Hậu Giang: Nỗ lực phòng, chống mặn xâm nhập
Hậu Giang: Nâng tầm giá trị cá thát lát Hậu Giang: Phát huy hiệu quả chợ 4.0 |
Cán bộ chuyên môn của huyện Long Mỹ tăng cường quan trắc độ mặn tại các điểm chính để kịp thời thông báo cho người dân ứng phó khi có độ mặn cao xuất hiện. |
Thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm
Một trong những giải pháp giúp người dân trên địa bàn huyện Long Mỹ chủ động phòng, chống xâm nhập mặn hiệu quả là ngành chức năng địa phương đã đẩy mạnh việc khuyến cáo bà con tại những vùng thường bị ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn hàng năm, nhất là vùng bên ngoài hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh thực hiện xuống giống sớm vụ lúa Đông xuân 2022-2023 để có thể thu hoạch sớm hoặc chậm nhất là lúa cũng gần đến ngày cắt trước khi nước mặn có nồng độ cao xâm nhập vào. Bởi vào thời điểm này, nhu cầu sử dụng nước trên ruộng không có nên bà con an tâm về chuyện nước mặn không gây thiệt hại cho mùa vụ sản xuất.
Vừa thu hoạch xong 1ha lúa Đông xuân của gia đình cách nay khoảng 5 ngày, bà Phạm Thị Cắt, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Thực hiện theo khuyến cáo của Phòng NN&PTNT huyện và chính quyền địa phương, vụ lúa Đông xuân năm nay, tôi và bà con ở vùng ngoài đê bao ngăn mặn xuống giống sớm hơn cùng kỳ khoảng 15 ngày. Nhờ vậy, hiện 86ha lúa nơi đây đã thu hoạch gần dứt điểm trước khi nước mặn về. Điều phấn khởi hơn là năng suất lúa đạt từ 600-700kg/công (một công 1.300m2), tăng gần 50kg/công so với cùng; đồng thời giá bán ở mức 7.100 đồng/kg (giống lúa lùn Bến Tre). Sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân kiếm được nguồn lợi nhuận từ 3,2-3,5 triệu đồng/công nên rất phấn khởi. Ngay sau khi thu hoạch lúa xong, bà con đang cải tạo lại đất để đón nước mặn về và tiếp tục thực hiện mô hình nuôi tôm”.
Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, vụ lúa Đông xuân 2022-2023, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống được gần 18.000ha; riêng diện tích lúa ngoài đê bao ngăn mặn có khoảng 700ha. Vào thời điểm này, chỉ có khoảng 280ha là ở giai đoạn làm đòng, các diện tích lúa còn lại đều trong giai đoạn trổ chín; trong đó hiện có hơn 620ha (chủ yếu ở vùng ngoài đê bao ngăn mặn) đã được bà con thu hoạch xong, ước năng suất bình quân đạt 7,25 tấn/ha. Nhờ bà con chủ động xuống giống sớm nên hầu hết diện tích lúa ngoài đê bao ngăn mặn đều trong giai đoạn chín và đang được nông dân tích cực thu hoạch.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, thông tin: Để công tác ứng phó xâm nhập mặn đạt hiệu quả cao nhất thì ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện ban hành kế hoạch chỉ đạo công tác ứng phó xâm nhập mặn trên địa bàn huyện. Theo đó, ngoài giải pháp khuyến cáo nông dân xuống giống lúa Đông xuân sớm trên nhiều cánh đồng thì tại các vùng ngoài đê bao ngăn mặn, đối với những diện tích canh tác lúa không hiệu quả thì đơn vị còn vận động người dân chuyển đổi sang trồng mãng cầu tháp gốc bình bát hoặc trồng khóm nhằm thích ứng với vùng đất nhiễm phèn, mặn. Mặt khác, đơn vị còn phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và duy tu, sửa chữa hệ thống đê bao, cống đập ngăn mặn trên địa bàn huyện để luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó khi nước mặn có nồng độ cao xâm nhập vào. Ngoài ra, đơn vị còn vận động bà con tranh thủ tích trữ nguồn nước ngọt ở những nơi cần thiết nhằm phục vụ sinh hoạt và sản xuất khi nước mặn về.
Cùng với những giải pháp trên thì từ đầu mùa khô đến nay, ngành chức năng huyện Long Mỹ còn thường xuyên đi đo độ mặn tại các điểm chính trên địa bàn huyện nhằm kịp thời thông báo đến người dân được biết để phòng tránh khi nồng độ mặn ở mức cao.
Tiếp tục ứng phó xâm nhập mặn
Hiện nay, mặc dù độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ chưa đáng ngại, tuy nhiên theo dự báo của cơ quan chức năng tỉnh thì tình hình xâm nhập mặn từ nay đến cuối tháng 2 này sẽ diễn biến rất phức tạp, khả năng sẽ xuất hiện đỉnh điểm mặn trong mùa khô năm nay. Chính vì vậy, hiện ngành chức năng và người dân huyện Long Mỹ không lơ là mà đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp ứng phó.
Theo đó, các ngành chức năng của huyện không ngừng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân ra sức phòng, chống xâm nhập mặn có hiệu quả vào từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, để người dân chủ động ứng phó kịp thời thì việc nắm bắt thông tin dự báo và công tác quan trắc mặn thường xuyên là rất cần thiết. Do đó, cán bộ chuyên môn của huyện đang tăng cường đi đo nồng độ mặn nhằm phát hiện sớm và địa bàn xâm nhập mặn để thông tin kịp thời cho lãnh đạo, chính quyền các cấp xử lý và người dân biết chủ động phòng tránh.
Đặc biệt, theo đề xuất của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Long Mỹ thì đối với các xã Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn A phải chủ động lập kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn cụ thể cho từng khu vực, nhất là các khu vực sản xuất nội đồng, khu vực khép kín sản xuất, cũng như chủ động ứng phó cho từng ấp khi có tình huống xấu xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, thông tin thêm: Đơn vị tiếp tục tổ chức kiểm tra vận hành các cống cải tiến trên địa bàn xã Vĩnh Viễn A, thị trấn Vĩnh Viễn, xã Lương Nghĩa, Lương Tâm; chủ động đóng các cửa cống ngăn mặn ở xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Xà Phiên và vùng giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu; cũng như kiểm tra hệ thống các cửa cống để sẵn sàng đóng tất cả khi có mặn xâm nhập. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh thực hiện vận hành hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, cũng như cống Năm Căn và cống Hậu Giang 3 để chủ động phòng, chống xâm nhập mặn tăng cao. Đồng thời đề nghị Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh có kế hoạch vận hành đóng, mở tại cống Vàm Cấm thuộc xã Lương Nghĩa theo con nước lớn, ròng trong ngày (trừ chiều tối), do cống có khẩu độ cửa cống lớn nên các phương tiện thủy tập trung khá đông.
Cũng theo ông Lê Hồng Việt, dự kiến toàn huyện Long Mỹ sẽ xuống 56 đập thời vụ khi độ mặn ngoài sông, kênh đạt mức 1,5‰. Việc đắp đập thời vụ được thực hiện bám sát diễn biến, di chuyển của mặn xâm nhập, không đắp đập đồng loạt toàn địa bàn gây cản trở giao thông và hạn chế dòng chảy làm ô nhiễm môi trường nước, nhất là môi trường nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Các xã, thị trấn phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện chủ động lựa chọn các điểm đắp đập phù hợp và đảm bảo ngăn mặn chắc chắn, hiệu quả.
Nguồn: Nỗ lực phòng, chống mặn xâm nhập