Liên kết sản xuất chanh dây theo hướng bền vững
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.700 ha chanh dây, tăng hơn 300 ha so với cuối năm 2022. Trong đó có khoảng 3.155,5 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 451,5 tạ/ha, sản lượng đạt 149.081,2 tấn. Theo dự ước từ nay đến năm 2025, diện tích chanh dây của tỉnh khoảng 20.000 ha. Chanh dây được xác định là 1 trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh và là cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, từ tháng 7-2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, với chi phí đầu tư bình quân cho 1 ha chanh leo khoảng 160 - 170 triệu đồng. Sau khi trồng 8 - 9 tháng, chanh leo cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, đến tháng 11 - 12 cho thu hoạch lứa quả thứ hai, đến tháng thứ 14 cho thu hoạch lứa quả thứ 3 và thu mót, dọn vườn vào khoảng tháng 16, 17 sau khi trồng. Năng suất chanh leo bình quân khoảng 40 - 45 tấn/ha. Giá bán bình quân hiện nay khoảng 12.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 360 - 370 triệu đồng/ha.
Liên kết sản xuất chanh dây tại các HTX trên địa bàn tỉnh được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Ảnh: HĐ. |
Huyện Đak Đoa hiện cũng có khoảng 700 ha chanh dây, tăng 70 ha so với thời điểm cuối năm 2022. Phòng NN&PTNT huyện cho biết, diện tích chanh dây tăng nhưng không đột biến so với các địa phương khác. Huyện thường xuyên khuyến cáo người dân chỉ trồng chanh dây trên những diện tích đất phù hợp và trồng xen trên diện tích cây công nghiệp lâu năm. Đặc biệt, người dân không nên chuyển đổi những diện tích cây trồng đang phát triển ổn định, nhất là cây công nghiệp dài ngày sang trồng chanh dây.
Tại huyện Ia Grai, theo thống kê của Phòng NN&PTNT, toàn huyện có trên 700 ha chanh dây, tăng hơn 100 ha so với cuối năm 2022. Theo tính toán, chi phí đầu tư 1 ha chanh dây khoảng 120-130 triệu đồng gồm: tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, thu hoạch. Chanh dây dễ trồng, khoảng 4,5-5 tháng cho thu hoạch, kéo dài 4-5 đợt. Nếu giá trên 10.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, người dân có lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác...
Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động sản xuất cây trồng này bền vững cần phải làm tốt công tác quản lý chất lượng giống, phòng trừ sâu bệnh hại và đặc biệt là xây dựng mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, HTX với các doanh nghiệp chế biến đã phát huy hiệu quả. Theo đó, việc tham gia các HTX người dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường.
Các hộ tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Năng suất chanh dây bình quân đạt trên 45 tấn/ha, được HTX thu mua với giá loại 1 (chanh Âu) hơn 30 nghìn đồng/kg, chanh loại 2 hơn 20 nghìn đồng/kg và chanh xô 12-17 nghìn đồng/kg. Hiện HTX Thành Đạt (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) liên kết với 170 hộ dân canh tác 50 ha; HTX Sản xuất-thương mại-dịch vụ-du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đang liên kết với 260 hộ dân sản xuất 230 ha chanh dây và liên kết với doanh nghiệp trồng 8 ha chanh dây ngọt...
Từ tháng 7/2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất chanh dây của tỉnh. Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi, nước ép hoa quả của tỉnh ước đạt 120 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm xuất khẩu đa dạng như: chanh dây quả, dịch chanh dây cấp đông, nước ép chanh dây, hoa quả đông lạnh (chuối, xoài, dứa, thanh long, bắp ngọt...). Thị trường xuất khẩu mở rộng, đặc biệt là các nước thành viên EU, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đồng thời, xây dựng mã số vùng trồng chanh dây để hướng đến xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có 32 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích hơn 877 ha xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Liên kết sản xuất giữa người dân, HTX, doanh nghiệp từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất đối với cây trồng chủ lực tại tỉnh. Ảnh: NS. |
Thời gian qua, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tập trung sản xuất chanh dây theo hướng bền vững như chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi, những diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng chanh dây để đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ xuất khẩu theo đúng định hướng và lợi thế của từng địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng chuỗi giá trị liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ bền vững. thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn người trồng chanh dây sử dụng vật tư đầu vào và cây giống theo hướng an toàn để giảm chi phí. Ngoài ra, chú trọng sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu chanh dây, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để cây chanh dây phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, cần chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - HTX với nông dân từ khâu giống, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp giới thiệu, lựa chọn những HTX, tổ hợp tác có thể liên kết sản xuất, tiêu thụ chanh dây với các doanh nghiệp.
Nguồn:Liên kết sản xuất chanh dây theo hướng bền vững