Kiên Giang: Tự hào Mo So
Kiên Giang: Thành phố Hà Tiên kỷ niệm 260 năm ngày mất bà Mạc Mi Cô Kiên Giang: 75.000 nông dân được hưởng lợi từ dự án TRVC |
Mo So có địa thế hiểm trở, nhiều hang sâu, đầm lầy. Với địa hình này, núi Mo So đã trở thành điểm dừng chân an toàn cho bộ đội trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Nơi đây còn là nơi đóng quân của Công binh xưởng 18 thuộc Quân khu 9 chuyên sửa chữa, sản xuất vũ khí phục vụ cho bộ đội đánh giặc...
Trong ký ức của người lính từng chiến đấu tại căn cứ địa núi Mo So, Thiếu tá Nguyễn Tấn Liệt - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hà Tiên cũ vẫn còn nhớ như in những năm tháng cùng đồng đội kề vai sát cánh đánh địch tại nơi này.
Trong năm kháng chiến, địch dùng vũ khí, đạn bom đánh phá dữ dội vào căn cứ địa Mo So. Lực lượng quân ta đã kiên cường chiến đấu, không lùi bước, tiêu diệt hàng ngàn tên địch tại chiến trường Mo So. Mo So vẫn sừng sững, hiên ngang che chở đảm bảo an toàn cho bộ đội ta, đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đối với mỗi người dân Kiên Lương khi nhắc về núi Mo So đều mang trong mình sự tự hào, một vùng căn cứ kháng chiến góp phần quan trọng cho công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Tại đây đã ghi dấu những chiến công anh dũng của quân và dân Kiên Lương trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Năm 1995, núi Mo So được Bộ Thông tin Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia.
Các cựu chiến binh huyện Kiên Lương (Kiên Giang) về thăm lại Mo So ôn lại những ký ức một thời tham gia chiến đấu tại đây. |
Chiến tranh lùi xa đã gần 50 năm, vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, nơi các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh chọn để thăm, tham quan, về nguồn. Trải qua những tháng năm bị tàn phá bởi đạn bom, Mo So vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng.
Theo tài liệu khảo cổ học Việt Nam, núi Mo So có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, loại hình địa chất đặc trưng của hệ sinh thái đá vôi. Là một thắng cảnh do thiên nhiên tạo dựng trên 200 năm, hiện Mo So còn ẩn chứa và lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về mỹ quan, địa chất và là một trong những khu vực vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới tại tỉnh Kiên Giang.
Hiện Mo So không chỉ là một địa chỉ về nguồn mà còn là một điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách tham quan và thám hiểm. Mo So có hơn 20 hang lớn nhỏ, nhưng vào thám hiểm du lịch thì chỉ có 4 hang là hang quân y, hang hậu cần, hang công binh xưởng và hang huyện đội.
Chị Nguyễn Mỹ Tiên, một du khách từ tỉnh An Giang chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Mo So, cảnh vật thiên nhiên quá tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi mong rằng địa phương quan tâm đầu tư tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn, phát triển nơi đây trở thành địa điểm du lịch tương xứng với tiềm năng”.
Theo đồng chí Lê Thanh Hưởng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, phát triể du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử thắng cảnh núi Mo So trình UBND tỉnh thông qua.
Sau khi tỉnh thông qua, huyện sẽ tiến hành các bước tiếp theo để kêu gọi đầu tư. Trước mắt, huyện sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương đến tỉnh, các nguồn xã hội hóa, kêu gọi đầu tư xây dựng đền thờ liệt sĩ tại chân núi Mo So để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Về lâu dài Kiên Lương sẽ chọn khu di tích lịch sử thắng cảnh Mo So là trung tâm để phát triển du lịch trên địa bàn huyện.