Kinh tế toàn cầu: Triển vọng dần tươi sáng!
Ngân hàng thế giới nhận định, triển vọng tăng trưởng của thế giới đang tươi sáng hơn. |
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, WB nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định ở mức 2,6% trong năm nay, cao hơn so với dự báo hồi tháng 1 là 2,4% và dự đoán, sẽ tăng lên 2,7% vào năm 2025.
Triển vọng mong manh cho nửa cuối 2024?
Indermit Gill, Nhà kinh tế trưởng của WB, nhận định, “bốn năm sau những “rung chuyển” gây ra do đại dịch Covid-19, xung đột quân sự ở Ukraine, Trung Đông, lạm phát và thắt chặt tiền tệ, có vẻ như tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ổn định”.
Tuy nhiên, tăng trưởng chậm chạp tiếp tục ám ảnh các nền kinh tế nghèo nhất thế giới, vẫn đang phải vật lộn với lạm phát và gánh nặng nợ cao. WB lưu ý, trong ba năm tới, các nền kinh tế chiếm hơn 80% dân số thế giới sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn so với thập kỷ trước đại dịch. Trong khi, các dự báo tốt hơn đang được dẫn dắt bởi khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ. Nhưng các nền kinh tế tiên tiến châu Âu và Nhật Bản chỉ đang tăng trưởng với tốc độ 1,5%/năm, với sản lượng vẫn ở mức thấp. Ngược lại, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đang tăng trưởng với tốc độ 4%, dẫn đầu là Trung Quốc và Indonesia.
Trong Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới, Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện so với dự báo trước đây, các nền kinh tế lớn đã tránh được suy thoái nghiêm trọng, dù vẫn đối mặt với một số thách thức. Hầu hết các nền kinh tế lớn đã nỗ lực giảm lạm phát mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và dẫn tới suy thoái.
Cụ thể, Báo cáo mới nhất của LHQ dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025, tăng nhẹ so với dự báo hồi đầu năm là 2,4% cho năm 2024 và 2,7% đối với năm 2025. LHQ nâng dự báo kinh tế thế giới nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn tại Mỹ, quốc gia có thể đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm nay và một số nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Brazil, Ấn Độ và Nga. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,8% năm 2024, tăng nhẹ so với mức 4,7% trong dự báo hồi tháng Một.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, nhờ sự phục hồi mạnh của kinh tế Mỹ, trong lúc Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) tụt lại sau. Theo đó, kinh tế toàn cầu trong năm nay duy trì mức tăng trưởng 3,1% như năm ngoái và tăng tốc lên mức 3,2% trong năm tới. Trong báo cáo hồi tháng 2/2024, các dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới ở các mức tương ứng 2,9% và 3%.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, bất chấp các triển vọng được cải thiện, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với sự bất ổn đáng kể từ xung đột Nga - Ukraine và “điểm nóng” Israel - Hamas ở Gaza có thể lan ra khu vực rộng lớn hơn. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung Quốc cũng gia tăng và có thể khiến thương mại quốc tế bất ổn hơn. EU xem xét các khoản thuế mới đối với công nghệ năng lượng xanh của Trung Quốc, khi mối lo ngại ngày càng tăng về năng lực công nghiệp dư thừa của nước này…
Trong triển vọng mong manh như vậy, WB lưu ý, “các chính sách bóp méo thương mại” như thuế quan và trợ cấp tăng mạnh kể từ sau đại dịch Covid-19. WB cảnh báo rằng, các biện pháp như vậy đang có xu hướng bóp méo chuỗi cung ứng, khiến chúng kém hiệu quả hơn, “nắn” các dòng chảy thương mại chuyển hướng để tránh thuế nhập khẩu.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của LHQ cho rằng, triển vọng kinh tế chỉ lạc quan một cách thận trọng, do lãi suất cao kéo dài, nợ xấu và rủi ro địa chính trị leo thang tiếp tục là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững. Các cú sốc khí hậu nghiêm trọng đặt ra nhiều thách thức cho triển vọng kinh tế toàn cầu, khiến thành tựu phát triển nhiều thập kỷ có thể bị đe dọa. Sự thay đổi chóng mặt về công nghệ - bao gồm cả trí tuệ nhân tạo - đang mang lại nhiều cơ hội và rủi ro mới cho nền kinh tế thế giới.
Định hình cán cân kinh tế quốc tế đa cực
Trang mạng Eurasiareview bình luận, nền chính trị của thế giới đang chịu chấn động và trọng tâm của nó đang dịch chuyển. Tây Âu và một phần phía Đông đang rơi vào tình trạng mù mờ, lục địa già châu Âu mất dần sức hấp dẫn.
