Kỳ 2: Lối đi nào cho rác?
Nhận diện rác cồng kềnh để công tác quản lý, xử lý không cồng kềnh chắc chắn là lối đi kỳ vọng hiệu quả và bền vững. Như một thói quen, lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng, rác nào chẳng là rác, và, thu gom rác nghiễm nhiên là việc của công nhân môi trường. Vì lẽ đó, rác cồng kềnh đang được thải bỏ đánh đồng với rác sinh hoạt thông thường.
Các địa phương đều đang chuẩn bị phương án quản lý, xử lý rác cồng kềnh trước khi áp dụng bắt buộc quy định phân loại rác tại nguồn. Nhận diện rác cồng kềnh để công tác quản lý, xử lý không cồng kềnh chắc chắn là lối đi kỳ vọng hiệu quả và bền vững.
Như một thói quen, lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng, rác nào chẳng là rác, và, thu gom rác nghiễm nhiên là việc của công nhân môi trường. Vì lẽ đó, rác cồng kềnh đang được thải bỏ đánh đồng với rác sinh hoạt thông thường.
Đi tìm câu trả lời về số phận rác cồng kềnh, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Tiến (ảnh) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Việt Nam.
PV: Xin ông cho một vài hình dung về rác cồng kềnh?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Khái niệm rác cồng kềnh đã được đề cập tại nhiều văn bản pháp luật như tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Hướng dẫn chi tiết tại Hướng dẫn kỹ thuật về Phân loại rác tại nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng nhiều văn bản quy định chi tiết của các địa phương trong kế hoạch, đề án, quy định phân loại rác, trong đó, nhiều địa phương có riêng một văn bản quy định về rác cồng kềnh.
Theo đó, chất thải rắn cồng kềnh được hiểu là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây có kích thước lớn, cồng kềnh, quá khổ quy định.
PV: Vậy, đâu là định lượng xác định cụ thể “khổ quy định” hay chúng ta cũng mới tiếp cận khái niệm trong sự định tính mà thôi?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Chưa có một con số chính xác để đo đếm cho khái niệm này. Tuy nhiên, không có nghĩa cứ cái gì thải bỏ có kích thước to là quy vào rác cồng kềnh được. Có một vòng ràng buộc để chủ nguồn thải không thể phá rào, đó là, rác cồng kềnh được xếp trong nhóm chất thải rắn sinh hoạt. Như vậy, mặc dù không có quy định kích thước cụ thể nhưng có trần giới hạn trong quy ước để “anh” không được vượt quá trần này, ví dụ, trong nhóm chất thải rắn sinh hoạt, vật lớn nhất chỉ có thể là phản, sập, giường tủ, bàn, nệm, sofa, giá sách... mà thôi.
PV: Việc gì sẽ xảy ra nếu đó là những chiếc tủ hoặc giá sách có kích thước “khủng”?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Để luận giải cho việc này, trước tiên phải bàn một chút về luật: pháp luật và quy luật. Bất cứ một bộ Luật hay một văn bản pháp luật tiến bộ nào được ra đời cũng đều bắt nguồn từ cuộc sống và yêu cầu sắp xếp trật tự để xã hội có sự vận hành một cách trôi chảy. Cái khái niệm rác cồng kềnh cũng vậy thôi, nó có thể chưa có một con số cụ thể, nhưng như bạn biết đấy, thói quen sinh hoạt gia đình cũng như kích thước căn phòng trong thiết kế gia đình người Việt đều có những quy ước, quy chuẩn mang đậm phong tục, phong thủy, nếp sống và văn hóa. Một bộ sập gụ tủ chè hay một giá sách dù có lớn cỡ mấy cũng không vượt quá tỷ lệ so với kích thước căn hộ và các vật dụng khác trong gia đình, và cao hơn, không vượt ngoài thẩm mỹ và văn hóa người Việt. Thế nên, cái tưởng chừng như định tính nhưng đều trong tầm kiểm soát. Tất nhiên không loại trừ vượt khung nhưng sự vượt này theo tôi, cực kỳ hiếm, rất khó xảy ra.
