Hiện tượng El Nino gây thâm hụt lượng mưa và nắng nóng kỷ lục
Các địa phương chủ động ứng phó với hạn hán Ngành nông nghiệp khẩn trương ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trước hiện tượng El Nino |
Hiện tượng El Nino gây thâm hụt lượng mưa và nắng nóng kỷ lục |
Do hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường theo cả cường độ và quỹ đạo sẽ gây ra mức nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường, nắng nóng nhiều, gay gắt hơn và khả năng xuất hiện kỷ lục cao nhất về nhiệt độ. Dự báo, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80% và kéo dài từ 8 – 12 tháng hoặc lâu hơn. Trong điều kiện El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc. Đối với các đợt El Nino mạnh còn có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao tuyệt đối tại nhiều nơi tại Việt Nam.
Đáng chú ý, hiện tượng El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 – 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ) nên nguy cơ xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt,… trong các tháng mùa khô năm 2023 là rất lớn; vì vậy, người dân cần lưu ý đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước đối với những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Dù trong điều kiện El Nino, lượng mưa có xu thế giảm nhưng có thể xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ ở một số năm. Ví dụ như năm 2015, Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7. Năm 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực. Cụ thể như, lũ lớn trên báo động 3 vào tháng 7 đầu tháng 8 trên sông Hồng, sông Thái Bình; lũ lớn ở Trung Bộ vào cuối tháng 9, trong đó có lũ lịch sử xuất hiện thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh). Nam Bộ đã xuất hiện lũ lớn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2009, cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi gây ra đợt lũ lớn, lũ lịch sử cuối tháng 9. Đỉnh lũ năm 2009, tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động 3 gây ngập lụt nghiêm trọng từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum.
Tại Công điện số 397/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
Đồng thời, cần triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước, ngăn mặn, đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước,… nhằm giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng, hạn hán gây ra.
Nguồn: Hiện tượng El Nino gây thâm hụt lượng mưa và nắng nóng kỷ lục