Kiên Giang: Thơm ngon món tôm khô xẻ Lình Huỳnh
Kiên Giang: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn Kiên Giang: Khởi nghiệp bằng tài nguyên bản địa |
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Đậm và chị Huỳnh Dễ được biết đến là người đầu tiên làm món tôm khô xẻ ở xã Lình Huỳnh, đến nay anh chị có hơn 5 năm làm tôm khô xẻ.
Chị Dễ cho biết: “Một lần về thăm quê chồng ở tỉnh Bạc Liêu ngay vụ thu hoạch tôm, tôi trổ tài làm món ăn từ tôm mời gia đình. Nếu luộc, nấu lẩu hoặc nướng thì quá quen thuộc nên tôi thử làm khô. Sau khi thưởng thức, gia đình ai cũng khen tôm vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Tôi mang một ít về làm quà cho hàng xóm vì tôm khô bảo quản được lâu hơn”.
Chị Huỳnh Dễ xẻ tôm sú để làm tôm khô xẻ. |
Sau khi nhận phản hồi tích cực từ mọi người, anh Đậm bàn với chị Dễ làm thêm tôm khô để bán thử. Ban đầu anh chị không làm nhiều mà chỉ mua hơn chục ký tôm sú, kết quả mang lại rất khả quan, tôm khô xẻ nhanh chóng hết hàng, nhiều khách còn đặt thêm từ 2-3kg.
“Lúc đấy vào dịp tết nên khách đặt hàng rất nhiều, có hôm tôi và vợ lột tôm từ 2 giờ sáng đến tận 14 giờ để kịp mang tôm phơi rồi giao cho khách hàng. Gia đình tôi năm đó bán được khoảng 500kg tôm, từ đó tôi duy trì làm tôm khô để bán cả năm chứ không chỉ bán vào những ngày tết”, anh Đậm kể.
Tôm khô xẻ của gia đình anh Đậm không tẩm ướp nhiều gia vị, sau khi lột vỏ, xẻ thân tôm làm đôi theo chiều dọc thì ướp một chút nước mắm rồi đem phơi nắng. Thời gian phơi tôm tốt nhất là từ 7 giờ đến 14 giờ, nắng càng gắt thì tôm càng ngon.
Khi làm tôm khô xẻ, công đoạn khó khăn nhất là lột vỏ và xẻ tôm vì phải ngồi liên tục, tay ngâm nước trong nhiều giờ dễ lở loét. Người lột vỏ, xẻ tôm phải thật khéo léo nếu không tôm sẽ mất thịt, hụt ký, vì lý do này nên anh Đậm và gia đình thường tự tay làm tôm, khi nào số lượng khách đặt hơn 70kg mới thuê nhân công để phụ việc.
Tôm sú sau khi được phơi khô. |
Vợ chồng anh Đậm chọn tôm sú tươi để làm tôm khô xẻ, thành phẩm có giá 1,1 triệu đồng/kg. Giải thích cho việc không chọn loại tôm có giá rẻ hơn tôm sú để làm khô, chị Dễ nói: “Tôi thử dùng tôm thẻ biển làm khô để giảm giá bán nhưng thất bại. Thịt tôm thẻ biển sau khi làm khô sẽ bị bở, không có mùi thơm, ăn trong ngày chứ không để được lâu vì dễ hỏng. Lứa tôm khô đó tôi phải bỏ đi, lỗ hơn 15 triệu đồng. Tôi nhận ra tôm sú giá cao nhưng chất lượng tốt, khách hàng rất ưng ý nên tôi chỉ làm khô bằng tôm sú chứ không sử dụng bất cứ loại tôm nào khác”.
Anh Nguyễn Khánh Hùng, ngụ quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) là khách hàng mua tôm khô quen thuộc của gia đình anh Đậm. Anh Hùng cho biết: “Dùng qua tôm khô xẻ ở nhiều nơi khác nhưng tôi ưng ý nhất tôm khô xẻ của gia đình anh Đậm. Anh chị không sử dụng phẩm màu, chất bảo quản hoặc tẩm ướp các loại gia vị nên tôm khô có vị tự nhiên, thịt tôm dai, ngọt và đậm đà, dù là tôm khô nhưng vẫn cảm nhận được độ tươi. Tôi và gia đình thường chiên hoặc nướng tôm khô để ăn cùng với cơm, mì hoặc ăn không cũng rất ngon. Tết này tôi tiếp tục đặt hàng để mang biếu bạn bè, đồng nghiệp”.
Hàng năm từ tháng 11 dương lịch đến Tết Nguyên đán là khoảng thời gian gia đình anh Đậm nhận được nhiều đơn đặt hàng tôm khô xẻ nhất, vì vậy nên từ giữa tháng 10, gia đình anh Đậm tìm nguồn mua tôm ở những trại tôm trong và ngoài tỉnh. Chị Dễ liên hệ khách hàng sỉ, lẻ thân quen ở trong tỉnh, các tỉnh An Giang, Bình Dương, Đồng Nai… để tổng hợp đơn hàng.
Có thể nói nghề làm tôm khô xẻ không phải công việc chính của gia đình anh Đậm nhưng lại giúp gia đình anh tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Nguồn: Thơm ngon món tôm khô xẻ Lình Huỳnh