Làm sao để cắt giảm lượng khí thải CO2 trong ngành dầu khí?
Triển vọng năng lượng của Mỹ từ nay đến năm 2050 Khai trương dự án lưu trữ CO2 dưới đáy biển tại Đan Mạch |
Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu năm 2023 (COP28), sắp được tổ chức tại Dubai (UAE), là cơ hội duy nhất để ngành dầu khí thể hiện cam kết sẽ đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của IEA, đã đề xuất một số giải pháp giúp ngành này giảm lượng khí thải.
Đầu tiên, IEA khuyến nghị giải quyết vấn đề phát thải khí metan và chấm dứt hoạt động đốt bỏ khí đồng hành không vì lý do khẩn cấp. Hoạt động này tập trung vào việc đốt cháy lượng khí đốt thu được từ quá trình khai thác, làm giải phóng một lượng lớn khí thải vào bầu khí quyển. Thay vào đó, sử dụng những công nghệ và biện pháp thu giữ hiện có để giảm được 3/4 lượng khí thải này trong ngắn hạn. Ngoài ra, để có chi phí cần thiết cho những biện pháp này, họ có thể bán đi lượng khí đốt thu giữ được. Như vậy, đây là một giải pháp có lợi nhuận.
Tiếp theo, IEA khuyến nghị thực hiện điện khí hóa hoạt động thượng nguồn. Hiện nay, các nhà khai thác thường sủ dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel hoặc khí đốt tự nhiên để cung cấp năng lượng tại các cơ sở của họ, gây ô nhiễm cao. Thay vào đó, họ có thể hòa những cơ sở này vào lưới điện, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo - chẳng hạn như điện mặt trời hoặc gió, kết hợp với hệ thống lưu trữ dự phòng, để đáp ứng nhu cầu này ngày nay.
Ngoài ra, IEA khuyến nghị phát triển hydrogen ít phát thải carbon cũng như công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon. Ngành dầu khí luôn đi đầu trong những công nghệ này. Do đó, họ nên sử dụng chúng nhiều hơn trong hoạt động của mình. Giải pháp này cũng sẽ giúp giảm chi phí và mang lại lợi ích tiềm năng cho những ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như thép, xi măng và phân bón.
IEA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động giám sát, báo cáo và xác minh lượng khí thải. Ngành công nghiệp nên cố gắng năng nổ và nhanh chóng đo lường tất cả lượng khí thải từ hoạt động của mình, để tạo niềm tin cho công chúng.
Đồng thời, IEA nhắc lại: Cắt giảm lượng khí thải không đồng nghĩa với việc không giải quyết lượng khí thải ra từ hoạt động sử dụng nhiên liệu hydrocarbon trong vận tải, sưởi ấm, phát điện hay những hoạt động khác. Thay vào đó, ngành công nghiệp phải hợp tác với chính phủ và nhiều ngành khác để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch.
Như vậy, IEA đã gợi ý một kế hoạch rõ ràng và khả thi để ngành dầu khí giảm được 60% lượng khí thải, trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030. Đây là cơ hội để ngành thể hiện cam kết tham gia chống biến đổi khí hậu tại COP28, cũng như để chứng minh rằng họ có thể có đóng góp tích cực cho công cuộc này.
Dựa trên lập trường này, IEA có kế hoạch xuất bản một báo cáo đặc biệt trước thềm COP28, nhằm giúp những nhà khai thác dầu khí vạch ra lộ trình trung hòa carbon. Báo cáo này sẽ nêu bật những công nghệ hiện có, những nguồn tài chính sẵn có và bí quyết cần thiết để đạt được mức giảm phát thải đáng kể này.
Cuối cùng, IEA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao trách nhiệm đối với toàn bộ ngành dầu khí. Điều cần thiết ở đây, là toàn bộ ngành công nghiệp này phải nâng cao hiệu suất của họ, để mà tiếp cận được tiêu chuẩn tốt nhất hiện nay. Trung bình, công tác giảm khí thải sẽ làm giá thùng dầu của những doanh nghiệp tăng thêm chưa đến 2 USD/thùng dầu - một mức giá nhỏ phải trả cho một tương lai bền vững hơn.
Hiện nay, lượng khí thải từ hoạt động của các nhà khai thác dầu khí có sự đa dạng lớn: Nhà khai thác có chất lượng tệ nhất thải ra nhiều gấp 4 lần so với nhà khai thác hàng đầu. Từ đó, ông Fatih Birol kết luận: Nếu ngành dầu khí muốn được xem trọng trong những cuộc thảo luận về khí hậu thì họ phải áp dụng những giải pháp trên và giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động của mình.
Nguồn: Làm sao để cắt giảm lượng khí thải CO2 trong ngành dầu khí?