Hệ lụy môi trường từ khai thác khoáng sản trái phép (Bài 3)
Theo Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ... Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính chính trị và xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc.
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Do vốn đầu tư của các doanh nghiệp này hạn chế, khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và nhất là chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên các chủ cơ sở ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để lại nhiều hậu quả xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, không ít các công ty hoạt động không tuân thủ dự án, thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết được duyệt.
Khói bụi bao phủ sau nổ mìn tại một mỏ đá trên địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình). |
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ thực trạng trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên các Bộ, ngành, địa phương. Thiếu sự đồng bộ và tồn tại nhiều hạn chế dẫn đến sự lãng phí, thiếu hợp lý và khiến cho nguồn tài nguyên đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhấn mạnh, việc khai thác khoáng sản trái phép không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên quốc gia, mà còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường và đời sống của người dân.
"Khai thác khoáng sản trái phép, không phép làm giảm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Điều này cũng làm mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do không thu được thuế và phí khai thác.
Bên cạnh đó, khai thác khoáng sản trái phép, không phép còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, phá hủy cảnh quan thiên nhiên, làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Đặc biệt, việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép có thể gây ra những hiện tượng thiên tai như sạt lở đất, lũ lụt, động đất, vỡ đập... gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân.
Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe của người dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực khai thác do bị mất đi nguồn nước sạch, không gian sống xanh và yên tĩnh; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm môi trường như ung thư, bệnh hô hấp, bệnh da... Việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép cũng có thể gây ra những xung đột xã hội do tranh chấp quyền sở hữu và sử dụng đất đai, gây mất an ninh trật tự", PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn cảnh báo.
Đối với những mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác và tận thu khoáng sản, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn cho rằng, đây là hoạt động kinh tế quan trọng, thế nhưng nếu không khai thác đúng quy chuẩn, không phục hồi sau khai thác cũng sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, cũng giống như khai thác khoáng sản trái phép, không phép, nếu những mỏ khoáng sản được cấp phép nhưng không tuân thủ quy định cũng sẽ gây ô nhiễm không khí, nước, đất do khói bụi, chất thải, rò rỉ hóa chất từ các mỏ và nhà máy khai thác;
Gây suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái do phá hủy rừng, đất, đáy biển, cắt đứt các chuỗi thức ăn tự nhiên. Gây xói mòn, sạt lở đất, lún sụt do khai thác quá mức, làm giảm khả năng chống chịu của đất đá. Gây nguy cơ về an toàn cho người dân và công nhân do tai nạn mỏ, cháy nổ, sập hầm, ngộ độc khí. Gây tranh chấp về quyền sở hữu và sử dụng khoáng sản giữa các cá nhân, tổ chức, quốc gia.
Khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng (Hình ảnh được PV ghi nhận vào tháng 8/2023, tại Tuyên Quang). |
Trước khi quyết định đưa một mỏ vào khai thác cần phải xem xét thận trọng giữa lợi ích trước mắt cũng như lầu dài, đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững. Nên khai thác mỏ ít chất thải, bởi lẽ thách thức lớn trong khai thác khoáng sản quản lý chất thải rắn trong mỏ.
Ngành công nghiệp khai thác mỏ hàng năm tạo ra khối lượng đất đá thải rất lớn do phải bóc lớp đất phủ và quặng nghèo không đáp ứng yêu cầu chế biến trong khai thác lộ thiên. Trong đất, đá thải chứa nhiều tạp chất khác nhau nên phải được quản lý theo một quy trình nghiêm ngặt để ngăn ngừa ô nhiễm nước mặt và nước ngầm. Việc chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang hầm lò sẽ hạn chế và giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm nước mặt cũng như nước ngầm do đất đá thải gây ra.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các quy định về ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng quy định cụ thể về định mức trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường và cần làm rõ phương án, trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.
(Còn nữa)
Nguồn: Hệ lụy môi trường từ khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép (Bài 3)