Làng ca sĩ dưới chân núi mẹ
Thiếu nữ Kơ Ho dưới chân núi Lang Bian. |
Huyền thoại như ước mơ lãng mạn
Rồi bài hát “Bóng cây kơ nia” (nhạc Phan Huỳnh Điểu, phỏng thơ Ngọc Anh) cất lên một cách tự nhiên. Cả đoàn khách như vỡ òa cảm xúc, nhịp tay của mọi người cùng hòa theo giọng ca khỏe khoắn, vút cao, trong trẻo của em gái Kơ Ho nấu bếp chưa ai kịp hỏi tên…
Theo nhiều khảo cứu, người Kơ Ho dòng Lạch và dòng Chil trên cao nguyên Lang Bian là những bộ tộc được biết đến từ rất sớm. Có giả thiết cho rằng, chính tên bộ tộc Lạch là khởi thủy danh xưng thành phố cao nguyên Đà Lạt sau này (Đạ: dòng nước; Lạch: người Lạch). Đồng bào Lạch và Chil sống tập trung tại các buôn Đưng, Bonneur và Đăng Ya với chỉ khoảng vài nghìn nhân khẩu ở thị trấn và xã Lát thuộc huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Người dưới chân triền núi Lang Bian có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Từ vùng đất này đã cất lên rất nhiều giọng hát, hàng chục ca sĩ đã thành danh trong tỉnh, trong nước. Nếu chia tỷ lệ ca sĩ trên dân số thì mật độ “người hát” ở vùng này rất cao, có thể là nhất nước. Đó là điều rất khó lý giải. Nhớ lần người già Păngting Bốr ở sát chân núi Lang Bian kể với tôi: “Ông bà xưa vùng này truyền rằng, con trai, con gái của buôn làng muốn có giọng hát hay thì phải tìm bắt đủ bảy con ve sầu mang về cho thầy cúng đọc thần chú và “sâm” cổ (động tác vuốt vào thanh quản để điều chỉnh cổ họng) rồi nướng lên ăn. Người được ăn ve như vậy thì giọng hát sẽ khỏe khoắn, cao vút và truyền cảm”. Mang chuyện này hỏi Krajăn Plin, người đã viết ca khúc “Lang Bian s’ning” (Nghĩ về Lang Bian, lời Krajăn Dick). Ông bộc bạch, là người lớp sau, không biết thực hư thế nào nhưng chuyện này nói lên rằng, người Lạch luôn ước ao có được giọng hát bền bỉ, cuốn hút và lay cảm như tiếng ve sầu.
Còn nhạc sĩ kiêm ca sĩ Krajăn Dick, nguyên Phó đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng, một người con của buôn Đăng Ya thì kể: “Người Lạch, người Chil dưới chân núi Lang Bian chúng tôi yêu âm nhạc ngay từ khi máu ở trong mình biết chảy. Âm nhạc giúp buôn làng quên đi đói khổ, cho chúng tôi luôn dạt dào cảm xúc với núi rừng quê hương, sống yêu đời, lạc quan dù trong hoàn cảnh nào”. Cậu bé Dick ngày xưa hát vang núi rừng khi lên rẫy đuổi chim, săn thú, xuống suối bắt cá, hái rau khi trưởng thành là một nhạc sĩ tên tuổi, sáng tác nhiều ca khúc dạt dào âm hưởng dân ca bản địa. Krajăn Dick còn là giọng hát chủ đạo của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng trong thời gian dài, được khán giả ví như “Y Moan của vùng nam Tây Nguyên”. Ở tuổi 60, nghỉ hưu về lại buôn làng, Krajăn Dick tiếp tục trao truyền tình yêu âm nhạc và đốt lửa cảm hứng cho lớp con, lớp cháu. Tôi lại hỏi về huyền tích bảy con ve, ông nheo mắt cười vui: Ve sầu thì hồi con nít có bắt về nướng ăn nhiều đấy, nhưng mà có phải do vậy mà hát hay, hát khỏe hay không thì mình… không biết đâu!
