Hậu Giang: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Nông dân HTX an toàn Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tự sản xuất phân hữu cơ để trồng rau trong nhà lưới. |
Trồng rau màu an toàn
Đến nay, thị xã Long Mỹ đã hỗ trợ nông dân xây dựng được 7 mô hình trồng rau trong nhà lưới để sản xuất rau an toàn cho người tiêu dùng, bằng cách sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học thay cho phân, thuốc hóa học. Thực hiện phương pháp này để trồng rau quanh năm, với 1 công đất, ông Nguyễn Văn Bi, ở khu vực 5, phường Thuận An, cho thu hoạch khoảng 700kg rau/tháng. Ngoài việc đảm bảo năng suất còn giúp ông Bi giảm công chăm sóc, tiết kiệm chi phí mua phân bón, thuốc cho vườn rau của gia đình.
Ông Bi cho biết: “Qua thời gian trồng, tôi thấy rau phát triển tốt, cho năng suất khá. Tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng nên chi phí rất thấp. Do trồng nhiều loại rau nên sâu bệnh ít xảy ra. Nhờ không sử dụng phân, thuốc hóa học nên sức khỏe không bị ảnh hưởng khi chăm sóc rau. Bình quân mỗi tháng sau khi thu hoạch rau bán được 8 triệu đồng, trừ chi phí tôi còn lãi 6 triệu đồng”.
Còn tại HTX Nông sản an toàn ở ấp 7, xã Long Trị A, có hơn 20 thành viên, với gần 34ha đất sản xuất, trong đó có 13 hộ chuyên sản xuất rau ăn lá các loại, với diện tích trên 2ha. Hiện nay, các thành viên HTX xoay vòng sản xuất, mỗi hộ trồng một loại đảm bảo đa dạng các loại rau ăn lá, cung cấp hàng mỗi ngày. Thương lái đến tận nơi thu mua với giá cả ổn định từ 10.000 đồng đến hơn 20.000 đồng/kg nên người trồng rau, màu rất phấn khởi, an tâm sản xuất để cung cấp rau xanh cho người tiêu dùng.
Từ nhiều năm nay, 13 nông hộ trồng rau ở HTX Nông sản an toàn xã Long Trị A đã chuyển sang trồng rau bằng phân hữu cơ, sản xuất rau màu an toàn, sạch, để không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người sử dụng. Bằng phương pháp này, đất giàu dinh dưỡng nên mỗi hộ có thể canh tác 9 vụ rau/năm, mỗi vụ đem lại nguồn thu nhập 5-6 triệu đồng. Do không sử dụng phân, thuốc hóa học nên lượng rau của HTX cung cấp ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Ngô Phước Nhượng, ở ấp 7, xã Long Trị A, cho biết: “Để có nguồn phân hữu cơ, tôi tận dụng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa và các phế phẩm sau khi chất nấm để ủ với Tricoderma. Sau 2 tháng sẽ có nguồn phân hữu cơ để bón cho diện tích rau của gia đình. Cách làm này giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, đặc biệt là tiết giảm được chi phí sản xuất rất nhiều so với dùng phân hóa học. Trước đây, tôi cũng như nhiều nông dân khác trong ấp thường sử dụng phân bón vô cơ, nhưng qua thời gian sử dụng, nhận thấy không hiệu quả. Thêm nữa là việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học có thể làm tổn hại độ phì nhiêu của đất và ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng”.
Ông Hồ Ngọc Bình, Giám đốc HTX rau an toàn xã Long Trị A, cho biết: “Mỗi ngày, HTX cung ứng khoảng 500kg rau ăn lá các loại nhưng không đủ cho thị trường, bởi rau đạt chất lượng. Rau làm ra đều được sơ chế sạch, gói bọc, mỗi bọc 0,5kg khi cân nên thương lái chuộng hơn so với các nông hộ trồng rau truyền thống khác. Theo tính toán, nông dân trồng rau trong nhà lưới ở xã Long Trị A còn lời khoảng 4-6 triệu đồng/công/vụ. Hiện rau của HTX đã được chứng nhận VietGAP và được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận sản phẩm OCOP 3 sao”.
