Khai thác tối ưu tài nguyên Đất - Nước để phát triển Đô thị, Nông thôn trong Quy hoạch Thủ đô
Nông thôn, nông nghiệp trước thách thức phi truyền thống
Bản vẽ phương án phát triển mạng lưới thủy lợi trong báo cáo Quy hoạch Thủ đô không có cao độ địa hình và thông tin về những biến đổi nguồn nước sông Hồng. Cần tham khảo thông tin trong “bản đồ địa hình đồng bằng Bắc Bộ” do Sở Địa chính Đông Dương hoàn thành năm 1905, làm cơ sở để Sở Công chính thiết kế hệ thống đê điều sông Hồng – Thái Bình vào năm 1924. Dựa vào thiết kế này, dân ta đã đắp 305 triệu m3 đê trong 80 năm (1885-1954) [1]; Cộng với 22 triệu m3 đê đắp trước năm 1885 và 10 triệu m3 đê đắp sau năm 1954.
Mực nước xuống thấp làm vô hiệu toàn bộ các đập tràn, trạm bơm lấy nước sông Hồng vào đồng, dẫn đến phải thay đổi toàn diện phương án phát triển mạng lưới thủy lợi Thủ đô |
Thủy lợi Hà Nội lấy nước từ sông Hồng vào các sông, từ đó dẫn nước vào đồng, nhưng nước ít dần từ nguồn và hạn hán gia tăng nên hầu hết các cửa lấy nước đã không dùng được mà phải dùng bơm dã chiến. Sông Hồng đã cạn lại hút cát, đáy sông sâu hơn đã làm cho việc lấy nước từ sông Hồng để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp khó khăn hơn. Để cấp nước mùa vụ, hồ thủy điện sông Đà trước đây xả 3 tỷ m3 là đủ, nay phải xả 5 tỷ m3 nước hàng năm nhưng vẫn thiếu, hơn nửa trong số này đã chảy ra biển do thiếu hệ thống tích trữ, hệ thống thuỷ nông, công trình thuỷ lợi nhiều năm chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp phù hợp [2].
Bản vẽ phương án quy hoạch đô thị nông thôn trong báo cáo Quy hoạch Thủ đô không có bản đồ sản xuất nông nghiệp Thủ đô để nhận biết những thách thức trong cuộc sống nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Sông vốn thiếu nước lại bị xả nước bẩn, rác thải bừa bãi làm nước ô nhiễm nặng. Hầu như không có sự sống trong các sông dẫn nước vào đồng (sông Nhuệ, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải). Các sông khác cũng cạn dòng, lắng bùn, rác thải, ô nhiễm các mức độ đã làm suy giảm chất lượng sống nông thôn, đô thị Hà Nội hiện tại và tương lai.
Khô hạn và ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp truyền thống lẫn hiện đại, làm thay đổi mô hình sản xuất và bố trí không gian nông nghiệp và nông thôn Thủ đô |
Nội dung thủy lợi trong Quy hoạch Thủ đô chỉ liệt kê những khó khăn và trình bày giải pháp cũ, không đề xuất mới thích ứng với thách thức hiện tại và tương lai nên không đạt yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô cần phải giải quyết.
Tiền đầu tư cho xử lý nước thải đã chảy ra, nước sạch chưa quay về
Dự án nâng cấp môi trường sông Nhuệ – Đáy (giai đoạn 2008-2020) đã giải ngân 20 nghìn tỷ đồng cho các dự án thoát nước và xử lý nước thải (XLNT). Kết quả cứ mưa to thành phố lại ngập, sông hồ vẫn ô nhiễm, cá chết trắng hồ thường xuyên. Trạm bơm Yên Nghĩa đầu tư gần 5 nghìn tỷ đồng nhưng mương dẫn nước về chưa xong. Nhà máy XLNT Yên Xá 16 nghìn tỷ nhưng cống dẫn nước thải về ngổn ngang… Hà Nội lại tiếp tục dự kiến đầu tư hơn 53 ngàn tỷ đồng cho các dự án thoát nước, xây mới 56 nhà máy XLNT và các công trình thủy lợi [3]. Đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng cho thoát nước, XLNT, thủy lợi mà chưa làm rõ hiệu quả là rủi ro rất lớn cho chất lượng sống và sinh kế của 10 triệu dân Thủ đô.
Quy hoạch Thủ đô cần có giải pháp khắc phục thực trạng tài nguyên nước Hà Nội thiếu hụt số lượng, suy giảm chất lượng từ đô thị tới nông thôn, từ nước mặt lẫn nước ngầm dẫn đến nguy hại tới nông sản, thực phẩm, chất lượng sống trước mắt cũng như lâu dài |
Bản vẽ thủy lợi Thủ đô không có các mặt cắt nên không nhận diện đầy đủ nguy cơ ô nhiễm nước ngầm gia tăng. Nghiên cứu của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) cho biết 2/3 giếng nước ngầm tại khu vực Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội là trung tâm vùng) bị nhiễm các chất độc hại, trở thành mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng và lâu dài tới khoảng 7 triệu người. Trong đó có Asen có thể gây ra ung thư da, phổi, bàng quang, thận, thần kinh và da liễu; Mangan ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ở trẻ em. Có 27% giếng khoan trong vùng có lượng Asen vượt tiêu chuẩn của WHO, 44% có lượng Mangan vượt tiêu chuẩn.
Báo cáo rà soát đánh giá 10 năm thực hiện QHC 1259 (2011-2021) đã chỉ ra những hạn chế của mô hình thu gom, XLNT tập trung, cần có giải pháp mới (phân tán, bán tập trung) nhưng Quy hoạch Thủ đô không làm rõ những hạn chế, bất cập của giải pháp hiện tại, thách thức thiên tai, nhân tai mới để đề xuất giải pháp thích ứng – đây là nội dung trọng yếu mà Quy hoạch Thủ đô cần bổ sung khuyết thiếu.
Gia tăng mở rộng đô thị vắng người, thu hẹp không gian mặt nước?
Phương án Quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn Thủ đô Hà Nội soi chiếu với “bản đồ vệ tinh đêm – Google Night 2020” cho thấy nhiều khu vực bố trí đô thị không phát sáng: không có người ở. Diện tích 3 đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai, Mê Linh rộng 416km, dự kiến năm 2045 tiếp nhận 645 nghìn người. Dân số 3 đô thị này năm 2019 mới có 15 nghìn (2,5%).
Huyện Đông Anh có 437 nghìn dân (2019) dự kiến trở thành đô thị rộng 185,9km2, năm 2045 có 645 nghìn dân (tăng 1,47 lần). Năm 1998 đã có phương án Hanoi New Town chỉ lấy 80km2 làm đô thị (43% diện tích đất Đông Anh) trong đó 40% diện tích là mặt nước, nhưng có thể tiếp nhận 1 triệu người. Chỉ tính 4 khu đô thị mới này đã rộng 601,5km2,có thể dành ra 50% diện tích đất còn chưa có người ở để bố trí mặt nước hay vùng cây xanh bán ngập.
Để từng bước khắc phục nguồn Tài nguyên nước Hà Nội cần thận trọng bố trí không gian đô thị nông thôn, đảm báo khai thác tối ưu tài nguyên đất và nước, chấm dứt vấn nạn để hoang hóa, phát triển bất động sản tràn lan, hủy hoại tài nguyên đất và nước – tài nguyên đất nước |
Trong QHC 1259, Mê Linh được xác định có thế mạnh nông nghiệp sinh thái. Tuy vậy Mê Linh đã dành nhiều đất để làm khu công nghiệp, đô thị nhưng vẫn chỉ là công nghiệp thô sơ, còn đô thị thì không người hàng chục năm. Thành phố đang triển khai thu hồi nhiều dự án BĐS bỏ hoang quy mô hàng chục km2, nhưng Quy hoạch Thủ đô vẫn đề xuất thu hẹp đất nông nghiệp, mở rộng đô thị.
