Hậu Giang: Nông nghiệp ngoài khu trù mật
Hậu Giang: “Trao cần câu” giúp người dân thoát nghèo Hậu Giang: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP |
Giai đoạn 1954-1975, khu vực ngoài khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, ngoài canh tác lúa, người dân còn canh tác nhiều loại rau màu. |
Lúc này, vùng Vị Thanh, Hỏa Lựu làm ruộng cấy và ruộng sạ, năng suất không cao, do đất nhiễm phèn, mặn, đồng trũng, cỏ nhiều, sâu rầy thường xuyên phá hại.
Để tiến hành sản xuất có hiệu quả, khắc phục tình trạng thiếu vốn, cơ quan nông tín và hợp tác xã đã cho nông dân vay tiền trồng dừa, chăn nuôi là 4.551.000 đồng (cuối năm 1961).
Do chính quyền VNCH thực hiện Luật 10/59, bắn, giết, tù đày; quy dân về khu trù mật bỏ ruộng đất nhà “quê cha đất tổ”, nên người dân đã nổi dậy đấu tranh, phá khu trù mật, trở về đất cũ. Từ đó, các hoạt động sản xuất trong khu trù mật cũng dần ngưng trệ, đi đến thất bại. Tại các khu gia cư, nhà vườn bỏ hoang trở thành căn cứ quân sự, khi cường độ chiến tranh lên cao.
Những năm sau đó, chiến tranh càng ác liệt, bom đạn thường xuyên dội xuống tàn phá ruộng rẫy, mùa màng, khiến người dân không còn tha thiết với sản xuất. Họ làm ruộng chỉ để đủ ăn. Những giống lúa mùa cũ tiếp tục sản xuất như: Lắp phụng, nàng trô, ba kết, đốc vàng, ba túc, trắng lùn... Từ năm 1966, 1967 bắt đầu sử dụng các giống lúa ngắn ngày của Viện lúa gạo quốc tế như: IR5, IR8 rồi IR732 (dân gian gọi là thần nông 5, thần nông 8, thần nông 732) năng suất khá cao tại Vị Thanh. Đáng kể là có đến 30% nhà nông sử dụng máy cày, hầu hết đều biết sử dụng phân bón hóa học. Nhà nông còn biết dùng máy đuôi tôm để chế ra máy bơm nước lên ruộng hoặc tát mương, tát đìa,...
Theo tài liệu của tỉnh Chương Thiện lưu lại, năm 1968 toàn tỉnh (5 quận) sản xuất được 135.480 tấn (không rõ số liệu của Vị Thanh, Hỏa Lựu). Riêng quận Long Mỹ, Đức Long đã canh tác 500 mẫu lúa 2 mùa vụ. Ngoài lúa, tỉnh Chương Thiện sản xuất các loại hoa màu khác là: dưa hấu, khóm, bắp, khoai, chuối, cam, quýt, xoài, bưởi. Phương pháp trồng cây tháp cành được phổ biến rộng rãi. Song song đó, ngành khuyến nông được hình thành, tổ chức nhiều điểm trình diễn phân bón cùng các thí điểm hoa màu, chuồng trại.
Về chăn nuôi, đến năm 1968 trong toàn tỉnh, đàn heo có 72.535 con; trâu có 7.648 con; bò có 1.110 con; gà vịt là 230.113 con.
Tóm lại, nông nghiệp Vị Thanh - Hỏa Lựu thời kháng chiến chống Mỹ trải qua nhiều bước “thăng, trầm”. Thế nhưng, người nông dân luôn khắc phục các khó khăn, về bom, đạn chiến tranh để “tăng gia sản xuất”. Người nông dân vừa đáp ứng nhu cầu nuôi quân, góp phần cho cách mạng; vừa mở rộng kinh tế nông nghiệp theo xu hướng mới, nhất là cơ giới hóa và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, như sách “Địa chí Cần Thơ” nhận định:
“Tình hình nông nghiệp thời kháng chiến chống Mỹ giữ nước trong chiến tranh có ác liệt hơn, địch có nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt hơn, nhằm lừa mị, mua chuộc nhân dân, nhưng xét về mặt khoa học kỹ thuật và trình độ sản xuất, thì nông dân ở hai vùng ta và địch kiểm soát đều có tiến bộ hơn so với thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Nguồn: Nông nghiệp ngoài khu trù mật