Thị xã Long Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân ấp 7, xã Long Trị A, thêm 10 nhà lưới nữa để phát triển vùng trồng rau tập trung và xây dựng nhãn hiệu rau an toàn trên địa bàn xã, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngành chuyên môn sẽ thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức, kiểm soát quy trình sản xuất để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tích cực tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để vừa nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Ngoài ra, còn hỗ trợ người dân thực hiện các hồ sơ, thủ tục để đăng ký đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu OCOP.
Liên kết chuỗi trong sản xuất lúa
Trong sản xuất lúa hàng hóa, hiện nay trên 10.000ha xuống giống, thị xã Long Mỹ cũng đã thực hiện được nhiều mô hình sản xuất theo phương pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; gắn với các hoạt động liên kết cung cấp thực phẩm theo chuỗi “từ sản xuất đến tiêu dùng” và nhiều hình thức tổ chức sản xuất mới như tổ hợp tác, hợp tác xã. Ở HTX 26/3 thuộc xã Long Phú, nhiều vụ lúa trước đây, thông qua các hoạt động hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trong sản xuất lúa cho nông dân, đã giúp nhiều hộ dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, cùng với việc lựa chọn những giống lúa thích nghi với điều kiện đất đai, mùa vụ và nhu cầu thị trường trong mô hình canh tác lúa gạo bền vững, giúp nông dân giảm chi phí tương đương 2,3 triệu đồng/ha, gia tăng năng suất trung bình 0,48 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất bình quân 620 đồng/kg và nâng cao lợi nhuận gần 49% so với ngoài mô hình.
Về hiệu quả môi trường dự án đem lại là người dân, HTX trong vùng dự án tuân thủ tốt các biện pháp kỹ thuật nên giảm thiểu đáng kể việc đốt rơm rạ trên đồng, giúp giảm ô nhiễm do khói bụi trong không khí; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 2-3 lần/vụ, tiết kiệm 1-1,5 triệu đồng/ha, đã giảm thải ra môi trường các hóa chất độc hại. Giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa như: CO2 (do đốt rơm rạ), khí CH4 (nhờ áp dụng phương pháp quản lý nước “ướt, khô xen kẽ”. Ông Lê Quang Sĩ, ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Tham gia mô hình này, nông dân đã áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa và cấy thay cho sạ lan, từ đó giúp giảm lượng giống, bón phân cân đối và ít sâu bệnh nên lúa không phải phun xịt nhiều thuốc bảo vệ thực vật, trong khi năng suất ở vụ Đông xuân đạt từ 1 tấn trở lên, đảm bảo lợi nhuận cao cho nông dân”.
Vụ lúa Đông xuân năm nay, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang chọn HTX Long Bình 1, xã Long Phú, thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng GlobalGAP với 80ha. Theo yêu cầu, trên những cánh đồng lúa GlobalGAP, thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát, ưu tiên sử dụng sản phẩm sinh học nhằm bảo vệ các thiên địch. Đây là bước đột phá, thay đổi thói quen canh tác và sản xuất chạy theo sản lượng để chuyển hướng chuyên canh theo chiều sâu, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo đúng chất “sạch” của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: Mô hình sẽ thực hiện một số nội dung chủ yếu như gieo sạ thưa, đồng loạt, né rầy, sử dụng lúa giống cấp xác nhận, giống lúa có năng suất, phẩm chất tốt và chống chịu sâu bệnh. Hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón cân đối, hợp lý; dùng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng, tưới nước tiết kiệm theo từng giai đoạn sinh trưởng, tăng cường cơ giới hóa để giảm thất thoát trong khâu thu hoạch, phơi sấy, tồn trữ. Sản phẩm đảm bảo an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ, truy nguyên được nguồn gốc, tạo thói quen cho nông dân trong việc lập sổ ghi chép quá trình sản xuất lúa và chuyển giao, ứng dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa chất lượng cao…
Qua thực tế cho thấy, phần lớn việc sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ trên địa bàn thị xã Long Mỹ vẫn còn hạn chế, chỉ mới mang tính sản xuất theo hướng hữu cơ và quy mô còn nhỏ, manh mún. Giá sản phẩm không cạnh tranh được với sản xuất truyền thống... “Để từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn đang tích cực tuyên truyền cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương, để từng bước thay đổi về tư duy, nhận thức của nông dân ở thị xã Long Mỹ, giúp họ có những hành động thiết thực, sản xuất ra các loại nông sản an toàn, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và phát triển bền vững”, ông Thống cho biết thêm.
Nguồn: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