PV: Nhưng dù là “khủng” hay không thì vẫn đang có sự đánh đồng giữa rác cồng kềnh với các loại rác sinh hoạt khác? Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Thế mới cần đến một bộ nhận diện chi tiết về rác cồng kềnh. Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tháng 11/2023 đã quy định rõ thế nào là rác cồng kềnh, có ví dụ cụ thể về chủng loại, đồng thời quy định trách nhiệm chủ nguồn thải, đơn vị thu gom, xử lý; hướng dẫn cách thức xử lý rác cồng kềnh trước khi thải bỏ, hướng dẫn cách thức thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Tất cả những tổ chức, cá nhân liên quan đều phải có trách nhiệm tiếp cận các nội dung này để hành xử đúng theo quy định.
Rõ ràng, không có sự đánh đồng nào trong quy định cả, nhưng quy đồng thì có, đó là, rác cồng kềnh nếu được chủ nguồn thải phân nhỏ kích thước thì sẽ được quy vào rác sinh hoạt thông thường, phí thu gom được tính theo rác sinh hoạt thông thường, trường hợp chủ nguồn thải thực hiện phân loại các bộ phận của rác cồng kềnh sau khi làm nhỏ kích thước thì sẽ được miễn phí thu gom. Quy định này vừa ràng buộc trách nhiệm của chủ nguồn thải, vừa khuyến khích chủ nguồn thải tham gia vào quy trình xử lý, phân loại rác. Bởi nếu để nguyên trạng rác cồng kềnh thì “anh” phải chấp nhận phương thức thu gom riêng và chịu mức giá thu gom, vận chuyển, xử lý cao hơn hẳn so với giá rác sinh hoạt thông thường.
Bản chất của vấn đề ở đây là thời hạn bắt buộc áp dụng phân loại và các hình thức xử lý vi phạm chưa chính thức bắt đầu nên người dân chưa thực sự thấy thiết thực phải tiếp cận, tìm hiểu quy định của luật, nghị định hay hướng dẫn về nội dung này. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều nữa. Đã đến lúc chủ nguồn thải phải thực sự nắm được tính chất của rác liên quan đến sự định danh để thực hiện phân loại nếu không muốn mình bị rơi vào cảnh bị từ chối thu gom hoặc bị áp chế tài xử phạt hành chính. Nếu chế tài xử phạt thực sự nghiêm minh, sự tương tác giữa cơ quan quản lý, đơn vị thu gom và chủ nguồn thải thực sự nhịp nhàng, khi đó chắc chắn rác cồng kềnh sẽ chính thức được đi đúng đường, gọi đúng tên.
PV: Đồng nghĩa với việc chúng ta chờ đợi thời điểm 1/1/2025 - khi quy định xử phạt có hiệu lực?
Ông Nguyễn Hữu Tiến: Tại sao lại là chờ đợi? Chúng ta đã có 3 năm cho việc tuyên truyền phổ biến Luật, khởi động, xây dựng mô hình, làm điểm… đảm bảo đến 1/1/2025 là chỉ có việc vận hành. Công tác chuẩn bị, đặc biệt là triển khai mô hình điểm kết hợp với tuyên truyền bắt buộc phải đi sớm, đi trước. Tôi thực sự ấn tượng với cách làm của quận Phú Nhuận (TP.HCM). Sẽ tốt hơn nếu vừa làm vừa đẩy mạnh tuyên truyền. Công tác tuyên truyền về phân loại rác nói chung, rác cồng kềnh nói riêng phải đến được với từng nhà, từng người, gắn thiết thực với từng hoàn cảnh, ngữ cảnh. Từng tổ dân phố, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, từng hội phụ nữ, đoàn thanh niên phải lồng ghép sinh hoạt với tuyên truyền, làm sao để bộ nhận diện chi tiết về rác cồng kềnh được lan tỏa nhất, thấm nhuần nhất.
Về phía các cơ quan quản lý, đơn vị xử lý rác cũng phải vận động để sẵn sàng đón nhận nhu cầu của người dân. Rác có thể cồng kềnh nhưng công tác quản lý, xử lý rác nhất định không được cồng kềnh. Nói thật, khi cơ chế, chính sách, công tác quản lý, xử lý "dọn" cho rác cồng kềnh một "lối đi" thực sự thuận lợi, nghiêm minh, tự thân chủ nguồn thải sẽ phải trả rác cồng kềnh về đúng thân phận và tên gọi riêng của nó.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
********
Trả rác cồng kềnh về với đúng tên gọi và xác nhận cho nó một chỗ đứng giá trị trong chuỗi hoạt động tái chế, tuần hoàn là bước tiếp theo nâng tầm quản lý xử lý rác. Mục tiêu này đang được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Urenco nói chung, Chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7) nói riêng theo đuổi.
