Khi Trung Quốc không còn là động lực thúc đẩy nhu cầu dầu thô toàn cầu
Một tàu chở dầu cập cảng Trung Quốc. Ảnh Bloomberg |
Tình hình kinh tế của Trung Quốc đang gặp khó khăn, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trì trệ và niềm tin của người tiêu dùng giảm khi nước này đang phải vật lộn để phục hồi sau sự suy thoái do đại dịch gây ra. Thêm vào đó là những thay đổi về cấu trúc dân số già hoá, quá trình chuyển đổi năng lượng và mô hình tăng trưởng ít phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng lớn. Đây đều là tin xấu đối với ngành dầu mỏ.
Đối với các thương nhân và các nhà phân tích dầu thô, điều đó có nghĩa là một sự điều chỉnh lớn.
Janet Kong, Giám đốc điều hành của Hengli Petrochemical International Pte., một nhánh giao dịch của một trong những nhà máy lọc dầu tư nhân lớn nhất Trung Quốc, cho biết: “Tôi đã có một cuộc thảo luận nội bộ với các nhà giao dịch của mình. Tôi hỏi họ một câu hỏi — các bạn đã giao dịch bao lâu rồi? Họ sẽ nói là 10 năm. Câu trả lời của tôi là, các bạn chưa thực sự giao dịch trong một thế giới mà Trung Quốc không phải là yếu tố tăng giá".
Sự chuyển mình của Trung Quốc thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã hỗ trợ giá dầu thô trong nhiều thập kỷ, và tạo ra cơ hội kinh doanh cho các thương gia từ Thượng Hải đến Dubai và London. Việc chấp nhận tăng trưởng GDP ở mức thấp, thậm chí có thể không đạt mục tiêu 5% của năm nay, làm cho việc duy trì điều đó trở nên khó khăn.
Một cuộc khảo sát không chính thức của Bloomberg được thực hiện với 10 nhà phân tích và thương nhân bên lề Hội nghị Dầu khí Châu Á - Thái Bình Dương cho thấy mức tiêu thụ dầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ không tăng quá 300.000 thùng/ngày vào năm 2025. Con số này phù hợp với dự báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Cơ quan này đã giảm kỳ vọng mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong tuần này và thấp hơn mức ước tính của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ.
Cuộc thăm dò cho thấy sản lượng dự kiến sẽ tăng thêm 200.000 thùng/ngày trong năm nay.
Nhu cầu sử dụng xe điện, các xe tải chạy bằng khí tự nhiên hoá lỏng tăng và Chính phủ tăng cường các hạn chế đối với việc nhập khẩu dầu thô và xuất khẩu nhiên liệu. Ngoài ra, khả năng dự trữ dầu chiến lược của Chính phủ Bắc Kinh không còn nhiều. Những yếu tố này kết hợp lại đang làm giảm nhu cầu dầu thô ở Trung Quốc, và điều này ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu toàn cầu.
Theo báo cáo hàng tháng của IEA, nhu cầu dầu toàn cầu đang chậm lại đáng kể khi nền kinh tế Trung Quốc suy giảm. Nhu cầu của Trung Quốc đã giảm trong tháng 7, đã giảm 4 tháng liên tiếp và mức tiêu thụ nhiên liệu ở những nơi khác đang ở mức không mấy khả quan.
Nguồn:Khi Trung Quốc không còn là động lực thúc đẩy nhu cầu dầu thô toàn cầu