Hậu Giang: Xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nông sản
Liên kết sản xuất đang là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho bà con. |
Hình thành chuỗi liên kết
Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Long, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho biết: “Hiện nay, HTX có 106 thành viên tham gia, ước tính mỗi tháng cung cấp khoảng 10 tấn lúa gạo các loại cho các thị trường trong và ngoài tỉnh. Để làm được điều này, HTX đã phấn đấu trong thời gian dài để xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin cho các thành viên, cũng như người dân về chất lượng sản phẩm của HTX”. Sau thời gian dài phấn đấu, HTX hiện đã đảm bảo được nguồn sản phẩm ổn định, đạt chất lượng để đưa ra thị trường. Nguồn hàng hóa được thu mua từ các thành viên trong HTX, ngoài ra còn thu mua của các hộ dân ngoài HTX với mức giá hơn 9.000 đồng/kg, sau đó được đưa ra thị trường theo 1 chuỗi, đảm bảo thu về lợi nhuận và hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, không lo bị ép giá hay tồn hàng.
Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nông sản đang ngày càng được người dân quan tâm bởi hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại, nhất là tại các HTX, tổ hợp tác (THT). Nhằm giúp bà con an tâm sản xuất, tiết kiệm chi phí, đạt năng suất, chất lượng và thu được hiệu quả kinh tế cao, HTX Nông nghiệp Phước Lộc, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, đã thực hiện nhiều loại hình dịch vụ, trong đó có cung ứng lúa giống cho bà con với giá thành cung ứng đầu vào rẻ hơn từ 100-200 đồng so với thị trường, liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra (dịch vụ thu gom lúa) với nhiều HTX trong và ngoài tỉnh như HTX Kiến Thành, HTX Hiếu Lực, HTX Mùa Vàng, HTX Trường Long Tây, HTX Phước Trung, HTX Tân Tiến, HTX Thạnh Đông,… Bên cạnh đó, HTX Phước Lộc còn ký kết hợp đồng dịch vụ lưu kho (lúa khô) với nhiều công ty tư nhân, doanh nghiệp và cung ứng lúa hàng hóa (lúa tươi), bán buôn gạo các loại. Chính nhờ hoạt động và liên kết sản xuất có hiệu quả nên những năm qua, số lượng thành viên và diện tích sản xuất lúa của HTX ngày càng tăng.
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Lộc, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, thông tin: “Khi mới thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên với vốn điều lệ 200 triệu đồng, với 11ha đất sản xuất lúa. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là khi bà con thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia vào mô hình kinh tế tập thể nên số lượng thành viên của HTX hiện là hơn 350 người, diện tích sản xuất lúa tăng lên hơn 670ha. Hằng năm, HTX đều hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra và đảm bảo được lợi ích cho các thành viên”. Tính từ đầu năm đến nay, HTX đã tổ chức bao tiêu được 200ha lúa của thành viên HTX và hộ nông dân liên kết bên ngoài. Bên cạnh đó là cung ứng khoảng hơn 100 tấn lúa giống các loại và số lượng gạo đã bán ra thị trường khoảng 10.000 tấn.
Hiện tại, lò sấy của HTX Phước Lộc dự trữ khoảng 1.900-2.000 tấn lúa. Theo các thành viên của HTX, lúc đầu chưa có cơ hội tiếp xúc với quy trình canh tác nên việc sản xuất còn gặp khá nhiều khó khăn, nhiều người còn e ngại với cách trồng mới, các thiết bị mới như máy bay phun thuốc, máy cuộn rơm,… Tuy nhiên, khi tham gia vào HTX, được sự hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật, sự hỗ trợ của bà con nên ngày càng có nhiều người áp dụng theo quy trình và thành công ngoài mong đợi. Đồng thời, nhờ có HTX bao tiêu đầu ra nên bà con cũng an tâm sản xuất, giá thu mua của HTX đối với các thành viên thường cao hơn giá thị trường trên dưới 1.000 đồng/kg, vụ này giá lúa OM18 được mua với giá từ 8.000-8.200 đồng/kg, OM34 có giá từ 7.400-7.500 đồng/kg. Điều này đã tạo được niềm tin và sự đồng thuận của bà con, giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
“Tới đây, HTX tiếp tục mở rộng địa bàn đầu tư và tiêu thụ lúa các loại của thành viên, cũng như bà con trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tiếp tục ký kết hợp đồng với các nhà máy nông nghiệp tư nhân, các công ty như công ty Chơn Chính, công ty Ngọc Lợi, tập đoàn Minh Long,… và triển khai thực hiện các hợp phần theo danh mục đầu tư thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030” của HTX”, ông Kiên thông tin thêm.
Hướng đến phát triển bền vững
Để phát triển chuỗi giá trị bền vững, cần chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh và uy tín cho nông sản địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Trong lúc này, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản tỉnh đóng vai trò then chốt để thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản. Chi cục là cầu nối kêu gọi và kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy hợp tác giữa các bên và kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chi cục còn hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Việc phát triển chuỗi giá trị nông sản không chỉ tăng cường khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế mà còn tạo động lực cho phát triển bền vững kinh tế địa phương. Với vai trò dẫn dắt, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, kết nối, xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả. Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản tỉnh, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, cần chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức HTX nhằm nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới cho người dân về phát triển kinh tế tập thể, nhất là bổ sung kiến thức về chuỗi giá trị nông sản, liên kết trong chuỗi giá trị và vai trò của HTX trong thời gian tới”.
Nguồn: Xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nông sản