Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng dịp Tết
Cận Tết, nhiều vườn mai bạc tỉ ở miền Tây vẫn đìu hiu chờ khách |
Đảm bảo cung ứng xăng dầu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; chủ động xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Phối hợp với địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ vừa qua.
(Ảnh minh họa) |
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, vi phạm về buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ, pháo hoa nhập lậu. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tại các tỉnh biên giới tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để thiếu hụt trong mọi tình huống; tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng để góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ cho Nhân dân; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, không để thiếu điện trong mọi tình huống.
Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình khuyến mại trên toàn quốc, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp Tết (như chất nổ, pháo nổ, vũ khí, hàng hóa vi phạm môi trường, thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm…).
Kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là tại các vùng xảy ra thiên tai, bão lũ không để người dân bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.
Phát triển sản xuất nông nghiệp, cung ứng đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân; chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai nhất là rét đậm, rét hại, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bảo đảm ổn định sản xuất; hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng, vật nuôi, vaccine, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật… theo quy định cho các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân vui Xuân đón Tết.
Phối hợp với các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, cung ứng đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; chủ động sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, hồ chứa, đê sông, đê biển ngay trong mùa khô; có kế hoạch bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân; tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; có giải pháp ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn Tết do không có phương tiện vận chuyển; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trước, trong và sau dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải.
Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên các phương tiện vận tải, các khu vực cảng hàng không, nhà ga, bến xe, bến tàu; bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhất là các tuyến kết nối khu vực Hà Nội, Tp.HCM và đầu mối giao thông lớn; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt, đặc biệt thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chở quá số người, tăng giá vé trái quy định; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe và các điểm du lịch, lễ hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về kế hoạch phục vụ vận tải Tết; thông báo công khai về Kế hoạch công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải có liên quan để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của hành khách và người dân.
Xử lý hành vi mua bán ngoại tệ, đổi tiền trong dịp Tết
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp tình hình thị trường, diễn biến vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm an toàn hệ thống.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong dịp cuối năm và đầu năm; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, tăng cường hoạt động đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức tốt việc cung cấp dịch vụ thanh toán của Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Quốc gia. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có biện pháp bảo đảm thanh khoản, cung ứng các dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn; chỉ đạo tổ chức vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM tăng cao trước và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tăng cường giám sát an ninh mạng và triển khai các biện pháp kỹ thuật, bố trí nhân sự cần thiết để đảm bảo an toàn hoạt động của các hệ thống thanh toán và các hệ thống liên quan.
Nguồn: Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng dịp Tết