Không gian phát triển mới của báo chí
Nhà báo Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam |
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Nhà báo Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Báo chí là sản phẩm đặc thù nhưng cũng mang tính sáng tạo rất cao. Do đó, các tác phẩm báo chí và mô hình kinh doanh có liên quan phải đảm bảo những giá trị cốt lõi, nội dung độc đáo, đặc sắc đáp ứng yêu cầu chất lượng cao và đủ hấp dẫn người dân, doanh nghiệp.
- Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng áp lực sụt giảm nguồn thu do dịch chuyển quảng cáo, ở góc nhìn tích cực hơn, chính là động lực cho các cơ quan báo chí đổi mới sáng tạo, mở rộng không gian phát triển, thưa ông?
Quảng cáo từ báo chí hiện chỉ chiếm rất nhỏ trong nhiều kênh truyền thông số digital mà doanh nghiệp và đối tác hướng tới. Đây là khó khăn chung của báo chí trên thế giới và sẽ kéo dài trong tương lai. Đổi mới sáng tạo vì thế trở thành yêu cầu tất yếu để các cơ quan báo chí tìm kiếm mô hình mới mang lại nguồn thu. Hơn nữa, trong bối cảnh dữ liệu thông tin dày đặc trên các nền tảng số, cách thức tuyên truyền truyền thống không còn sức hấp dẫn, đã có những khuyến nghị, các cơ quan báo chí cần tư duy, sáng tạo các sản phẩm mới để thu hút và gia tăng tương tác với độc giả, công chúng.
Báo chí là sản phẩm của sự sáng tạo. Thời gian qua ghi nhận nhiều tờ báo lớn trên thế giới tiên phong đổi mới, đặc biệt, sự hỗ trợ của công nghệ cho phép cơ quan báo chí triển khai một số dịch vụ sáng tạo, sản phẩm độc đáo với nội dung hấp dẫn mà trước đây dường như không dành cho báo chí như kinh doanh dịch vụ công nghệ, tổ chức tour du lịch… Trong các tác phẩm báo chí, ngoài việc cung cấp thông tin, nhờ công nghệ, các cơ quan báo chí có thể tích hợp cả những trò chơi để người đọc tương tác, kiểm tra kiến thức hay tạo bức tranh panorama (toàn cảnh) như báo Nhân dân đã thực hiện thành công trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa qua.
Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa 4 cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI. |
- Ông đánh giá thế nào về sự thích ứng của các cơ quan báo chí trước sự chuyển dịch quảng cáo đang ảnh hưởng lớn đến nguồn thu?
Trong những giai đoạn khó khăn, chúng tôi nhận thấy, sự nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài khó khăn do nhiều lý do khách quan còn có yếu tố chủ quan khi còn không ít các cơ quan báo chí chỉ trông mong vào nguồn thu quảng cáo và đứng nhìn nguồn lực này suy giảm mà không có biện pháp khắc phục. Trong khi một số cơ quan báo chí tại Việt Nam đã thử nghiệm và bước đầu thành công mô hình kinh doanh mới thì nhiều đơn vị khác vẫn có tâm lý lo ngại, chưa mạnh dạn tìm kiếm hướng phát triển khác tạo nguồn thu.
Việc ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí là một trong những hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần tạo thêm mô hình kinh doanh và sản phẩm mới mang lại nguồn thu cho các cơ quan báo chí. Bên cạnh một số đơn vị tiên phong, chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế số, chuyển đổi số đã có những kết quả nhất định thì tại một số địa phương, qua làm việc với các cơ quan báo chí, chúng tôi vẫn nhận thấy quan niệm cho rằng đầu tư cho công nghệ cần kinh phí lớn nên các bước đi cho chuyển đổi số còn rất chậm hoặc chần chừ, chờ xem các cơ quan báo chí đi trước triển khai thế nào, có thành công hay không mới bắt đầu thực hiện. Tôi cho rằng, mỗi cơ quan báo chí cần dựa vào khả năng, nguồn lực của mình mà chúng ta vẫn gọi “liệu cơm gắp mắm” để tìm phương án đầu tư phù hợp. Thực tế cho thấy, những cơ quan báo chí lớn, có tiềm lực kinh tế chưa chắc đã thực hiện chuyển đổi số báo chí hiệu quả hơn những nơi nguồn lực hạn chế.
- Là đối tác đồng hành quan trọng cùng báo chí, thời gian qua, doanh nghiệp cũng đang chịu sức ép cạnh tranh trong thời đại công nghệ bùng nổ. Báo chí và doanh nghiệp cần duy trì mối quan hệ như thế nào trong bối cảnh mới, thưa ông?
Về bản chất, doanh nghiệp nhìn thấy hiệu quả truyền thông sẽ đầu tư kinh phí. Chỉ có điều khác, trước đây, doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn, ngoài cách đầu tư kinh phí truyền thông vào báo chí. Tuy nhiên, hiện nay trong thời đại công nghệ số với quá nhiều cách thức quảng cáo, dòng tiền cho báo chí vì thế cũng bị ảnh hưởng. Khi báo chí bị co hẹp do ảnh hưởng nguồn thu điều này có lợi cho doanh nghiệp hay không? Do đó, chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp nên dành phần thoả đáng hợp tác truyền thông với báo chí để vừa đưa thông tin doanh nghiệp lên hệ thống báo chí chính thống vừa có phần trách nhiệm nuôi dưỡng báo chí để có lợi hơn cho chính doanh nghiệp. Bởi độc giả tìm đến các nền tảng xem nội dung chưa chắc đã chính thống và có lợi cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề chúng tôi đã đề cập và đang bàn luận để có sự kết nối, hợp tác giữa báo chí - doanh nghiệp và các bên liên quan hiệu quả nhất.
- Báo chí cách mạng Việt Nam đang bước vào dấu mốc kỷ niệm 99 năm ngày thành lập và tiến tới dấu mốc rất quan trọng - kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Xin ông chia sẻ kỳ vọng đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo trong thời đại công nghệ số?
Qua thời gian và biến động, đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam trong gần 100 năm qua chưa bao giờ thay đổi. Đó là phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân; tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin tri thức cho cộng đồng để phục vụ cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển của Tổ quốc. Báo chí hiện đại đòi hỏi đổi mới sáng tạo liên tục và đây là thời điểm quan trọng để chúng ta thực hiện yêu cầu đó. Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí tại Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi số thành công, đổi mới sáng tạo liên tục, cách thức làm báo ngày càng hướng đến chuyên nghiệp. Đặc biệt chú trọng chất lượng để giữ và thu hút độc giả, duy trì tốt vai trò tiên phong trong cung cấp thông tin tri thức cho xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Không gian phát triển mới của báo chí