Cũng giống các bậc sư phụ, đàn anh, ca sĩ Bonneur Trinh cũng nói, từ hồi ông bà đã yêu ca hát rồi, em cũng không biết giải thích thế nào. Nhưng quả là người Lạch ai cũng biết hát, ai cũng yêu văn nghệ. Đó là bản năng thiên phú, trời đất núi rừng ban cho người đồng bào mình như thế. Hồi đoạt giải nhất tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 2002 với bài “Lang Bian s’ning” và “Hồ trên núi” (của nhạc sĩ Phó Đức Phương), em cũng chưa qua trường lớp đào tạo thanh nhạc nào cả. Người viết bài rồi dạy em hát, hướng dẫn em đi thi là cậu họ Krajăn Plin…
Ca sĩ Krajăn K’Druynh biểu diễn sáo tre. |
Những thế hệ ca hát
Quả thật, niềm đam mê hát ca đã ngấm từ trong dòng máu, trong hơi thở của họ. Từ miền núi non sương gió trên cao này mỗi ngày lại ngân lên giai điệu những ca khúc “Nồng nàn Cao nguyên”, “Tạm biệt suối nguồn”, “Gọi gió” của Krajăn Dick hay “Lang Bian s’ning”, “Ka Bing ơi, em hãy về”, “Ban Mê nhớ” của Krajăn Plin. Riêng tôi, từ lâu đã thấu cảm âm nhạc của những người con của Yàng dưới chân núi mẹ Lang Bian này. Cũng như đêm nay, tôi cùng bạn bè nghe em gái Kơ Ho nấu bếp hát ca khúc “Bóng cây kơ nia” bằng một niềm đồng cảm, xao xuyến. Ở làng buôn này không hề có phân biệt chuyên nghiệp hay nghiệp dư, em gái “nhà bếp” và các ca sĩ chuyên nghiệp như Daguot Đoát, Pàngpề Duil, rồi ngay cả già làng Krajăn Plin… đã cùng đốt lên ngọn lửa tình yêu âm nhạc trong không gian ấm áp giữa miền núi rừng lạnh lẽo, giá sương.
Nhớ khi hay tin ca sĩ Bonneur Trinh đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh, chúng tôi lên buôn núi chúc mừng. Già làng Păngting Bốr rất vui, nhưng ông cũng nói thêm rằng: Ở đây còn nhiều người hát hay như Trinh lắm! Quả đúng như vậy, sau đó một năm, hai dì cháu Krajăn Út và Cil Pơi cùng lớn lên ở buôn Bonneur với Bonneur Trinh tiếp tục gây sự ngạc nhiên khi vượt qua gần 6.000 thí sinh trong cả nước để cùng 15 người khác vào đêm chung kết và nhận giải Sao Mai 2003 do VTV tổ chức tại Quảng Ninh. Tiếng ca của nhiều người con xã Lát, thị trấn Lạc Dương cũng từ miền đất này bay xa như Cil Glé, Panting Sally, Panting Benziên, Krajăn Drim, Krajăn Doan, Liênghót Uyên Ly…, rồi Dagout Liêm, Krajăn Sik, Krajăn Điôn, Liênghót Kinh… Nhiều con em của buôn làng cũng đã, đang theo học tại các trường nghệ thuật trong nước. Hai người con của già làng Krajăn Plin là Cil Dalin và Cil Jolin, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, đã từng bước trưởng thành trên sân khấu ca nhạc. Rồi ca sĩ trẻ Dagout Đoát đẹp trai vừa thắng giải ở một cuộc thi âm nhạc khu vực hay nữ ca sĩ Pàngpề Duil có thể tự tin biểu diễn nhiều dòng nhạc trên các sân khấu trong tỉnh, trong nước. Cả cậu chàng Krajăn K’Druynh hồi nhỏ bắt chước hát theo người lớn trong mỗi đêm lửa rừng, thì từ năm 2013 đã mang chất giọng bốc lửa cao nguyên của mình chinh phục công chúng và lọt vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng-Vietnam’s got talent. Đến bây giờ, ca sĩ K’Druynh trở về buôn làng, tạo lập một Trung tâm giao lưu văn hóa cồng chiêng quy mô hoành tráng. Anh tâm sự, mở trung tâm vừa kinh doanh du lịch, vừa góp phần bảo tồn văn hóa Kơ Ho mà cũng thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc mỗi ngày cùng với những người bạn dưới chân núi Mẹ…
Hòa cảm giữa không gian nghệ thuật của những người con núi rừng, nghe tâm sự về niềm đam mê ca hát của họ, tôi cảm nhận rằng, huyền tích “ăn bảy con ve” vẫn sẽ mãi được lưu truyền trong câu chuyện âm nhạc của buôn làng này. Dù không biết những chàng trai, cô gái tôi vừa kể tên trên có được ăn ve nướng và thầy cúng có “sâm” giọng cho họ hay không, nhưng quả thật, người dưới chân ngọn núi Lang Bian có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Ở nơi chốn này, họ hát như là thở mỗi ngày. “Yêu âm nhạc từ khi máu trong người biết chảy”, nhắc lại lời Krajan Dick. Dòng cảm thức và những huyền thoại sẽ là chất men lôi cuốn du khách và công chúng âm nhạc mọi miền về với cao nguyên. Những đêm rừng Lang Bian mãi mãi mang vẻ đẹp huyền diệu bởi tiếng hát mê say của những đứa con của Yàng hòa trong âm thanh suối đàn tingning, klongpút, t’rưng và vòng xoang uyển chuyển theo nhịp cồng chiêng đắm đuối bên bếp lửa thiêng giữa đại ngàn mênh mang…
Nguồn: Làng ca sĩ dưới chân núi mẹ