Hoàn thiện hệ thống logistics nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản
Việt Nam tăng hạng trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu Rào cản trong chuyển đổi số ngành logistics |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt nông sản chiếm rất cao từ 25-30%, trong đó có vấn đề thiếu hụt kho vận để đóng gói. Chi phí logistics đối với nông sản của Việt Nam hiện nay cao hơn các nước trong khu vực. Tùy theo mặt hàng, logistics chiếm từ 12-38% giá thành sản phẩm. Do vậy, cần phải có hệ thống logistics hoàn chỉnh cho nông sản trong phạm vi cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu; 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu... Tuy nhiên, hầu hết hàng nông sản phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP.HCM để xuất đi nơi khác khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10-40%, tùy theo từng chuyến, ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao như phí dịch vụ lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đang là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng, cần có những giải pháp kịp thời.
Trong đó, cần sớm có phương án chính sách và mô hình hiệu quả, phát triển hệ thống hạ tầng logistics; đồng bộ hệ thống kết cấu giao thông vận tải; đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam từ sản xuất, thu hoạch cho đến thông quan xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông sản của vùng.
Thông tin tại hội thảo “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, tổng sản phẩm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng liên tục qua các năm, bình quân đạt 3,04%/năm. Xuất khẩu nông lâm thủy sản không ngừng tăng trưởng và đạt kim ngạch trên 53 tỷ USD năm 2022.
Tuy nhiên, nông sản của Việt Nam chưa phát triển do nguyên nhân rất quan trọng là dịch vụ logistics còn hạn chế. Dịch vụ logistics liên quan đến vận chuyển, gom hàng, lưu kho, xử lý, đóng gói hoặc phân phối hàng hóa cũng như các dịch vụ phụ trợ, giữ vai trò kết nối các khâu trong chuỗi, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, cung ứng hàng hóa theo nhu cầu và đảm bảo chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng, giúp giảm chi phí, tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng khối lượng giao dịch và thúc đẩy mở rộng thị trường.
Để phát triển dịch vụ logistics cho nông sản đảm bảo gắn kết giữa vùng sản xuất với các khâu trong chuỗi giá trị. |
Bộ NN&PTNT đánh giá, logistics cho kinh doanh nông sản có những đặc thù và những yêu cầu khác so với logistics cho hàng hoá công nghiệp, bị ảnh hưởng chi phối bởi các đặc tính của ngành nông nghiệp là chuỗi cung ứng liên quan nhiều khâu, thu hoạch nông sản mang tính thời vụ và theo mùa. Nhiều mặt hàng nông sản cần đảm bảo tươi sống, dễ hư hỏng, dễ nhiễm khuẩn và chỉ có giá trị trong một thời hạn ngắn, số khác lại cần bảo quản ở nhiệt độ thấp với chất lượng và mẫu mã không đồng nhất…
Do đó dịch vụ logistics nông nghiệp có tính khác biệt phải gắn với các vùng sản xuất, phải đảm bảo một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Logistics trong nông nghiệp cần được chú trọng vào đầu tư phát triển các hạ tầng kho, bãi; vận tải lạnh, các dịch vụ đóng gói, chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm...
Để phát triển dịch vụ logistics cho nông sản đảm bảo gắn kết giữa vùng sản xuất với các khâu trong chuỗi giá trị thì không chỉ cần các chợ đầu mối bán buôn như hiện tại mà phải cần các trung tâm cung cấp dịch vụ logistics ở các cấp độ khác nhau với nhiều chức năng như sơ chế, đóng gói, vận chuyển (nhất là vận chuyển lạnh), kiểm dịch, bảo quản (bao gồm bảo quản lạnh), chiếu xạ và có thể cung cấp các dịch vụ khác như cung cấp thông tin cung cầu thị trường, tổ chức đấu giá...
Hướng đến mục tiêu phát triển logistics một cách có hệ thống và phục vụ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh nông sản thì cần phải có đề án riêng, có tính dài hạn và phải gắn kết vùng sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản vì thế việc xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050” là rất cần thiết.
Dự thảo đề án Đề án “Phát triển hệ thống Logictics nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050 đặt ra nhiệm vụ rà soát lại hệ thống logistics tại các vùng sản xuất trọng điểm, các địa điểm đang dự kiến xây dựng các trung tâm logistics. Đồng thời thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống logistics nói chung và hệ thống logistics nông nghiệp nói riêng. Hệ thống logistic nông nghiệp cần gắn với các vùng sản xuất trọng điểm, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng nguyên liệu gỗ và hệ thống các trung tâm logistics trên cả nước.
Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050” đã xây dựng hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp 3 cấp, gồm: Trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng mang tính động lực, quy mô lớn kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung tâm logistics nông nghiệp tại các vùng sản xuất tập trung hỗ trợ sản xuất hiệu quả, đảm bảo chất lượng, gia tăng giá trị nông sản, kết nối với trung tâm logistics cấp vùng và trung tâm logistics phục vụ xuất khẩu. Trung tâm logistics nông nghiệp phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh có cửa khẩu và các cảng xuất khẩu nông sản.
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong Chiến lược tổng thể phát triển Khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 1.4.2021 đã xác định logistics cùng với dịch vụ du lịch; công nghệ thông tin và truyền thông; Dịch vụ tài chính ngân hàng là 4 ngành dịch vụ hàng đầu được ưu tiên phát triển đến năm 2050.
Theo đánh giá của Hiệp hội Logistics Việt Nam, logictics sẽ giúp xây dựng được thương hiệu nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, trung tâm logistics trở thành điểm thương mại, triển lãm, xuất khẩu. Nhà nước cần tập trung đúng góc độ người nông dân để có từng giải pháp cụ thể. Dịch vụ logistics tốt sẽ giúp bảo quản được nông sản trong nhiều tháng, giá thành thấp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, hệ thống logistics của Việt Nam cần xây dựng hệ thống logistics của Việt Nam đạt những tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP (hệ thống các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm), BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm), Global G.A.P (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt) nhằm đáp ứng hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt của thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nguồn:Hoàn thiện hệ thống logistics nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản