Khai thác thế mạnh về ẩm thực để phát triển du lịch
Kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh Đông Bắc - Tây Bắc Nhiều thách thức trong phát triển du lịch bền vững |
Theo ước tính của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association - WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25-35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch. Thống kê này cho thấy, ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà đã dần trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch, chi phối mạnh mẽ tới quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách.
Thời gian qua ẩm thực Việt Nam được nhiều chuyên trang du lịch và cẩm nang ẩm thực nổi tiếng vinh danh. Điều này cho thấy ẩm thực là thế mạnh lớn để thu hút du khách quốc tế. Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng Travel + Leisure của Mỹ đã gọi tên Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn khu vực châu Á năm 2023. Độc giả của nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor đã bình chọn Hà Nội là một trong 20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023. Nhiều món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, bánh mì, bún chả, bánh cuốn… đã được tôn vinh trên nhiều kênh truyền thông quốc tế uy tín. Điều này càng khẳng định ẩm thực Việt chính là tài nguyên giúp tạo lợi thế so sánh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định du lịch ẩm thực là dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Ảnh: NH. |
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định du lịch ẩm thực là dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam đã chứng minh sức hấp dẫn và lan tỏa giá trị trên toàn cầu với nhiều món ăn được công nhận, được trao nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế uy tín. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, để ể khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế du lịch ẩm thực, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng, trong đó chú trọng cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tăng cường quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới thông qua những sự kiện quốc tế được tổ chức trong và ngoài nước, nhất là ở những quốc gia là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã thông qua đề án “Biến tấu vạn nguyên liệu, nấu triệu món Việt”. Thông qua các câu chuyện về nguyên liệu, văn hóa ẩm thực và cách chế biến món ăn của mỗi địa phương, chương trình khuyến khích du khách trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu văn hóa địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch ẩm thực trở thành sản phẩm chiến lược của nước ta. Từ đó, xây dựng bản đồ ẩm thực đa dạng, tạo nên cộng đồng ẩm thực địa phương tại các tỉnh, thành phố.
Thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị ẩm thực Việt Nam, từ đó mang đến lợi ích kinh tế và phát triển du lịch địa phương, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã triển khai đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024”. Đề án tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam”. Sau đó tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”. Các sản phẩm của Đề án kỳ vọng sẽ góp phần đưa thương hiệu du lịch Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực.
Giai đoạn 1, VCCA đã lựa chọn được 121 món ngon tiêu biểu Việt Nam (47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam) để xây dựng bản đồ ẩm thực. Sau đó Đề án sẽ triển khai thực hiện các nội dung và hạng mục: Hỗ trợ địa phương hình thành bộ sự kiện cùng các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực; truyền thông, quảng bá trên bình diện quốc gia và quốc tế; nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, dinh dưỡng và kinh tế để ẩm thực hướng đến mục tiêu phát triển du lịch ẩm thực địa phương; hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động văn hóa ẩm thực địa phương trên cùng một nền tảng bản đồ, Bảo tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam (số hóa); từng bước định hình chiến lược phát triển văn hóa ẩm thực địa phương…
Nắm bắt lợi thế của ẩm thực trong việc quảng bá văn hóa, kích cầu du lịch, thu hút du khách, những năm gần đây, nhiều địa phương đã chú trọng đến việc phát triển ẩm thực, quy hoạch và xây dựng "bản đồ ẩm thực" để thu hút du khách. Chẳng hạn, thành phố Hải Phòng đã thành công với sản phẩm du lịch foodtour, nhờ vào việc xây dựng bản đồ số về ẩm thực để du khách có thể dễ dàng trải nghiệm ngắn ngày. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra nhiều trải nghiệm cho du khách thưởng ẩm thực cung đình.
Thành phố Hà Nội hướng đến mục tiêu đưa ẩm thực trở thành “đại sứ du lịch” của Thủ đô. Ảnh: HN. |
Với mục tiêu đưa ẩm thực trở thành “đại sứ du lịch” đặc biệt, ngành du lịch Thủ đô đẩy mạnh việc tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực tạo sức hút cho du khách khi khám phá văn hóa Hà Nội. Nhắc đến ẩm thực Hà Nội là gợi nhớ đến các con phố, tuyến đường, nơi tập trung hàng quán chuyên bán một món ăn. Chính đặc điểm này giúp Hà Nội sở hữu khu phố nổi tiếng với đặc trưng riêng. Vì thế, du khách muốn thưởng thức món ăn mang hương vị đặc trưng Hà Nội thì phải cất công đến đúng nơi, đúng địa danh làm nên thương hiệu món ngon.
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ ẩm thực là một trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, cần được tập trung đầu tư phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển du lịch. Để phát triển loại hình du lịch ẩm thực, thời gian qua TP Hà Nội đã triển khai nhiều tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, như phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm), Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình)… từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch xây dựng tour ẩm thực.
Thời gian tới, ngành Du lịch thành phố định hướng phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, sản phẩm dịch vụ ẩm thực sẽ được phát triển đa dạng, tập trung vào các loại hình mang tính chất độc đáo như các phố ẩm thực đêm, các làng nghề ẩm thực... Theo đó, nhằm đưa sản phẩm du lịch ẩm thực trở thành thế mạnh của du lịch Thủ đô, trong thời gian tới, sở du lịch sẽ đẩy mạnh quảng bá trong nước và quốc tế hệ thống nhà hàng được gắn sao Michelin bên cạnh những nhà hàng, quán ăn uy tín khác của Thủ đô. Đặc biệt, sở sẽ xây dựng bản đồ Food Tour (Du lịch Ẩm thực) để du khách có thể tự khám phá, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội; nâng cao chất lượng phục vụ du khách cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch để duy trì và nâng cao hình ảnh, chất lượng du lịch Thủ đô.
Nguồn:Khai thác thế mạnh về ẩm thực để phát triển du lịch