Trước áp lực đất dành cho chôn lấp và tình trạng rác cồng kềnh bị vứt bỏ vô tội vạ làm xấu bộ mặt đô thị, phát sinh bãi tập kết tự phát, lãng phí tài nguyên, làm chậm quá trình tái chế, tuần hoàn rác, bản thuyết trình Dự thảo phương án xử lý chất thải cồng kềnh và thực tiễn vận hành tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Chi nhánh Cầu Diễn với tính năng, ưu điểm vượt trội được kỳ vọng mở thông cánh cửa cho một vòng đời mới với tên gọi mới từ rác cồng kềnh bước ra.
Phương án đề xuất hình thức thu gom, vận chuyển, xử lý rác cồng kềnh trên nguyên tắc triệt để thu gom, phân loại; tối đa tái chế; tiết giảm chi phí; tạo thuận lợi nhất cho chủ nguồn thải.
Với phương án này, rác cồng kềnh sẽ được xử lý tuần tự theo quy trình: Người dân, hộ kinh doanh khi có nhu cầu thải bỏ rác cồng kềnh sẽ mang ra điểm tập trung theo quy định của UBND Phường hoặc mang trực tiếp đến Khu xử lý chất thải (XLCT) tại Công ty Urenco Chi nhánh Cầu Diễn. Nếu số lượng nhiều, có thể liên hệ trực tiếp với Chi nhánh Cầu Diễn để được hỗ trợ thu gom từ nguồn. Xe của các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường sẽ tiếp nhận, thực hiện thu gom và vận chuyển đến Khu XLCT Cầu Diễn. Tại đây, rác cồng kềnh được phân tách thành các sản phẩm riêng biệt theo chủng loại thủy tinh, kim loại, da, cao su... cung cấp cho cơ sở tái chế. Riêng đối với chủng loại gỗ, sẽ được cắt, nghiền nhỏ làm nguyên liệu sản xuất viên đốt hữu cơ cung cấp cho đơn vị mua nguyên liệu.
Đối với chất thải rắn cồng kềnh vô chủ, Chi nhánh Cầu Diễn báo cáo chủ đầu tư kiểm tra xác nhận trước khi vận chuyển về Khu XLCT Cầu Diễn. Với lợi thế quan sát là các công nhân môi trường, hằng ngày, công nhân Urenco sẽ phát hiện, thông báo với bộ phận thu gom để tiếp nhận thông tin nguồn thải.
Quá trình tiếp nhận, công nhân sẽ dùng công cụ, dụng cụ phá dỡ sơ bộ, bốc xếp chuyển lên xe tải, sắp xếp gọn gàng đảm bảo thể tích xe vận chuyển tối đa. Hiện Chi nhánh Cầu Diễn bố trí xe tải trên 5 tấn để thu gom, vận chuyển về Khu XLCT Cầu Diễn. Xe vận chuyển về Khu XLCT Cầu Diễn sẽ phải qua cầu cân xác định trọng tải, điều khiển xe đến khu vực đổ phế thải theo quy định. Điều khiển xe ra cầu cân, cân xe không để xác định khối lượng phế thải, lấy phiếu.
Để làm rõ tính năng ưu thế của phương án mới, có thể mô tả đường đi của rác cồng kềnh trên địa bàn Hà Nội theo lộ trình cũ lâu nay. Từ hàng chục năm nay, rác cồng kềnh được công nhân Công ty Urenco và các đơn vị chung nhiệm vụ duy trì vệ sinh môi trường khác trên địa bàn Hà Nội như Hợp tác xã Thành Công, Công ty môi trường Hà Đông… thu gom cơ bản từ các bãi tập kết tự phát do người dân, hộ kinh doanh thải bỏ tự do, một phần nhỏ từ sự chủ động phối hợp của chủ nguồn thải. Sau thu gom, một tỷ lệ trong số chúng được phân loại để tái chế, phần còn lại cơ bản được xử lý như rác sinh hoạt thông thường, các đơn vị thu gom sẽ thực hiện cuốn ép để giảm thể tích, một số đơn vị thu gom vận chuyển rác tới Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), số khác vận chuyển đến Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và các cơ sở chôn lấp khác để xử lý bằng phương pháp chôn lấp tập trung, phương pháp truyền thống này tới nay đang được dịch chuyển sang phương pháp đốt.
Khoan chưa bàn tới hiệu quả kinh tế mà chỉ đề cập ở góc nhìn vận chuyển, nếu so với phương pháp truyền thống đang áp dụng, quãng đường đi của rác từ các điểm thu gom trên địa bàn Hà Nội tới thẳng Khu liên hợp xử lý chất thải Xuân Sơn, Nam Sơn có chiều dài trung bình 50 - 55km. Còn nếu áp dụng theo phương pháp mới của Chi nhánh Cầu Diễn, quãng đường vận chuyển sẽ rút ngắn còn 20km.
Với phương án mới của Chi nhánh Cầu Diễn, việc thu gom xử lý rác cồng kềnh sẽ được thực hiện bằng xe chuyên dụng, thể tích phù hợp đáp ứng đặc thù cồng kềnh của rác. Việc này sẽ khắc phục được tình trạng những loại rác cồng kềnh đôi lúc “ngồi nhầm chỗ” một cách bất đắc dĩ trên những chiếc xe thu gom rác thải sinh hoạt thông thường. Thay vào đó là những chuyến xe chuyên dụng, gọn gàng, chắc chắn, không tạo áp lực va quyệt cho người tham gia giao thông do rác đã được phá dỡ sơ bộ và được bảo vệ bởi độ chắc chắn của thùng xe chuyên dụng.
Trao đổi về nội dung này, ông Lê Quân - Giám đốc Công ty Urenco Chi nhánh Cầu Diễn cho biết, đơn vị đã trang bị chủng loại xe riêng phục vụ công tác thu gom rác cồng kềnh, đồng bộ trang bị dụng cụ tháo dỡ tại điểm tiếp nhận, phân công công nhân phụ trách, đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng thu gom, xử lý, vận chuyển đối với rác cồng kềnh cho công nhân.
“Một trong những nội dung được Chi nhánh trang bị đó là kỹ năng tiếp nhận thông tin, hợp tác, phối hợp với chủ nguồn thải. Mục tiêu của chúng tôi nhằm khơi thông mọi nguồn lực để nâng hiệu quả thu gom, xử lý rác cồng kềnh trên nguyên tắc công bằng trách nhiệm, quyền lợi, cùng hợp tác vì trách nhiệm chung, lợi ích chung. Bằng việc trang bị cho công nhân thái độ tiếp nhận thông tin, tiếp nhận rác, phối hợp triển khai thu gom, chúng tôi mong muốn văn minh hóa công tác quản lý, xử lý rác cồng kềnh bằng những kỹ năng mềm của công nhân. Đó chính là phương châm “biến cồng kềnh thành nhỏ gọn” ở ngữ nghĩa cao hơn” - ông Lê Quân nhấn mạnh.
Ở góc độ quan sát trực diện thực tiễn vận hành máy cắt, nghiền gỗ tại Khu XLCT Cầu Diễn cho thấy, các loại rác cồng kềnh sau khi tập kết về Khu xử lý được tải lên băng chuyền đưa vào máy cắt nhỏ, hoặc tiếp tục công đoạn nghiền tùy vào nhu cầu tiếp nhận của đơn vị mua nguyên liệu. Thành phẩm sau xử lý cắt, nghiền được vận chuyển tới đơn vị mua nguyên liệu. Từ những khối rác cồng kềnh, qua xử lý, một vòng đời mới với thể tích nhỏ gọn, công năng sử dụng mới, tên gọi mới (nguyên liệu đốt hữu cơ) đã được định hình.
Hiện thực hóa mục tiêu biến rác thành tài nguyên
Như kỳ 1 chúng tôi đã đề cập, dựa trên các cơ sở khoa học tin cậy, có thể khẳng định, công tác xử lý cũ đang vô hình dung chôn lấp, hoặc đốt đi một lượng tài nguyên quý giá từ rác cồng kềnh. Sự lãng phí gián tiếp còn gây ra từ việc sử dụng diện tích đất cho chôn lấp, hỏng hóc xe thu gom rác sinh hoạt thông thường nếu tận dụng thu gom rác cồng kềnh, hao tổn sức lực của công nhân từ việc phát sinh thu gom không chuyên nghiệp, chưa kể những người công nhân phải kiêm nhiệm việc thu gom rác ngoài nhiệm vụ nhưng chi phí thu gom này không có trong danh mục gói thầu là một thiệt thòi cho công nhân.
Quay trở lại phương án xử lý rác cồng kềnh do Công ty Urenco Chi nhánh Cầu Diễn đề xuất, như trên đã phân tích, những điểm hạn chế vừa đề cập sẽ được khắc phục trong phương án xử lý mới.
Mặt khác, nếu theo phương án xử lý mới, việc rút ngắn khoảng cách vận chuyển từ 50 - 55km còn 20km sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Theo đó, chi phí vận chuyển sẽ là 166.090 đồng/ tấn - tạm tính theo Quyết định 6060/QĐ-UBND, áp dụng hệ số k=1. (Chi phí vận chuyển cũ là 260.761 đồng/ tấn - theo Quyết định 6060/QĐ-UBND, áp dụng hệ số k=1.57).
Bên cạnh đó, việc bán nguyên liệu sau tái chế sơ bộ cho đơn vị mua nguyên liệu sẽ tạo ra một khoản chi phí đủ để trang trải cho chi phí vận hành hệ thống tái chế và chi phí vận chuyển nguyên liệu sau tái chế từ Khu XLCT Cầu Diễn tới đơn vị thu mua. Cụ thể:
Chi phí vận hành hệ thống tái chế: 441.220 đồng/ tấn (căn cứ bảng tính chi phí kèm theo) + Chi phí vận chuyển: 215.917 đồng/ tấn (Quyết định 6060/QĐ-UBND k=1.3) = Chi phí bán nguyên liệu (cân đối bằng chi phí vận hành hệ thống tái chế.
Tổng chi phí vận hành xử lý theo phương pháp cũ là: 260.761 đồng + 500.000 đồng (theo hợp đồng với đơn vị xử lý) = 760.761 đồng.
Tổng quy trình vận hành theo phương pháp mới của Công ty Urenco Chi nhánh Cầu Diễn tạm tính là 166.090 đồng (Chi phí vận hành hệ thống tái chế 441.220 đồng + Chi phí vận chuyển) đã được đơn vị mua nguyên liệu sau tái chế cân đối.
Như vậy, phương án xử lý rác cồng kềnh của Công ty Urenco Chi nhánh Cầu Diễn sẽ tiết kiệm cho ngân sách thành phố, tạm tính là 760.761 đồng - 166.090 đồng = 594.671 đồng/ tấn. Về bản chất, việc thu gom, xử lý, tái chế rác theo phương án của Công ty Urenco Chi nhánh Cầu Diễn đang đưa giá trị của rác cồng kềnh quay trở lại phục vụ cho xã hội.
Cao hơn, trên bình diện xã hội, phương án đề xuất của Công ty Urenco Chi nhánh Cầu Diễn sẽ tạo ra 3 nhóm tác dụng.
Với UBND thành phố: Có phương án xử lý chất thải cồng kềnh theo Luật Bảo vệ môi trường; Tiết kiệm ngân sách thành phố, giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cồng kềnh.
Với UBND các quận: Có môi trường sạch xử lý triệt để vấn nạn đổ trộm chất thải cồng kềnh; Tiết kiệm chi phí vận chuyển (giảm cự ly vận chuyển).
Với Công ty Urenco: Giảm hư hỏng đối với hệ thống chuyên dùng của xe ép rác do phải ép chất thải cồng kềnh; Cân đối chi phí vận hành hệ thống tái chế và chi phí bán viên đốt, tạo việc làm cho người lao động.
Thuận lợi cho người dân, thiết thực cho môi trường, hiệu quả về kinh tế, kỳ vọng phương án quản lý, xử lý rác cồng kềnh theo đề xuất của Công ty Urenco Chi nhánh Cầu Diễn sẽ có tác dụng phổ cập rộng rãi, là mô hình điểm cho các đơn vị, địa phương tham khảo. Tính hiệu quả của đề án xử lý rác có thể xem là minh chứng về tầm nhìn của Công ty Urenco và tinh thần chủ động dám nghĩ dám làm của Chi nhánh Cầu Diễn.
Nguồn: Tìm lối ra cho rác thải cồng kềnh Kỳ 2: Lối đi nào cho rác?