Bên cạnh việc mở rộng đô thị trên nền đất nông nghiệp, Quy hoạch còn vẽ đất đô thị nông thôn bên lòng sông, trong đê sông Hồng, Đuống, Đáy có quy mô hàng trăm km2, trong khi 90 trang/1.246 trang thuyết minh nội dung “bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” không biện giải thuyết phục làm thế nào để vừa đủ không gian giữ nước lại có thể bố trí đô thị nông thôn vào đất lòng sông trong đê?. Đề xuất này còn không phù hợp với Luật Đê điều 2006, Luật tài nguyên nước 2023 và Luật phòng chống thiên tai 2013. Dự thảo Luật Thủ đô cũng đã xác định “Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng…”
Quy hoạch tích hợp đa ngành để khai thác đa lợi ích tài nguyên đất nước
Báo cáo Quy hoạch cho biết tổng nhu cầu nước của Hà Nội, nhưng không cho biết cần bao nhiêu nước tự nhiên để lọc ra 1,7 tỷ m3/năm 2030, hay 1,9tỷ m3/năm 2045? Cần lưu trữ bao nhiêu nước vào mùa kiệt, khi sông Hồng chỉ còn <2% tổng lượng nước? Để có 1,9 tỷ m3 nước sạch/năm cần bao nhiêu tỷ m3 nước hòa loãng ô nhiễm, hồi sinh chất lượng nước trong tuần hoàn sinh thái? Hàng năm hồ sông Đà xả ra 5 tỷ m3 nước sạch, hơn 50% chảy ra biển, vậy Hà Nội có phương án nào có thể cất trữ nguồn nước quý giá này? Nên chăng Hà Nội ưu tiên lưu trữ nước sạch vào khu vực lòng sông trong đê hiện có, khu đô thị chưa có người ở, và các bể ngầm trung tâm đô thị, kết hợp chống úng ngập với các công trình ngầm đa năng.
Tối ưu hóa khai thác tài nguyên đất và nước Hà Nội là quá trình lâu dài và huy động nguồn lực lớn. Chính vì vậy Quy hoạch Thủ đô phải lập theo phương pháp quy hoạch mới: tích hợp đa ngành chứ không thể chia tách rời rạc, phân tán như cách làm cũ. Báo cáo Quy hoạch Thủ đô hiện nay đang trình bày riêng từng chuyên ngành mà không chồng lớp đa lĩnh vực lên trên nền tài nguyên đất nước hiện trạng, dẫn đến không tối ưu hóa mà còn triệt tiêu các nguồn lực hiện có. Ví dụ như tách đất và nước riêng rẽ để huy động nhiều đất làm đô thị đất, đồng nghĩa với lấp sông hồ, thu hẹp vùng bán ngập sản xuất nông nghiệp cũng là vùng có khả năng chuyển hóa rác thải nước thải đô thị. Nếu tích hợp đất với nước để phát triển thành phố sông hồ, cảnh quan môi trường sinh thái giá trị cao với sản xuất nông ngư nghiệp hữu cơ, không chỉ tạo ra giá trị vượt trội của đô thị nước mà còn gia tăng liên kết vùng miền quốc gia và quốc tế nhờ giao thông thủy phát triển (theo quy hoạch của Bộ Giao thông & Vận tải).
Quy hoạch Thủ đô phải đưa ra phương án tích hợp đa ngành, mang lại lợi ích đa dạng, huy động đa nguồn lực để đạt đa mục tiêu trong khai thác tài nguyên đất/nước Hà Nội |
Nguồn: Khai thác tối ưu tài nguyên Đất – Nước để phát triển Đô thị, Nông thôn trong Quy hoạch Thủ đô