Hậu Giang: Nhiều kênh kết nối tiêu thụ nông sản
Hậu Giang: Làm tốt công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài Hậu Giang: Thành phố Ngã Bảy vươn mình |
Ngành nông nghiệp tăng cường kết nối tiêu thụ và hỗ trợ nông dân xây dựng các chuỗi giá trị nông sản |
Thương mại điện tử đã thúc đẩy rất mạnh mẽ quá trình lưu thông các nguồn hàng hóa, trong đó có hàng nông sản. Khi tham gia vào thương mại điện tử bà con nông dân, các hợp tác xã hay doanh nghiệp nông nghiệp có cơ hội mở rộng số lượng và đối tượng khách hàng tiêu dùng. Việc mua bán, điều tiết hàng hóa từ nơi thừa sang chỗ thiếu diễn ra linh hoạt và nhanh chóng. Việc liên kết, tiêu thụ giữa các bên được thực hiện thông qua các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp.
Có thể thấy rõ hiệu quả từ việc tham gia thương mại điện tử giúp cho các hộ sản xuất, kinh doanh tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhanh. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo hướng tăng cường đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình sản xuất kinh doanh. Dần hình thành thêm những vùng sản xuất mang thương hiệu cho địa phương, góp phần vào quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đáp ứng mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững.
Theo bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, xây dựng mô hình phát triển hợp tác xã liên kết kiểu mới gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP sẽ mang lại hiệu quả tích cực, phát huy được thế mạnh về khả năng cạnh tranh của hợp tác xã. Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và góp phần thực hiện thành công Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của Chính phủ. HTX sẽ tiếp tục tăng cường sản xuất, chế biến; chủ động quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp liên kết tập trung có ứng dụng khoa học công nghệ theo quy trình khép kín với quy mô sản lượng lớn đủ cung ứng cho HTX sản xuất và chế biến. Từ đó, sản phẩm được đảm bảo với chất lượng giá trị cao, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được thị trường đón nhận.
Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản còn có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nhiều doanh nghiệp, HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mở rộng thị trường tiêu thụ đa kênh.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Võ Xuân Tân, để đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử được hiệu quả, bà con nông dân cần lưu ý khâu sản xuất phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP… Các sản phẩm qua sơ chế, chế biến phải có nhãn mác, có công bố hợp quy, thông tin rõ ràng… Mặt khác, đảm bảo tính đồng đều, có cập nhật thông tin kịp thời cho đối tác. Bên cạnh đó, cần có sự trau chuốt hình ảnh sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Trong sản xuất, hiện nay ngành nông nghiệp đang khuyến khích bà con đảm bảo được khâu truy xuất nguồn gốc, nhật ký kèm theo…
Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, vừa qua, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 88 về việc thực hiện Quyết định số 1968 của Thủ tướng Chính phủ (về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2022 và Kế hoạch giai đoạn 2022-2025). Kết quả, trong năm 2022, đơn vị đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử và hỗ trợ kết nối trực tiếp, trực tuyến với các khách hàng tiềm năng, khách hàng thân thiết. Có 27 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tham gia kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Sendo, Tiki và Postmart. Thực hiện bản ghi nhớ giữa Sở Công thương tỉnh Hậu Giang với sàn thương mại điện tử Sendo và sàn thương mại điện tử Postmart và 11 bản ghi nhớ giữa sàn thương mại điện tử Sendo với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, Sở Công thương đã đỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể OCOP Hậu Giang đăng ký tài khoản để bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử Voso và PostMart với tổng cộng 65 sản phẩm được đăng trên các trang thương mại điện tử. Cụ thể, sàn voso có 55 sản phẩm, với trên 3.890 đơn hàng, tổng doanh thu 1,13 tỉ đồng. Sàn postmart là 50 sản phẩm với trên 4.600 đơn hàng, tổng doanh thu 0,79 tỉ đồng. Ngoài ra, tổ chức lớp thương mại điện tử và tìm kiếm thị trường trên website. Đối tượng dành cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tham gia, với 80 đại biểu; phối hợp Cục Xúc tiến thương mại tổ chức khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển kinh tế tập thể và HTX.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân và xây dựng các chuỗi giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, khuyến khích xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi sản phẩm an toàn và hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quy phạm sản xuất tốt (GMP), quy trình vệ sinh chuẩn (SOP)… Với tiềm năng, lợi thế sẵn có về nông nghiệp, sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị chủ lực là Sở Thông tin và Truyền thông, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nhà cung ứng dịch vụ thiết yếu sẽ xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa mục tiêu đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử trong thời gian tới. Những bước tiến đầu tiên này đã mở ra thêm triển vọng mới trong khâu liên kết, tiêu thụ nông sản tới đây.
Nguồn: Nhiều kênh kết nối tiêu thụ nông sản