Hậu Giang: Tăng cường ứng phó hạn, mặn kéo dài
Hậu Giang: Xây dựng bộ sản phẩm du lịch cần thiết và cấp thiết Hậu Giang: Trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao |
Người dân tích cực bơm nước dự trữ tưới cho rau màu để đề phòng hạn hán sẽ còn kéo dài trong tháng 5 này. Ảnh: T.TRÚC |
Phòng ngừa từ xa, từ sớm
Canh tác gần 1ha mít, 3 năm gần đây, anh Lê Văn Phố, ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, luôn duy trì thực hiện trữ nước ngọt vào những tháng mùa khô để tưới cho vườn cây. Theo đó, anh Phố đã cho đào một ao lớn hơn 500m2 giữa vườn cây để trữ hơn 750m3 nước ngọt. Vừa rồi, anh tiếp tục đầu tư hơn 20 triệu đồng lắp thêm hệ thống tưới tự động để tưới cho vườn cây. Bởi theo anh Phố, khu vực này trước đây đã từng bị nước mặn xâm nhập khiến nhà vườn không kịp trở tay. Chính vì thế nên những năm qua bà con nơi đây đều chủ động sản xuất vào những tháng mùa khô.
Anh Phố cho biết: “Trước đây, khu vực này bị nước mặn xâm nhập bất ngờ nên nông dân không kịp trở tay, thiếu nước ngọt tưới nên nhiều vườn cây bị thiệt hại nặng. Do đó, mấy năm gần đây bà con ở đây theo dõi sát việc dự báo và chuẩn bị nhiều phương án chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan”.
Tại huyện Phụng Hiệp, dù hiện tại chưa bị ảnh hưởng của hạn và mặn xâm nhập, nhưng theo dự báo có khoảng 20.000ha đất sản xuất có nguy cơ bị ảnh hưởng nên chính quyền và Nhân dân trong huyện cũng đã chủ động chuẩn bị nhiều giải pháp để ứng phó.
Người dân trong tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp để ứng phó với hạn mặn kéo dài. Ảnh: T.TRÚC |
Ngay từ năm ngoái, huyện Phụng Hiệp đã huy động các nguồn lực hơn 25,4 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 6 cống hở, 4 cống kết hợp với trạm bơm, tổ chức nạo vét 20 tuyến kênh tạo nguồn, chủ động khép kín cho hơn 1.000ha đất sản xuất, nâng tổng diện tích đất sản xuất được khép kín hoàn toàn trên địa bàn huyện khoảng 19.000ha. Ngành nông nghiệp huyện cũng đã bố trí 8 điểm quan trắc mặn, định kỳ khảo sát 2 buổi/ngày để kịp thời cập nhật nồng độ mặn.
Trong khi đó, các địa phương trong huyện nằm dọc tuyến kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp có nguy cơ ảnh hưởng mặn như các xã Phương Phú, Tân Phước Hưng và thị trấn Búng Tàu cũng đã tổ chức kiểm tra, duy tu sửa chữa các cống ngăn mặn do địa phương quản lý, vận hành và đề ra nhiều giải pháp để chủ động phòng chống. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua ngành nông nghiệp đã phân công cán bộ chuyên môn xuống địa bàn tiến hành quan trắc nồng độ mặn hàng ngày. Đồng thời phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, duy tu sửa chữa lại các cống ngăn mặn, các trạm bơm để khi nồng độ mặn vượt ngưỡng cho phép, việc triển khai các giải pháp không bị động.
Tiếp tục nỗ lực ứng phó
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, trong tháng 5 này sẽ còn có 2 đợt nắng nóng gay gắt và khả năng nồng độ mặn trên sông, kênh rạch tại các địa phương vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng cao. Trước tình hình này, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thường xuyên phối hợp, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, độ mặn tại các cửa sông chính để kịp thời kiểm soát mặn xâm nhập từ biển Đông và biển Tây vào địa bàn tỉnh.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu, ngoài thực hiện tốt công tác dự báo tình hình xâm nhập mặn vào từng thời điểm cụ thể, các đơn vị và cán bộ chuyên môn cần tăng cường công tác quan trắc độ mặn nhằm phát hiện sớm nồng độ mặn và địa bàn bị xâm nhập để thông tin kịp thời cho chính quyền các cấp kịp thời xử lý và người dân biết chủ động phòng tránh. Trong đó, công tác quan trắc phải đảm bảo thông suốt và liên tục từ tỉnh đến địa phương trên cơ sở đánh giá, dự báo để có sự chủ động ứng phó hiệu quả.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kịp thời cập nhật và thông tin nồng độ mặn đến người dân và các cấp chính quyền cơ sở sớm nhất, kịp thời nhất để người dân chủ động ứng phó trên tinh thần là hạn chế tối đa thiệt hại do xâm nhập mặn. Qua kinh nghiệm đợt mặn năm 2015-2016, cũng như đợt mặn năm 2018-2019 đã diễn ra trên địa bàn của tỉnh thì UBND tỉnh cũng đề nghị Nhân dân trong tỉnh phải thường xuyên nghe thông tin từ cơ quan thông tấn báo chí, trên cơ sở phân tích dự báo của cơ quan chức năng của tỉnh để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra nắm số hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... để kịp thời thực hiện giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế tại vùng bị hạn, mặn xâm nhập, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, nước mặn xâm nhập theo hướng triều cường biển Tây và biển Đông đã xuất hiện ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT rà soát, thống kê diện tích các loại cây trồng có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và dự báo, cảnh báo diễn biến tình hình xâm nhập kịp thời. Qua đó xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ xuống giống hợp lý và triển khai các giải pháp phù hợp để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn. Đối với vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng mặn tổng diện tích ước tính là khoảng 90.000ha đến 110.000ha, bao gồm vụ lúa Đông xuân 2023-2024, Hè thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, một phần huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đối với vùng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng hạn tổng diện tích ước tính khoảng 50.000ha đến 60.000ha, bao gồm vụ lúa Đông xuân 2023-2024, Hè thu 2024 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy, một phần huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Nhờ công tác phối hợp tốt với tinh thần chủ động giữa các ngành chức năng các cấp cùng với bà con nông dân, đến nay Hậu Giang chưa có diện tích cây trồng, nuôi thủy sản bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả theo tình hình thực tế của từng địa phương trong công tác phòng chống hạn mặn. Tuy nhiên, để chủ động trong bố trí mùa vụ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và bảo đảm Hậu Giang sản xuất trong vùng sinh thái ngọt, cũng như chủ động trong công tác phòng chống hạn, mặn trong những năm tiếp theo cần phải đầu tư, nâng cấp hệ thống đê chưa hoàn chỉnh, các công trình thủy lợi trữ ngọt, hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân…
Theo số liệu quan trắc của ngành chuyên môn thì nồng độ mặn đo được vào ngày 13-5 ở cống Hóc Pó, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ ở mức 10,8‰; UBND xã Lương Nghĩa là 9‰; bến phà Ngan Dừa, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ là 5‰; còn ở ngã ba sông Nước Trong nồng độ mặn ở mức 4,7‰; Kênh Năm, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh là 2,8‰... Vì vậy, người dân cần chú ý kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước tưới cho cây trồng để tránh bị thiệt hại. |
Nguồn: Tăng cường ứng phó hạn, mặn kéo dài