Hội nghị COP28: Bàn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại chính quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới - cơ hội phá bỏ điều "cấm kỵ"?
Vấn đề về nước sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị COP28 Việt Nam cam kết đóng góp tích cực tại COP28 |
Hội nghị COP28: Bàn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại chính quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới - cơ hội phá bỏ điều 'cấm kỵ'? |
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) sẽ khai mạc vào ngày 30/11 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE. Việc thiếu vắng tiếng nói đối trọng với các nhà vận động hành lang cho năng lượng hóa thạch tại COP28 sẽ là một điều vô cùng tồi tệ.
Những ngày này, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO), nhất là các tổ chức bảo vệ môi trường, đang tăng cường kêu gọi nhiều hơn nữa chính giới và lãnh đạo các nước cùng tham dự, để tạo đối trọng với sự hiện diện ngày càng tăng của giới vận động hành lang và đại diện các tập đoàn năng lượng hóa thạch.
COP28 sẽ là cơ hội để các bên cất lên tiếng nói của mình, nhằm bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất và nhắc nhở các chính phủ về tính cấp thiết của việc đẩy nhanh hành động vì khí hậu.
Theo số liệu của các tổ chức Trách nhiệm doanh nghiệp (CA), Trung tâm quan sát Doanh nghiệp châu Âu (CEO) và Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (GW), hội nghị COP27 tổ chức tại Sharm El-Sheikh (Ai Cập) đã ghi nhận một con số kỷ lục về lực lượng các nhà vận động hành lang bảo vệ nhiên liệu hóa thạch. Họ bao gồm 636 người phủ rộng trên toàn bộ cac vấn đề từ ngành than, dầu cho đến khí đốt. So với COP26, con số này đã tăng 25%.
COP28 sẽ được chủ trì bởi ông Sultan Ahmed Al-Jaber, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí quốc gia Abu Dhabi (Adnoc). Ông Al-Jaber đồng thời cũng là đặc phái viên về khí hậu của UAE.
Mặc dù công khai khẳng định thế giới cần một “sự điều chỉnh hướng đi” để hạn chế sự nóng lên toàn cầu, nhưng trên thực tế doanh nghiệp do ông Al-Japer điều hành vẫn tiếp tục đầu tư ồ ạt vào các dự án phát triển nhiên liệu hóa thạch giống như nhiều doanh nghiệp dầu khí khác. Điều này làm dấy lên những lo ngại về xung đột lợi ích liên quan đến các quyết định chính trị phải được đưa ra tại COP28.
Ngay từ ban đầu, việc tổ chức COP28 tại UAE đã khiến nhiều người cảm thấy không thuyết phục, bởi đây là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ bảy thế giới (theo xếp hạng của Bộ Năng lượng Mỹ). Lượng khí thải carbon bình quân đầu người của nước này là hơn 20,3 tấn CO2 (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới - WB).
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, việc tổ chức COP28 ở Dubai cũng mang đến những cơ hội chưa từng có để phá bỏ điều “cấm kỵ”, đó là đặt vấn đề loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch lên bàn đàm phán.
Chủ đề này đã không được thảo luận trong các cuộc đàm phán COP hai năm gần nhất. Trong khi đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã khẳng định một cách rõ ràng rằng, bất cứ các khoản đầu tư mới nào dành cho các dự án dầu, khí đốt hoặc than cũng đều không tương thích với mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.
Trong Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992, Liên hợp quốc (LHQ) đã thành lập ba COP, gồm COP về khí hậu, COP về đa dạng sinh học và COP về sa mạc hóa.
Đối với những vấn đề toàn cầu này, các bên cần phải đưa ra các phản ứng toàn cầu. Do vậy, COP về khí hậu là không gian duy nhất tồn tại ở cấp độ quốc tế cho phép đề cập cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Sự kiện này có sự hiện diện của hầu hết các quốc gia xung quanh bàn đàm phán. Với thời gian hai tuần diễn ra hội nghị, đây sẽ là sự kiện quan trọng nhất trong năm về các vấn đề khí hậu, đặc biệt cho phép truyền đạt tiếng nói của các bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất, những người phải trả giá nhiều hơn một chút mỗi ngày cho hậu quả của việc không hành động.
Tại COP, các bên không chỉ bàn thảo về việc giảm phát thải khí nhà kính mà còn là góp tiếng nói về nhiều chủ đề khác nhau, chẳng hạn như nợ môi trường. Các nước giàu “mắc nợ” các nước Nam toàn cầu vì lượng khí thải nhà kính lịch sử mà họ gây ra. Điều quan trọng là các quốc gia Bắc Toàn cầu cần tự gánh vác trách nhiệm và đóng một vai trò công bằng hơn trong việc giảm khí thải và hợp tác quốc tế để thanh toán khoản nợ này. Bằng cách tài trợ cho các sáng kiến về khí hậu, cam kết giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính và ứng phó với những mất mát và thiệt hại, những tác động tồi tệ nhất của khí hậu, COP mang đến những cơ hội thực sự cho sự thay đổi.
COP cũng là không gian hữu ích và cần thiết để đạt được tiến bộ cụ thể. Chính tại COP21 vào năm 2015, Hiệp định Paris về khí hậu đã được hơn 200 nước nhất trí thông qua, đặt ra cột mốc chung là mức độ nóng lên của Trái Đất không vượt quá 1,5°C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp. Thỏa thuận buộc các quốc gia phải đệ trình các kế hoạch chuyển đổi khí hậu ngày càng đầy tham vọng hơn.
Cũng nhờ COP mà nhiều cơ chế khí hậu đã được thiết lập nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia dễ bị tổn thương, chẳng hạn như Quỹ khí hậu xanh, hay quỹ hỗ trợ mất mát và thiệt hại – những thiệt hại không thể khắc phục được của biến đổi khí hậu. Việc lập Quỹ khí hậu xanh đã được ấn định vào năm 2022 tại COP27, minh chứng cho như một thắng lợi lớn của công lý khí hậu.
Vì vậy, các bên liên quan, gồm các chính phủ, các nhà chính trị, cũng như các NGO cần nhận thức được trách nhiệm trong việc củng cố và sử dụng không gian COP làm đòn bẩy cho khí hậu và công bằng xã hội, vì một thế giới mà tình trạng khẩn cấp về khí hậu sẽ không còn đồng nghĩa với chủ nghĩa hoài nghi mà bằng hành động kiên quyết.