Đầu năm 2010, bình luận trên tờ Telegraph, GS. Gary Becker - người từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 1992, khẳng định “châu Á sẽ là trung tâm hấp dẫn mới của thế giới”. Sẽ có lợi cho Mỹ nếu chấp nhận sự thật rằng, sự phát triển khách quan về nhân khẩu học, kinh tế và xã hội đang biến châu Á trở thành trung tâm hấp dẫn chính của thế giới trong thế kỷ XXI.
Sự dịch chuyển trọng tâm từ khu vực Đại Tây Dương sang Đông và Nam Á là phát triển tất yếu đã được hình thành trong nhiều thập kỷ. Một vấn đề chính trị thú vị là Moscow và Washington chỉ tham gia gián tiếp vào quá trình đó. Từ nay trở đi, ảnh hưởng ngày càng tăng của các quốc gia trong khu vực này không bị phủ nhận hay cản trở bởi uy thế chính trị của họ.
Trong bối cảnh này, mối quan hệ Nga - Trung Quốc hiện đang ở đỉnh cao. Hai “gã khổng lồ” về kinh tế đang cùng nhau tạo thành một nền tảng vững chắc cho một trật tự quốc tế đa cực và cân bằng mới. Theo GS. Gary Becker, cơ sở hợp tác Nga - Trung đã vượt qua thử thách gần 30 năm, cùng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế trong những thập kỷ gần đây. Vì vậy, một điều phương Tây phải hiểu là “lớp cát mà họ cảm thấy đang dịch chuyển dưới chân còn sâu hơn nhiều và đây là những cơn địa chấn không thể ngăn chặn được”.
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế và tiến trình hội nhập châu Á 2024 được công bố tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 3/2024, kinh tế châu Á tiếp tục đứng trước không ít thách thức bên trong và bên ngoài, nhưng sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhờ các động lực tiêu dùng khá mạnh mẽ và chính sách tài khóa chủ động.
Lĩnh vực thương mại và du lịch của châu Á dự kiến đảo ngược xu hướng giảm nhờ các động lực chính là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại kỹ thuật số, sự phục hồi nhanh chóng của du lịch, cũng như những tiến triển trong việc triển khai các thỏa thuận kinh tế - thương mại… như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Về thu hút đầu tư, châu Á được đánh giá “vẫn tràn đầy sức sống và là điểm đến đầu tư hấp dẫn”, dòng vốn FDI chủ yếu chảy vào bốn lĩnh vực chính là tiêu dùng, công nghiệp, điện tử và bán dẫn… Đây là một tín hiệu tích cực, bởi khi vốn đầu tư chảy nhiều hơn vào các ngành như sản xuất tiên tiến, sẽ góp phần cải thiện năng suất và nâng cao đáng kể giá trị gia tăng cho các sản phẩm của châu Á.
Ngoài ra, hàng loạt chính sách điều tiết vĩ mô của các nền kinh tế lớn, dự kiến tiếp tục phát huy tác dụng và góp phần củng cố đà phục hồi của kinh tế châu Á trong năm nay.
Châu Á hiện có có tới ba trong số năm nền kinh tế lớn nhất thế giới. Riêng Trung Quốc đóng góp hơn 30% cho tăng trưởng toàn cầu. Sự phát triển mạnh mẽ những năm gần đây khiến châu Á trở thành mắt xích không thể thiếu trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư hay sản xuất… Và tác động dễ nhận thấy nhất, đó là xu hướng dịch chuyển trọng tâm kinh tế từ phương Tây sang phương Đông, qua đó định hình cán cân kinh tế quốc tế đa cực và cân bằng hơn.
Với các nước trong khu vực, việc các nền kinh tế lớn phát triển ổn định mang lại nhiều cơ hội cho mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng chuỗi cung ứng. Ngoài ra, vai trò đầu tàu của các nền kinh tế này cũng là tiền đề quan trọng để thúc đẩy giao lưu, hợp tác và tiến trình hội nhập khu vực.
Tất nhiên, đi kèm với tương lai sáng sủa cũng là không ít thách thức, đòi hỏi các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực phải nỗ lực cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh để có thể tăng cường năng lực cạnh tranh trong thương mại và đầu tư.
Với vị thế là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất và xuất khẩu nhiều loại hàng hóa cho thế giới, kinh tế khu vực châu Á đang ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Sự hợp tác và liên kết kinh tế ngày càng tăng giữa các quốc gia châu Á chắc chắn sẽ giúp khu vực này nâng cao vị thế hơn nữa trong tương lai.
Nguồn:Kinh tế toàn cầu: Triển vọng dần tươi sáng!