Khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện tái chế, xử lý chất thải
Sớm ban hành hướng dẫn đầu tư công tư về xử lý chất thải rắn sinh hoạt Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp trong xử lý chất thải rắn |
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, việc Chính phủ ban hành Quyết định quy định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu là cần thiết, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tuy nhiên, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực đến nay, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tái chế, và thường lựa chọn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước, thay vì tự thực hiện tái chế hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế. Trong quá trình xác định định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ (Fs), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế chi phí tái chế tại gần 70 cơ sở tái chế lớn trên toàn quốc, đồng thời tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước.
Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam nêu thực tế hiện nay, hầu hết các cơ sở tái chế ở làng nghề đều không đạt chuẩn. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở tái chế không đạt chuẩn và doanh nghiệp vi phạm quy định tái chế theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
Việc khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định của luật, hoặc ký hợp đồng các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện là giải pháp quan trọng trong triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. |
Chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải là của doanh nghiệp đã được quy định và là chính sách không mới so với thế giới, đã được sự thống nhất cao để đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
Về nguyên tắc, cần khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định của Luật hoặc ký hợp đồng các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện. Trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn đóng góp chi phí tái chế tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước, mức đóng góp cần dựa trên số liệu khảo sát Fs từ các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện, ưu tiên những đơn vị có công nghệ hiện đại.
Về quy định chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu, Phó Thủ tướng giao Hội đồng Thực hiện Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) Quốc gia nghiên cứu, quyết định mô hình, nhân sự, kinh phí hoạt động phù hợp theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định tái chế của các doanh nghiệp theo phương thức hậu kiểm; hỗ trợ, khuyến khích người dân phân loại rác thải sinh hoạt và tái chế…
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông báo số 86/TB-BTNMT công bố danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật. Trong số các đơn vị được công bố đầu tiên kể trên có 7 đơn vị đủ năng lực tái chế ắc quy, pin; 3 đơn vị đủ năng lực tái chế dầu nhớt; 4 đơn vị đủ năng lực tái chế sản phẩm điện, điện tử; số còn lại là đơn vị tái chế bao bì, carton.
Các đơn vị được Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia công bố dựa trên cơ sở đơn đề nghị, hồ sơ cung cấp của các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì và ý kiến của sở tài nguyên và môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan. Ngoài ra, có 2 tổ chức được ủy quyền tổ chức tái chế, bao gồm: Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy (VAMM) tại tỉnh Vĩnh Phúc với sản phẩm, bao bì được tái chế là ắc quy, pin, săm lốp, dầu nhớt và phương tiện giao thông; Công ty Cổ phần Tái chế bao bì - PRO Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, tái chế về bao bì. việc công bố danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì nhằm mục đích cung cấp, hỗ trợ thông tin cho nhà sản xuất, nhập khẩu biết, tham khảo trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì.
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế trong hoặc ngoài danh sách được công bố nhưng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (đơn vị tái chế được nhà sản xuất, nhập khẩu thuê để thực hiện tái chế phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật) tại thời điểm ký kết hợp đồng tái chế.
Nguồn:Khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện tái chế, xử lý chất thải