Hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp
Thay đổi thông minh để bảo vệ môi trường Gắn bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội |
Thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ưu tiên đầu tư phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt là hướng đến xây dựng các khu công nghiệp xanh, thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần hình thành sản xuất xanh, tăng trưởng xanh bền vững.
Vĩnh Phúc hiện có 19 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô trên 5.200 ha; trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt hệ thống hệ thống xử lý nước thải tập trung, với tổng công suất thiết kế khoảng 33.000m3/ngày đêm; 6 KCN đã có hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hoàn thành việc lấy mẫu và phân tích mẫu nước thải, khí thải công nghiệp theo kế hoạch (49 mẫu nước thải và 38 mẫu khí thải); thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, quản lý nước thải công nghiệp, rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt theo quy định; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm về giữ gìn vệ sinh môi trường của các doanh nghiệp trong KCN.
Tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động xử lý nước thải tại các KCN được ngành chức năng tỉnh chú trọng triển khai. |
Cùng với đó, Ban Quản lý tham gia đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 07 dự án; tham gia đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho 04 dự án; tham gia ý kiến cấp Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền Bộ cấp cho 02 dự án và thuộc thẩm quyền UBND Tỉnh cấp cho 62 dự án.
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong các KCN Vĩnh Phúc đã quan tâm tạo mảng xanh trong khuôn viên. Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã lên kế hoạch chỉnh trang, trồng nhiều cây xanh tại các đường đi nội bộ trong khuôn viên KCN cũ cũng như đưa vào quy hoạch, thiết kế với những KCN mới trước khi đi vào hoạt động, đồng thời quy định mỗi công ty phải giành tối thiểu 10% diện tích khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh, đặc biệt là thu hút các dự án có quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trong các KCN. Trong thời gian qua, Ban Quản lý đã tăng cường đôn đốc, chỉ đạo và hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng KCN triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định theo đúng pháp luật về môi trường; xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, thoát nước theo tiêu chuẩn về môi trường…
Kết quả, gần đây một số KCN đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép về môi trường và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các KCN nhanh chóng triển khai các hoạt động thu hút đầu tư hiệu quả, bền vững và tuân thủ nghiêm túc các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường trong các KCN.
Hạ tầng bảo vệ môi trường trong đó có không gian xanh được các doanh nghiệp nỗ lực hoàn thiện. |
Luật Bảo vệ môi trường (2020) chính thức có hiệu lực, ngành Công nghiệp môi trường được nhìn nhận như một ngành kinh tế gồm sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính là công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường; dịch vụ công nghiệp môi trường (thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, phân tích…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường.
Tại Vĩnh Phúc, Công nghiệp môi trường là ngành mới, trên địa bàn tỉnh chưa có các dự án sản xuất thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển phân loại xử lý chất thải rắn; sản xuất thiết bị phân tích, quan trắc và kiểm soát các thông số môi trường, dụng cụ, thiết bị lấy mẫu môi trường; sản xuất thiết bị xử lý nước thải như máy khuấy bùn, máy bơm đặc chủng công suất lớn...
Thực hiện Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác BVMT, tiêu biểu như Quyết định số 55 ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 97 ngày 15/1/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án BVMT tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2023; Quyết định số 3235 ngày 26/11/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Cùng với đó, nhằm phát triển thị trường và thu hút đầu tư phát triển ngành Công nghiệp môi trường, tỉnh đã ban hành Quyết định số 2906 phê duyệt danh mục 58 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021-2025; trong đó, tập trung các dự án lớn như các dự án đầu tư hạ tầng KCN, CCN; đầu tư cấp nước sinh hoạt; các dự án trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường và các dự án đầu tư trực tiếp khác.
Để thúc đẩy ngành Công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh phát triển, đáp ứng các yêu cầu về xử lý môi trường và đóng góp chung cho nền kinh tế đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền về Công nghiệp môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về ngành công nghiệp này; chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành Công nghiệp môi trường.
Tiếp tục thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án đầu tư ngành phát triển Công nghiệp môi trường. Lồng ghép nội dung phát triển Công nghiệp môi trường vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như các ngành trên địa bàn; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Nguồn:Hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp