Kinh doanh thua lỗ, CFV vẫn tăng trần 12 phiên liên tiếp
Bị phạt về thuế hàng tỷ đồng, Vinaconex 25 vừa trúng gói thầu lớn tại sân bay Đà Nẵng Nỗ lực xây dựng hệ thống đê, kè phòng chống sạt lở ven biển |
Cổ phiếu CFV tăng trần trong bối cảnh mã này đã có thời gian dài liên tục đứng giá và giảm sàn đan xen. Từ ngày 15/8 - 19/8/2022 cổ phiếu CFV đã bất ngờ tăng trần 5 phiên liên tiếp, đẩy giá cổ phiếu từ 4.900 đồng/cổ phiếu lên 8.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 69% chỉ trong 5 phiên.
Trước đà tăng mạnh của cổ phiếu, lãnh đạo CFV cho rằng thời điểm hiện nay, công ty không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá giao dịch trên thị trường. Thậm chí, Cà phê Thắng Lợi còn có thông tin bất lợi trong Báo cáo tài chính bán niên.
Cụ thể nửa đầu năm nay, CFV đạt gần 222 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 6%. Tuy nhiên, việc giá vốn tăng hơn 10% lên 218 tỷ đồng đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến lãi gộp bán niên giảm hơn 65%, còn hơn 4 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm gần 19% (còn gần 2 tỷ đồng), trong khi chi phí tài chính bật tăng lên 1,6 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ). Dù các khoản chi phí khác như chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm, Công ty vẫn lỗ gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 2,5 tỷ đồng. Tính đến 30/06, CFV lỗ lũy kế gần 4 tỷ đồng.
Giai đoạn trước đó, 2015-2021, doanh thu thuần của CFV đạt đỉnh vào năm 2021 với 352 tỷ đồng. Song lợi nhuận sau thuế qua các năm cũng chỉ duy trì dưới mức 10 tỷ.
Trong cơ cấu tổng tài sản của Cà Phê Thắng Lợi cũng ghi nhận nợ phải trả tăng cao so với thời điểm đầu năm. Cụ thể thì tính đến ngày 30/6/2022, nợ phải trả của công ty là 83,9 tỷ đồng, tăng 67,1%. Nợ vay ngắn hạn gấp 2,4 lần lên 62,8 tỷ đồng, với khoản vay tại Vietcombank – chi nhánh Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng nhiều nhất gấp 3 lần lên 55,5 tỷ đồng, và khoản vay tại TPBank - chi nhánh Đắk Lắk gấp 3,7 lần lên 7,1 tỷ đồng.
Tính đến hết phiên giao dịch sáng 31/8, cổ phiếu CFV ghi nhận phiên thứ 12 tăng trần liên tiếp, đẩy giá cổ phiếu lên mức 22.700 đồng, tức tăng hơn 5,3 lần tính từ thời điểm bắt đầu đà tăng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của CFV khá thấp, trung bình chưa đến 400 cp/phiên trong giai đoạn này.
Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi thành lập năm 1977 và chuyển đổi sang công ty cổ phần vào tháng 10/2019. Doanh nghiệp có trụ sở tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk với chức năng nhiệm vụ chính là trồng và chăm sóc, kinh doanh cà phê xuất khẩu và các mặt hàng nông sản, do ông Đỗ Hoàng Phúc làm người đại diện kiêm Chủ tịch HĐQT. Ngày 03/06/2019, cổ phiếu của Công ty chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán là CFV.
Với vốn điều lệ ban đầu là hơn 62 tỷ đồng. Tính đến nay, vốn điều lệ Công ty đã tăng lên hơn 126 tỷ đồng, với 2 cổ đông lớn là UBND tỉnh Đắk Lắk (nắm giữ 36% cổ phần, tương đương hơn 4,5 triệu cp) và bà Phạm Thị Linh, vợ ông Đỗ Hoàng Phúc - Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của CFV, theo báo cáo quản trị bán niên 2022.
Tại Đắk Lắk, Cà phê Thắng Lợi sở hữu diện tích đất đai lên đến 2.081,19 ha, trong đó 1.822,39 ha là đất trồng cây lâu năm; 258,81 ha đất sản xuất nông nghiệp; 18,63 ha là đất lâm nghiệp.
Cuối năm 2020, Cà phê Thắng Lợi từng gây xôn xao giới đầu tư khi đề xuất triển khai dự án điện mặt trời nổi Thắng Lợi tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, quy mô 140 ha, tổng công suất 200 MW, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án nhà máy điện gió Thắng Lợi Đắk Lắk (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) của Cà phê Thắng Lợi vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Dự án có quy mô công suất 49,5 MW, tổng mức đầu tư 2.090 tỷ đồng.
Nguồn: Kinh doanh thua lỗ, CFV vẫn tăng trần 12 phiên liên tiếp