Hậu Giang: Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu
Hậu Giang: Đa dạng các nguồn vốn huy động trong xây dựng nông thôn mới Hậu Giang: Có nhu cầu được đầu tư dự án nhà máy xử lý nước thải |
Mô hình nuôi ong lấy mật thuận tự nhiên của anh Trần Minh Nìm đang mang lại hiệu quả tích cực. |
Nhiều mô hình hiệu quả
Ghé Cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chúng tôi được chính người chủ là vợ chồng anh Trần Minh Nìm dẫn đi tham quan những thùng ong đang được nuôi trong vườn nhà.
Xuất thân là thợ sửa xe gắn máy, khi quyết định chuyển sang nuôi ong làm kinh tế của anh Nìm không chỉ khiến gia đình mà bà con chòm xóm cũng rất bất ngờ. Từ 2 thùng ong ban đầu, nhờ cần cù, chịu khó, đến nay cơ sở của anh Nìm có khoảng 600 đàn ong, 5 điểm đặt thùng ong lấy mật tại các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, mỗi nơi có diện tích từ 70-100m2, riêng Hậu Giang có 2 điểm.
Hiện, mô hình của anh Nìm đã tạo việc làm khoảng 100 đoàn viên, thanh niên và người dân tại địa phương, đặc biệt là hộ người dân tộc Khmer trên địa bàn xã và các tỉnh bạn. “Tôi không sợ người ta sẽ học nghề mình. Tôi muốn truyền đạt những hiểu biết của mình, những cái mình làm được để người dân làm hiệu quả hơn. Mang lại công ăn chuyện làm, thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Quan trọng nhất là biến đổi khí hậu khắc nghiệt, sản xuất sạch, an toàn, trồng cây, tạo cảnh quan thiên nhiên mang lại những bầu không khí trong sạch”, anh Nìm tâm sự.
Hiện tại, Cơ sở mật ong hương tràm Trần Nìm có 3 dòng sản phẩm gồm: mật thô, mật đóng chai và mật ong nguyên sáp. Trong đó, mật ong đóng chai và mật ong nguyên sáp đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với giá bán dao động từ 200.000-350.000 đồng, tùy loại sản phẩm, trừ tất cả các chi phí, anh Nìm thu lời 150-200 triệu đồng/năm.
Sắp tới, ngoài giữ vững chất lượng, anh Nìm tăng cường giới thiệu, quảng bá mật ong quê hương cùng với đó là nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm mới để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Không chỉ anh Nìm mà ở huyện Long Mỹ, nhiều thanh niên cũng mày mò khởi nghiệp từ thế mạnh địa phương. Tổ hợp tác (THT) đan đát lục bình của anh Trần Quang Thoại, ở xã Vĩnh Thuận Đông, cũng là một minh chứng. Được thành lập vào năm 2018 với 14 thành viên, vốn điều lệ 50 triệu đồng. Hiện nay, số thành viên tăng lên 25 người, vốn điều lệ 1 tỉ đồng.
THT có hơn 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng. Đơn vị đã liên kết với nhiều công ty để tạo đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm cho 250-300 người. Sản phẩm của THT không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.
Anh Trần Quang Thoại, Chủ nhiệm Tổ đan đát lục bình xã Vĩnh Thuận Đông, chia sẻ: “Khi mới thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn, nhưng đến nay mọi việc đã đi vào ổn định và phát triển. Chúng tôi đang làm các đơn hàng tết, khoảng 10.000 giỏ quà bằng lục bình, cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. THT mong tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm nguồn vốn, tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước”.
Đạt nhiều kết quả
Theo báo cáo tình hình thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của huyện Long Mỹ, trong năm 2022 các ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt được khá toàn diện so với năm 2021. Thành công này nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh, cùng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Long Mỹ, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt kết quả nhiệm vụ năm 2022, đặc biệt là 9 nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt.
Đáng chú ý về lĩnh vực kinh tế, tổng giá trị ước thực hiện cuối năm 2022 là 4.002 tỉ đồng, đạt 103,65%, tăng 256 tỉ đồng so với cùng kỳ. Cơ cấu giá trị sản xuất (giá thực tế): Khu vực I ước thực hiện cuối năm 2022 chiếm 64,06%, tăng 0,02%; khu vực II chiếm 20,23%, tăng 0,05%; khu vực III chiếm 15,71%, giảm 0,07%.
Tổng diện tích lúa cả năm hơn 39.328ha, năng suất trung bình cả năm ước đạt 6,79 tấn/ha; tổng sản lượng lúa thu hoạch khoảng 267.007 tấn, có 16.901ha lúa được bao tiêu. Tiếp tục vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện của địa phương, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác được 431,75ha, với 352 hộ.
Đầu năm đến nay, huyện Long Mỹ đã phát triển mới 6 hợp tác xã, đạt 150%, nâng tổng số hợp tác xã lên 41 và 68 tổ hợp tác đang hoạt động, tăng 3 tổ hợp tác so với cùng kỳ. Huyện có 3 hợp tác xã được tỉnh chọn tham gia Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 gồm: Hợp tác xã nuôi lươn Thuận Phát, xã Vĩnh Viễn A; Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Lợi, xã Thuận Hưng; Hợp tác xã nông nghiệp Phúc Thịnh, xã Vĩnh Viễn A, đồng thời đề xuất 1 hợp tác xã mới thành lập để tham gia đề án.
Thực hiện tốt việc phát triển các vùng chuyên canh gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm đạt OCOP, trong đó 3 sản phẩm 4 sao và 7 sản phẩm 3 sao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân và doanh nghiệp tăng thu nhập.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: Địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả từ cây trồng, vật nuôi như: lươn, mãng cầu và sắp tới là khóm. Các mô hình nuôi lươn, bưởi đã được đón nhận và có thị trường nên việc còn lại là chính quyền địa phương và người dân phải mở rộng sản xuất và phải đảm bảo các tiêu chuẩn mà thị trường đang cần.
“Huyện sẽ chú trọng nhân rộng các mô hình hiện có chứ không phát triển các mô hình mới, sản xuất theo hướng an toàn. Trong tương lai, khi các tuyến cao tốc được hình thành và các tuyến đường nội tỉnh được đầu tư hoàn chỉnh sẽ là cơ hội để huyện đón đầu phát triển. Địa phương xây dựng sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên các tuyến cao tốc, tuyến đường. Ngoài ra, nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương bước đầu đã có những mô hình có thể áp dụng, ứng dụng được”, ông Lê Hồng Việt, cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, thông tin: Huyện sẽ tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh và thế mạnh để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với du lịch cộng đồng; công nghiệp chế biến sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội... Tập trung triển khai đề án phát triển nông nghiệp của huyện thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung quan tâm, nâng chất các HTX, cũng như thành lập các HTX, chủ yếu là các HTX nông nghiệp để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Nguồn: Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu