Hút ròng 45.000 tỷ đồng, chuyên gia chỉ thời điểm NHNN dừng phát hành tín phiếu
Hút ròng 45.000 tỷ đồng trong ba phiên
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp có động thái hút ròng tiền trên thị trường mở qua phát hành tín phiếu trong những ngày gần đây. Hôm nay ngày 13/3, NHNN tiếp tục hút gần 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống. Tổng cộng có 13 thành viên tham gia đấu thầu, trong đó có 12 thành viên trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở mức 1,4%/năm, kỳ hạn 28 ngày và khối lượng 14.999,7 tỷ đồng.
Trong hai phiên giao dịch trước đó, nhà điều hành cũng hút gần 30.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu với cùng kỳ hạn và lãi suất như trong phiên 13/3.
Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, NHNN đã hút về tổng cộng gần 45.000 tỷ đồng thanh khoản khỏi hệ thống, trong khi không có động thái bơm thêm.
Liên tiếp trong ba phiên, NHNN đã rút 15.000 tỷ đồng/phiên khỏi hệ thống. |
Nhà điều hành bắt đầu hút tiền trong bối cảnh thanh khoản dư thừa khi tín dụng quay đầu giảm trong những tháng đầu năm. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm mạnh so với mức đỉnh từng đạt được trong ngày 21/2 (4,14%) và đang có xu hướng tiến về mặt bằng thấp được duy trì trong giai đoạn dư thừa thanh khoản vào cuối năm 2023.
Kể từ khi NHNN bắt đầu hút tiền, tỷ giá đã có xu hướng giảm so với mức đỉnh. Tỷ giá trên thị trường chợ đen, tỷ giá tại ngân hàng thương mại và tỷ giá trung tâm phiên 13/3 đều đã hạ nhiệt so với phiên 11/3. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 0,76%/năm trong phiên 11/3 lên 1,47%/năm trong phiên 12/3; lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 1,29% lên 1,67%/năm.
Đánh giá về việc hút ròng của NHNN, chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, việc bơm hút tiền chỉ là câu chuyện nghiệp vụ và diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân của động thái này chủ yếu do USD lên cao nên NHNN hành động để ưu tiên giữ tỷ giá.
Tỷ giá VND tự do hiện đã lên tới 25.600 VND/USD, tăng 3,4% so với đầu năm. Trước đó, trong cả năm 2023, tỷ giá tự do cũng đã tăng 4,2%. Mà lý do chính làm tăng tỷ giá bắt nguồn từ lãi suất. Lãi suất VND đang rất thấp, thậm chí còn thấp hơn thời điểm COVID-19 năm 2020, 2021. Lãi suất liên ngân hàng USD - VND thì đã ở trạng thái dương kể từ đầu năm 2023.
“Lãi suất thấp làm giảm sự hấp dẫn của đồng VND, tăng hấp dẫn của nắm giữ USD. Kết hợp với hai cú bồi của 2024 là chênh lệch giá vàng và nhập khẩu tăng đã làm tăng áp lực tỷ giá”, ông Linh nhấn mạnh.
Diễn biến tỷ giá USD theo thời gian. Ảnh: NVCC. |
Theo chuyên gia, để kiểm soát tỷ giá NHNN có hai lựa chọn, một là bán USD trong dự trữ và hai là tăng lãi suất VND. “Tuy nhiên, bài học quý III/2022 vẫn còn đó khi bán USD từ dự trữ chỉ như 'gió vào nhà trống', không thể giữ được tỷ giá mà hao tổn dự trữ”, ông Linh cho hay.
Chỉ còn công cụ tăng lãi suất, trước tiên là ở thị trường liên ngân hàng. Vì vậy, NHNN đã quay lại phát hành tín phiếu. Đây là công cụ hút tiền “dư thừa” khỏi hệ thống ngân hàng. Mục tiêu rất rõ, giảm thanh khoản để tăng lãi suất VND, tăng độ hấp dẫn của VND để neo tỷ giá.
Tháng 9/2023 khi tỷ giá tăng thì NHNN cũng làm động tác tương tự, phát hành hơn 360.000 tỷ đồng tín phiếu trong 7 tuần liên tục để hút tiền. Tỷ giá khi đó đã tăng chậm lại rồi giảm vào tháng 11. Tháng 11, NHNN cũng ngưng phát hành tín phiếu cho đến ngày 11/3.
Áp lực tỷ giá, nhưng bối cảnh hiện tại khác với tháng 9/2023
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc NHNN mở lại kênh tín phiếu chủ yếu đến từ áp lực tỷ giá, tương tự như giai đoạn tháng 9/2023. Tuy nhiên, trong lần can thiệp này, động lực làm tăng tỷ giá chủ yếu đến từ các yếu tố trong nước như nhu cầu USD tăng cao do nhập khẩu phục hồi, hiện tượng giá vàng và bitcoin phá đỉnh thúc đẩy nhu cầu USD tự do tăng cao. Ngược lại, những yếu tố bên ngoài lại đang có xu hướng hạ nhiệt.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital nhận định: “Tôi nghĩ rằng NHNN đã rất chủ động trong việc này. Tại sao lại vào thời điểm này, tại sao trước thời điểm công bố CPI của Mỹ? Đây là sự chuẩn bị rất kỹ của nhà điều hành”.
Theo chuyên gia này, NHNN sẽ duy trì hút tiền cho đến khi đạt được ba mục tiêu: chênh lệch lãi suất USD - VND giảm đi; tỷ giá tại NHTM hạ nhiệt và lạm phát ổn định trở lại. Ông cũng thông tin thêm rằng sau khi NHNN hút tiền trong những phiên giao dịch vừa qua, thanh khoản vẫn trong trạng thái hết sức dư thừa. Do vậy, khó có thể kỳ vọng hoạt động này nhanh chóng kết thúc.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh. |
Còn Chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh đánh giá việc phải can thiệp bằng lãi suất để giữ tỷ giá đã được dự báo từ trước khi lãi suất trúng thầu trái phiếu kho bạc và lợi tức trái phiếu trên thị trường thứ cấp đều đã tăng từ tuần trước. Có điều thời điểm này khác với tháng 9/2023.
Kinh tế 2023 tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng giảm làm tăng xuất siêu, tức là tăng nguồn cung USD. Trong khi đó, các hoạt động kinh tế và tiêu dùng 2024 được dự báo sẽ sôi động hơn, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng và xuất siêu giảm. Thế nên theo ông nếu chỉ dùng tín phiếu và công cụ trên thị trường liên ngân hàng trong năm 2024 thì khả năng cao là không đủ.
“Thị trường 2 không đủ thì phải dùng đến thị trường 1, tức là tăng lãi suất “tiết kiệm dân cư” như hồi quý III/2022. Tăng lãi suất tiết kiệm dù vướng định hướng hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác”, ông Linh đánh giá.
Thứ nhất, phải ưu tiên ổn định tỷ giá trước.
Thứ hai, tăng lãi suất tiết kiệm không có nghĩa tăng lãi suất cho vay.
Để hỗ trợ tăng trưởng thì mấu chốt nằm ở lãi suất cho vay. Năm 2020, 2021 ngành ngân hàng đã lãi đậm vì giảm nhanh lãi suất huy động mà giảm chậm lãi suất cho vay, năm nay tình hình chắc sẽ khác.
"Sẽ không ngạc nhiên nếu trong thời gian tới lãi suất tiết kiệm sẽ tăng và NIM của ngành ngân hàng sẽ giảm", ông Linh chia sẻ.
Nguồn: Hút ròng 45.000 tỷ đồng, chuyên gia chỉ thời điểm NHNN dừng phát hành tín phiếu