nước màu rất cực, mất nhiều thời gian. Sản phẩm làm ra tiêu thụ không nhiều, giá trị kinh tế mang lại cũng không cao. Qua những lần tìm hiểu trên các trang mạng xã hội, chị Thương biết đến sản phẩm khóm sấy dẻo nên tìm tòi, học hỏi làm theo.
“Từ những công thức học được trên mạng kết hợp với nhiều lần thử nghiệm, mang sản phẩm cho người quen dùng thử để lấy ý kiến đánh giá; qua nhiều lần rút tỉa kinh nghiệm thì sau gần 1 năm tôi mới dám đem sản phẩm bán ra thị trường. Tuy còn mới mẻ nhưng gần 1 năm nay các sản phẩm khóm sấy của tôi ngày càng được nhiều đối tượng khách hàng đón nhận”, chị Thương phấn khởi chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, chị Thương đã cho ra đời 2 dòng sản phẩm khóm sấy: khóm sấy dẻo và khóm sấy muối ớt. “Nếu khách thích dùng khóm có vị ngọt thanh tự nhiên, mềm dẻo thì chọn khóm sấy dẻo, những ai thích khóm có độ dai hơn, cay cay mằn mặn, ít ngọt thì lựa chọn khóm sấy muối ớt”, chị Thương chia sẻ.
Hiện nay, đối tượng khách hàng của chị Thương chủ yếu là người quen, bạn bè ở gần đến mua trực tiếp. Ngoài ra, chị còn tận dụng các trang mạng xã hội để bán online. Với giá bán khoảng 160.000 đồng/kg khóm sấy dẻo, 260.000 đồng/kg khóm sấy muối ớt, hàng tháng chị vẫn liên tục nhận các đơn hàng từ khách hàng nhiều nơi. “Mặt hàng này bán được nhất vào dịp tết, cận tết 2023 rồi tuy chỉ mới bán lần đầu nhưng trong 1 tháng tôi đã bán đi hơn 100kg khóm sấy các loại”, chị Thương cho biết.
Từ khi làm ra sản phẩm khóm sấy, chị Thương cũng tạo thêm việc làm cho một số chị em phụ nữ trong xóm. Những lúc đơn hàng nhiều chị thuê thêm 3-4 lao động đến phụ gọt khóm. Bên cạnh đó, ngoài tiêu thụ khóm tại vườn nhà thì thời gian gần đây chị Thương còn mua thêm khóm từ các hộ lân cận để đáp ứng đủ nguồn hàng bán ra thị trường.
“Khóm sấy không kén nguyên liệu đầu vào nhiều, ngoài khóm loại 1 thì khóm loại 2, 3 mình vẫn có thể dùng được nên gần như tận dụng được hết khóm trong rẫy mỗi khi thu hoạch. Nếu như sản phẩm này được nhiều người biết đến hơn, có đầu ra ổn định hơn nữa thì ngoài tạo việc làm cho người dân nó còn giúp tiêu thụ nguồn nông sản sẵn có ở địa phương mình với mức giá ổn định hơn so với giá thương lái thu mua hiện nay”, chị Thương cho biết.
Theo chị Thương, sau thời gian có nhiều khách hàng biết đến, chị đã đầu tư hơn 10 triệu đồng để mua máy ép chân không đóng gói bao bì, máy sấy công suất nhỏ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của khách hàng hiện nay. Hiện tại, chị đang liên hệ với các cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn các quy trình, thủ tục để đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tạo đầu ra ổn định trong tương lai.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Viễn A, với mô hình khởi nghiệp tiềm năng của chị Thương, hội đã tiếp cận và nắm bắt nhu cầu của gia đình trong định hướng phát triển sản phẩm. Để tạo điều kiện cho gia đình chị phát triển mở rộng mô hình, hội đã thành lập Tổ hợp tác khóm sấy dẻo ấp 9, xã Vĩnh Viễn A với 10 thành viên, do chị Thương làm Tổ trưởng. Việc thành lập tổ hợp tác sẽ tạo điều kiện cho các chị cùng hỗ trợ nhau trong việc tạo ra sản phẩm khóm sấy để nâng cao sản lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, hội đang vận động, hướng dẫn cho chị Thương tham gia Hợp tác xã khóm Phước Thịnh, ấp 6, xã Vĩnh Viễn A, để giúp chị tiếp cận nguồn nguyên liệu khóm đảm bảo chất lượng để sản xuất; kết nối các ngành chuyên môn hướng dẫn các quy trình thủ tục cho chị đăng ký sản phẩm OCOP; hỗ trợ chị trong hoàn thiện xây dựng bao bì, nhãn mác sản phẩm, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các cuộc thi khởi nghiệp của phụ nữ do hệ thống hội tổ chức...
Nguồn: Lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo Bác