Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc: Hướng tới hành động đa phương hiệu quả, bền vững
Ông cho biết: “Nỗ lực của chúng ta là vấn đề cấp bách. Hành tinh của chúng ta đang trên bờ vực, hệ sinh thái đang sụp đổ, khí hậu đang suy thoái và nhân loại phải chịu trách nhiệm”.
Hành động ngay bây giờ
UNEA là cơ quan ra quyết định cấp cao nhất về vấn đề môi trường và nhằm mục đích giúp khôi phục sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Cuộc họp ở Nairobi - phiên họp thứ 6 diễn ra từ ngày 26/2-1/3 và đại diện của hơn 180 quốc gia đã đàm phán các giải pháp về các vấn đề từ giải pháp dựa vào thiên nhiên và thuốc trừ sâu có độ nguy hiểm cao đến suy thoái đất và hạn hán.
Trọng tâm thảo luận cũng là các Hiệp định môi trường đa phương (MEA). Trong số các hiệp định khu vực và quốc tế này, một số hiệp định đã được ra đời hơn 50 năm, giúp bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và hạn chế ô nhiễm hóa chất cùng nhiều mối lo ngại khác.
Các quốc gia trên thế giới đang được kêu gọi đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học |
Trong thông điệp của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã chia sẻ về hậu quả của các cuộc khủng hoảng môi trường mà hành tinh đang phải đối mặt, từ những dòng sông bị “nhiễm độc” đến mực nước biển dâng cao.
Ông khẳng định sự cần thiết phải hành động, bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, thích ứng với thời tiết khắc nghiệt và mang lại công bằng về khí hậu, đặc biệt ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của UNEA.
“Trước đây, chúng ta đã chứng tỏ rằng chúng ta có thể đoàn kết và thực hiện - gần đây nhất là quyết định lịch sử về đàm phán hiệp ước toàn cầu chống rác thải nhựa. Chúng ta hãy phát huy điều này và tiến xa hơn nữa”, ông cho biết thêm.
Vì môi trường bền vững
Phát biểu tại UNEA-6, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Dennis Francis đưa ra nhận định về mối liên hệ giữa môi trường lành mạnh và việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Ông nói: “Trong nhiều năm, chúng ta đã biết rằng một môi trường lành mạnh vừa là yêu cầu thiết yếu vừa là yếu tố then chốt tạo nên một tương lai an toàn, công bằng và thịnh vượng hơn”.
Mặc dù các mục tiêu SDG cung cấp kế hoạch chi tiết cho một tương lai công bằng và bình đẳng hơn cho cả con người và hành tinh, nhưng ông cảnh báo rằng chúng không đi đúng thời hạn năm 2030.
“Do chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về môi trường và cần hành động khẩn cấp, chúng ta phải đảm bảo rằng kết quả của UNEA-6 thúc đẩy quyền con người có được một môi trường sạch sẽ, lành mạnh và bền vững - điều đó thúc đẩy các phản ứng đa phương đối với các vấn đề về môi trường để khôi phục lại sự cân bằng với thiên nhiên”, ông Francis nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề cập đến mối liên kết “không thể tách rời nhưng mong manh” giữa sức khỏe của con người, động vật và môi trường.
Ông cho biết các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên hơn gây ra tử vong và thương tích, nhiều đợt nắng nóng ảnh hưởng tới người bệnh tim mạch, trong khi ô nhiễm không khí gây ra ung thư phổi, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Các loài khác cũng bị ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu đang dẫn đến những thay đổi trong hành vi, sự phân bố, sự di chuyển, phạm vi và cường độ của muỗi, chim và các động vật khác đang lây lan các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và sốt rét sang các khu vực mới.
Hơn nữa, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cũng làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh từ động vật sang người và có thể gây ra đại dịch, do đó việc phòng ngừa ban đầu để giảm thiểu rủi ro có vai trò quan trọng.
“Các mối đe dọa đối với sức khỏe từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học không phải là những rủi ro giả định trong tương lai. Chúng hiển hiện ở ngay đây và ngay lúc này, điều này khiến sức khỏe trở thành lý do thuyết phục nhất cho hành động vì khí hậu”, ông Tedros nhấn mạnh.
Ông Tedros kêu gọi chuyển đổi các hệ thống năng lượng, vận tải, thực phẩm và y tế, đồng thời cho rằng “chúng ta phải thay đổi để nỗ lực hướng tới hành động đa phương hiệu quả, toàn diện và bền vững”.
Nguồn: Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc: Hướng tới hành động đa phương hiệu quả, bền vững