Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp trong xử lý chất thải rắn
Nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế-xã hội |
Hiện nay, có khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt phát sinh một ngày trên cả nước, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.
Tại Hà Nội, lượng rác sinh hoạt đô thị phát sinh hàng ngày khoảng 7.000 tấn/ngày. Hiện bãi rác Nam Sơn đã quá tải và Hà Nội đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư khu xử lý rác thải ở Sóc Sơn, Nam Sơn và một số nơi khác nhưng mới chỉ có một Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Thiên Ý (Trung Quốc) đã chạy thử giai đoạn 1. Sau hơn một năm nhà máy vẫn chưa được nghiệm thu và vận hành chính thức. Tại TP.HCM, mỗi ngày phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị. Thành phố đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư xử lý rác thải hàng chục năm trước nhưng chủ yếu là dùng phương pháp chôn lấp. Hiện nay hầu hết các bãi rác này đã sắp quá tải và đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như bãi rác Đa Phước hay khu xử lý Tây Bắc thuộc huyện Củ Chi.
Tại TP.Cần Thơ đã có nhà máy đốt rác phát điện với công suất 400 tấn/ngày, nhưng đang gặp vấn đề về khí thải. Lượng khí thải chiếm tới 5% tổng lượng rác xử lý với nguy cơ chứa các chất gây ung thư như furan và dioxin, đang được thu gom nhưng kho chứa tro bụi đã quá tải mà chưa tìm được cách xử lý phù hợp. Tại Hải Phòng, lượng rác phát sinh vào khoảng 700-800 tấn/ngày. Một số khu xử lý như khu chôn lấp Tràng Cát hay nhà máy phân compost tỏ ra không hiệu quả. Hiện thành phố đang có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác theo công nghệ hiện đại hơn.
Tại Đà Nẵng, bãi rác Khánh Sơn với sức chứa 3 triệu tấn rác đã hết công suất, phải mở rộng nhiều lần nhưng vẫn có nguy cơ quá tải với lượng rác phát sinh hiện nay khoảng 1.100 tấn/ngày, tương đương hơn 400.000 tấn/năm. Khu vực gần bãi rác Khánh Sơn đang bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân. Dự án xử lý rác thải sinh hoạt công suất 600 tấn/ngày đã được cấp giấy phép đầu tư hơn 10 năm trước nhưng cho đến nay vẫn không tiến triển gì ngoài việc xây hàng rào giữ đất...
Công nghệ trong xử lý chất thải rắn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công tác xử lý nguồn thải này. |
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trong phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, như là ban hành, tổ chức thực hiện pháp luật, tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01/2019 (Theo Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn).
Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn loay hoay về trong việc lựa chọn công nghệ, nhà đầu tư và quản lý sau đầu tư. Có địa phương lượng chất thải rắn phải xử lý ít nhưng đầu tư quy mô và công nghệ như các thành phố lớn dẫn đến lãng phí và vận hành không hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý, xử lý chất thải rắn cần lựa chọn công nghệ phù hợp, nhà đầu tư phù hợp cho từng địa phương với địa bàn cụ thể. Sự lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường; không có công nghệ nào được xem là duy nhất, là tối ưu nhất. Nhiều địa phương dù lượng chất thải phải xử lý không lớn nhưng suất đầu tư vào công nghệ quá lớn, không phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Quang Huân, thực tế như công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng chỉ nên áp dụng cho các địa phương có lượng rác cần đốt trên 500 tấn/ngày, dưới công suất này sẽ trở nên lãng phí và tốn kém. Tuy nhiên, rất nhiều tỉnh đầu tư công nghệ này như các thành phố lớn. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển chất thải chưa đồng bộ dẫn đến việc khi áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài không đạt được các mục tiêu về kỹ thuật lẫn kinh tế, không hiệu quả. Do vậy, việc quy hoạch, công nghệ xử lý chát thải rắn phải tính đến dư địa cho ứng dụng như công nghệ sinh học.
Công nghệ là tiêu chí quan trọng nhất để xử lý chất thải rắn hiệu quả. Tuy nhiên, không phải cứ áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại nhất của nước ngoài là phù hợp bởi đặc thù chất thải rắn chưa qua phân loại tại Việt Nam rất khác biệt. Cần tùy theo đặc thù của từng địa phương để lựa chọn công nghệ phù hợp nhằm đảm bảo tính bền vững và tạo ra hiệu quả tốt nhất. việc ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn cần được xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện đặc trưng của từng vùng miền, địa phương. Đặc biệt là với chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt…
Do đó, công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn đầu tư xử lý rác cần đảm bảo hai yếu tố: Thứ nhất là bền vững về công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến để xử lý rác không gây ô nhiễm; thứ hai là bền vững về tài chính, công nghệ phải tạo ra nhiều sản phẩm tốt, có thể bán trên thị trường để tạo ra doanh thu đủ lớn, bù đắp cho chi phí vốn vay và vận hành, bảo dưỡng.
Bộ TN&MT cần phối hợp với các cơ quan hữu quan để đưa ra quy trình tuyển chọn nhà đầu tư cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư cho các địa phương trong phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn. |
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đưa ra khuyến cáo trong năm 2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các cơ quan hữu quan để đưa ra quy trình tuyển chọn nhà đầu tư cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư cho các địa phương nhưng đến nay hướng dẫn này vẫn chưa được ban hành. Đây là bước đầu tiên cần phải thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tuyển chọn nhà đầu tư phù hợp có thể xử lý rác thải tại địa phương mình, đáp ứng điều kiện cụ thể về lượng rác phát sinh, khả năng chi trả của địa phương cũng như thành phần của rác, được phân loại hay không phân loại tại nguồn.
Vấn đề thứ hai là chuẩn bị quỹ đất để xây dựng khu xử lý. Thông thường, với các công nghệ tiên tiến thì không cần nhiều quỹ đất, thí dụ với công nghệ MYT, để xử lý 1.000 tấn/ngày chỉ cần diện tích đất khoảng 5-6 ha cho khu xử lý, thay vì 20-30 ha như một số địa phương hiện đang làm, nhưng nhà đầu tư cần phải được bàn giao đất sạch một cách nhanh chóng, thuận tiện để chỉ tập trung đầu tư, xây dựng thì mới có thể nhanh chóng xử lý vấn đề môi trường.
Đồng thời, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước có trình độ, kiến thức về xử lý rác, có bản quyền sở hữu công nghệ, có khả năng liên danh liên kết với công ty nước ngoài, đảm bảo về vốn và khả năng cung cấp thiết bị cũng như vận hành chuyển giao. Có thể cần thí điểm chỉ định nhà đầu tư làm thí điểm ở một địa phương với quy mô xử lý từ 1.000-2.000 tấn/ngày, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác.
Nguồn:Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp trong xử lý chất thải rắn