Hậu Giang: Về thăm ngôi chùa giàu truyền thống cách mạng
Chùa Phước Long giữ gìn cẩn thận những chiếc lu lớn, từng được chôn dưới đất làm nơi trú ẩn cho cán bộ cách mạng. |
Chùa Phước Long được lập vào năm 1927 lấy hiệu là Võ Châu Tự. Lúc đó, vợ chồng ông Võ Văn Dậu và bà Nguyễn Thị Khanh, ở làng Phú Long, tổng An Ninh, tỉnh Rạch Giá cũ (nay là ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy) xin lập nên một ngôi chùa để thường ngày tụng kinh cúng Phật. Ngôi chùa được xây dựng bằng gỗ, mái lợp ngói, có trống lớn, trống nhỏ. Sau đó, chùa được đổi tên thành chùa Phước Long và duy trì tên này cho đến ngày nay.
Để tìm hiểu về những đóng góp của chùa Phước Long cho sự nghiệp cách mạng, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Hòa, ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy. Ông Hòa năm nay 86 tuổi, hiện đang là Phó Trụ trì chùa Phước Long. Ông Hòa từng tham gia du kích xã. Năm 1966, để tránh sự truy lùng của giặc và có cơ hội tiếp tục hoạt động cách mạng tại địa phương, ông xin vào chùa Phước Long làm tu sĩ. Kể từ đó, ông đã chứng kiến và trực tiếp góp sức cùng các tu sĩ trong chùa tổ chức các hoạt động có lợi cho cách mạng.
Theo lời kể của ông Hòa, vào những năm kháng chiến chống Mỹ, rất đông người dân ở một số xã như: Vĩnh Tường, Vĩnh Trung, Vị Thanh (huyện Vị Thủy) và Hòa An, Tân Bình (huyện Phụng Hiệp) đã đến chùa lưu trú để tránh bom đạn của kẻ thù. Bản thân ông Hòa và các tu sĩ trong chùa đã nuôi chứa, che chở một số cán bộ cách mạng của xã, của tỉnh như: ông Sáu Chích, ông Mười Hương, ông Lê Minh Sơn…
Khi bọn giặc truy bắt thanh niên đi lính, chùa đã che chở cho hàng trăm thanh niên trốn quân dịch, vào chùa làm tu sĩ; đồng thời vận động các tăng ni, phật tử đi bộ đội, chống lại các cuộc càn quét của địch. Chùa còn thành lập một làng tăng ni, phật tử để đấu tranh bằng cách cản đầu xe tăng, không để cho chúng gây ra tội ác làm hại dân lành.
Trong thời gian từ năm 1958 đến năm 1975, khi chiến tranh ác liệt, rất đông người dân đến chùa tá túc để tránh bom đạn. Vào ngày 20-2-1972, có một đoàn xe tăng hàng chục chiếc của giặc bắn phá chùa. Để bảo vệ đồng bào phật tử và người dân, các sư thầy trong chùa đã liều mình kéo cờ chạy ra đoàn xe yêu cầu ngừng bắn, nhờ vậy mà tránh được thương vong cho dân lành vô tội.
Những thời điểm cuộc chiến diễn ra ác liệt như năm Mậu Thân 1968 và mùa hè đỏ lửa 1972, chùa đã vận động người dân mua thuốc men và gạo thóc phục vụ cho bộ đội ta đánh giặc…
Sau ngày toàn thắng 30-4-1975, một số tu sĩ trong chùa hoàn tục, người thì đi làm cách mạng, người thì về nhà làm kinh tế lo cho gia đình, chỉ còn lại một vài tu sĩ lớn tuổi ở lại chùa để sớm hôm lo nhang đèn, gõ mõ tụng kinh. Sau nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, chùa Phước Long hiện nay khá khang trang, gồm 1 chính điện, 1 hậu tổ, 1 giảng đường, 1 tăng phòng…
Hiện tại, chùa vẫn còn giữ gìn cẩn thận những chiếc lu lớn, trước đây từng được chôn dưới đất để làm nơi trú ẩn cho cán bộ cách mạng và người dân. Trải qua hàng chục năm tồn tại, những chiếc lu này đã ngả màu, nhưng không bị nứt bể. Chúng được xếp thẳng hàng, đứng sừng sững trong sân chùa và được coi là “nhân chứng” của một thời khói lửa ác liệt.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trụ trì chùa Phước Long, cho biết, ngày nay, cứ vào dịp lễ, tết, ngày rằm, luôn có rất đông tăng ni, phật tử, người dân trong và ngoài tỉnh đến chùa hành hương, cầu nguyện. Nhân dịp này, chùa đã tích cực vận động, tuyên truyền mọi người chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đặc biệt, chùa còn thường xuyên vận động các mạnh thường quân gần xa để trao nhiều phần quà và tổ chức các đoàn khám, chữa bệnh miễn phí cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Nguồn: Về thăm ngôi chùa giàu truyền thống cách mạng