Hoàn thiện cơ sở pháp lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi
Thông tin từ Lãnh đạo Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, từ lâu chăn nuôi được xác định là một ngành chủ lực, cần phải chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính.
Ước tính mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và hơn 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính. Trong khi đó, chuyển đổi xanh hiện nay đang là xu hướng không thể đảo ngược. Ngành chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính như khí CH4, CO… có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu.
Theo số liệu công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2014-2020, phát thải khí nhà kính ngành chăn nuôi tăng từ 19,1 triệu tấn CO2tđ lên 20,9 triệu tấn CO2tđ, dự kiến là 34,1 triệu tấn CO2tđ năm 2025 và 36,3 triệu tấn CO2tđ năm 2030.
Vì vậy, việc giảm phát thải trong chăn nuôi là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết. Trên cơ sở đó, để hoàn thiện hành lang pháp lý ở lĩnh vực này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 19/2024/TT-BNNPTNT của quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi. Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/1/2025. Về nguyên tắc thực hiện kiểm kê; Theo Thông tư số 19/2024/TT-BNNPTNT, kiểm kê khí nhà kính (KNK), đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK cần tuân thủ các nguyên tắc: Đầy đủ, nhất quán, minh bạch, chính xác, so sánh được.
Cụ thể, tính đầy đủ: Việc kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK phải thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải KNK, các nguồn hấp thụ KNK. Số liệu được thu thập liên tục, không bị gián đoạn; Tính nhất quán: Việc kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK đảm bảo thống nhất về phương án giám sát, số liệu tính toán, phương pháp kiểm kê KNK, phương pháp tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải KNK; Tính minh bạch: Các tài liệu, dữ liệu, giả định, số liệu hoạt động, hệ số áp dụng, phương pháp tính toán được giải thích rõ ràng, trích dẫn nguồn, được lưu giữ để đảm bảo độ tin cậy, tính chính xác cao;
Tính chính xác: Tính toán kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK đảm bảo độ tin cậy theo phương pháp luận lựa chọn và giảm tối đa các sai lệch; Tính so sánh được: Kết quả kiểm kê KNK, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải KNK của một cơ sở, lĩnh vực đảm bảo các điều kiện về số liệu, phương pháp luận có tính tương đồng để có thể so sánh được.
Thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cần duy trì tính độc lập với các bên liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khách quan trong quá trình đánh giá; Đảm bảo sự trung thực, chính xác, khách quan và không thiên lệch. Về quy trình và phạm vi kiểm kê, cũng theo Thông tư số 19/2024/TT-BNNPTNT, quy trình kiểm kê KNK cấp cơ sở gồm các bước: Xác định phạm vi kiểm kê KNK cấp cơ sở; Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê KNK cấp cơ sở; Lựa chọn hệ số phát thải KNK cấp cơ sở.
Phát thải KNK ngành chăn nuôi năm 2025 dự kiến là 34,1 triệu tấn CO2tđ. (Ảnh minh hoạ: Internet). |
Xác định phương pháp kiểm kê và tính toán phát thải KNK cấp cơ sở; Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê KNK cấp cơ sở; Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê KNK cấp cơ sở; Tính toán lại kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở; Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở. Kiểm kê KNK cấp cơ sở được thực hiện đối với các nguồn phát thải thuộc phạm vi quản lý của cơ sở gồm nguồn phát thải trực tiếp và nguồn phát thải gián tiếp.
Trong đó, nguồn phát thải trực tiếp gồm: Phát thải do tiêu hóa thức ăn của vật nuôi; Phát thải do phân thải vật nuôi; Phát thải từ các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình chăn nuôi; Phát thải KNK là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, rò rỉ dung môi chất lạnh của thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Nguồn phát thải gián tiếp gồm: Phát thải do tiêu thụ điện năng mua từ bên ngoài; Phát thải do sử dụng năng lượng hơi mua từ bên ngoài.
Trước đó, theo Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí metan của Việt Nam không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2tđ (giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020), trong đó, phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2 tđ.
Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2tđ (giảm ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020), trong đó, phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2 tđ. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi, cho rằng, những mục tiêu giảm phát thải trong chăn nuôi đang đặt ra thách thức lớn cho ngành chăn nuôi, nhưng cũng tạo ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam nếu nắm bắt kịp thời. Trước thách thức đồng thời cũng là cơ hội lớn nói trên, ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lộ trình phát triển chăn nuôi bền vững, giảm phát thải.
Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK trong chăn nuôi bao gồm thay đổi, cải thiện và sử dụng các chế phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trong chăn nuôi gia súc và giảm phát thải khí mê-tan; lai, cải tạo giống gia súc trong nước bằng những giống ngoại có năng suất chất lượng cao và phù hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi; phát triển, khai thác hiệu quả các mô hình khí sinh học và ứng dụng công nghệ trong sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi; thu hồi và sử dụng khí mê-tan trong xử lý chất thải chăn nuôi vào các hoạt động trong chăn nuôi gia súc và sản xuất điện năng…
Việc xây dựng các Thông tư, Nghị định trong việc quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê KNK lĩnh vực chăn nuôi nhằm hoàn thiện cơ sở khung pháp lý cho công tác giảm phát thải KNK trong chăn nuôi, qua đó giúp ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững và đúng lộ trình; việc xây dựng một quy định mạnh mẽ và hiệu quả về giám sát, báo cáo, thẩm định phát thải KNK trong ngành chăn nuôi là hết sức cần thiết.
Nguồn: Hoàn thiện cơ sở pháp lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi