Lai Châu phát huy tiềm năng, lợi thế cây chè trong phát triển kinh tế
Doanh nhân Nguyễn Công Sử mở hướng đột phá cho cây chè Tuyên Quang |
Hiện nay, Lai Châu đang có khoảng gần 9.000 ha chè. Diện tích chè kinh doanh đạt gần 7.000 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm, tương ứng 11.000 tấn chè búp khô các loại. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích.
Cây chè Lai Châu tập trung chủ yếu tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu với giống chè như: chè Shan, Kim Tuyên, PH8, chè cổ thụ. Trong đó, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên là những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh Lai Châu. Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè sạch chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.
Tỉnh Lai Châu tập trung xây dựng thương hiệu chè Lai Châu để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của ngành chè. Ảnh: N.Oanh. |
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu tập trung xây dựng thương hiệu chè Lai Châu để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của ngành chè. Đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể. Phát triển mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Tập trung xây dựng thương hiệu đối những sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương.
Hiện tại, tỉnh có 28 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, sản lượng chè khô chế biến 9 tháng của năm 2023, đạt 10.040 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng chè xuất khẩu đạt 2.053 tấn, giá trị đạt 4,23 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm chè thô chủ yếu là: Xanh sao lăn, xanh duỗi, olong. Các sản phẩm chế biến sâu như: Mattcha, kim tuyến, sencha, olong xanh, olong hồng trà, đông phương mỹ nhân. Đến nay đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, 9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực, cấp quốc gia. Năm 2021, tỉnh Lai Châu đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển chè cổ thụ, nhà nước hỗ trợ 100% về giống, phân bón, vận chuyển với 8 triệu đồng/ha.
Huyện Tam Đường là vùng trồng chè lớn nhất của Lai Châu. Từ chủ trương chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao, đến nay xã Bản Bo có diện tích chè lớn nhất của huyện Tam Đường. Tổng diện tích chè của xã là 832ha, trong đó chè kinh doanh hơn 534ha, sản lượng ước đạt 4.756,7 tấn. Những năm qua, huyện Tam Đường luôn chú trọng đầu tư để phát triển vùng chè chất lượng cao, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực, nâng cao động lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.
Đồng thời, giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây chè là cây trồng mũi nhọn. Đến nay, huyện Tam Đường không còn cảnh đất trống đồi trọc mà thay vào đó là màu xanh của những nương chè.
Để cây chè cho năng suất, chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, Phòng NN&PTNT phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chú trọng khâu chăm sóc chè. Ngay từ cuối năm, các hộ trồng chè phải tiến hành đốn chè, đồng thời sử dụng các loại phân bón để bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây chè, đặc biệt khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo sản xuất chè sạch, giúp cây chè sinh trưởng và phát triển tốt.
Địa phương này nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, bảo quản và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm chè. |
Cùng với một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Phong Thổ tiếp tục khuyến khích người dân địa phương khai thác tiềm năng và cải thiện chất lượng, sản lượng sản phẩm trà cổ thụ nhằm nâng cao thu nhập, tạo dựng thương hiệu trà cổ thụ vùng biên. Theo khảo sát, đánh giá, toàn huyện có khoảng 8.000 cây chè cổ thụ, tập trung ở các xã Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Sin Suối Hồ và Hoang Thèn. Đây là địa phương có số lượng chè cổ thụ lớn nhất tỉnh.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Thổ cho biết, với tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, để khai thác tiềm năng và nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm trà cổ thụ, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện Phong Thổ thực hiện Đề án phát triển và bảo vệ chè cổ thụ trên địa bàn huyện. Huyện chủ trương trồng mới diện tích chè theo kế hoạch, bảo tồn diện tích chè hiện có trên địa bàn.
Nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm trà cổ thụ theo định hướng, mở rộng thị trường tiêu thụ hướng đến tiếp cận khách hàng quốc tế, huyện Phong Thổ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, đưa các sản phẩm trà cổ thụ của địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị trong và ngoài tỉnh; lên sàn thương mại điện tử. Mục tiêu đến năm 2024, toàn huyện sẽ có từ 6-10 sản phẩm trà cổ thụ đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh, qua đó, góp phần khẳng định giá trị, uy tín, chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của khách hàng; đồng thời tạo dựng thương hiệu đặc trưng, đặc sản trà cổ thụ - báu vật của núi rừng biên cương Phong Thổ.
Tuy nhiên, thời gian qua việc chăm sóc, thâm canh theo quy trình, kỹ thuật ở một số vùng chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa được quan tâm đúng mức. Một số vùng thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong khâu quản lý, sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ chè; thu mua sản phẩm chè không thực hiện các hợp đồng liên kết. Qua đó, gây ảnh hưởng lớn tới quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè ở Lai Châu.
Nhằm nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, Lai Châu tiếp tục tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số tỉnh có vùng nguyên liệu lớn để quản lý thâm canh theo hướng an toàn. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương, các doanh nghiệp chè tuân thủ quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào sản xuất, chế biến chè VietGAP, hữu cơ; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn:Lai Châu phát huy tiềm năng, lợi thế cây chè trong phát triển kinh tế