Liên minh Rừng ngập mặn vì khí hậu
Canada công bố chiến lược thích ứng mới với biến đổi khí hậu Kết quả COP27: Cần nhưng đã đủ? |
Rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau, Việt Nam. (Nguồn: thamhiemmekong.com) |
Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Sri Lanka là những quốc gia đầu tiên tham gia “Liên minh Rừng ngập mặn vì khí hậu” tại COP27 tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập.
Đây là một liên minh quốc tế của các chính phủ, do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Indonesia dẫn dắt, với hy vọng sẽ cứu những khu rừng ngập mặn đang bị suy giảm diện tích ở nhiều nơi trên thế giới.
Rừng ngập mặn bao gồm những cây thân gỗ và bụi cây sống trong vùng ngập nước thủy triều ở các khu vực ven biển, là môi trường sống của cá, động vật giáp xác (như tôm, cua), và một số loài động vật hoang dã khác.
Cây ngập mặn (hay cây chịu mặn) là các loài cây có khả năng đặc biệt để có thể sinh tồn trong môi trường nước lợ, nơi có độ mặn cao, lượng oxy thấp. Mỗi cây ngập mặn đều có một hệ thống siêu lọc để bảo vệ cây khỏi sự xâm nhập của muối biển, cùng với một bộ rễ chuyên dụng giúp cây có thể hô hấp trong bùn lầy hoặc lúc triều dâng.
Giải pháp chống biến đổi khí hậu
Hiện nay, khoảng 123 quốc gia trên giới có rừng ngập mặn, với khoảng 80 loài cây ngập mặn khác nhau. Rừng ngập mặn có trữ lượng carbon cao gấp bốn lần so với rừng trên đất liền.
Rừng ngập mặn được cho là giải pháp dựa vào tự nhiên để đối phó với biến đổi khí hậu. Bởi chúng cung cấp khả năng chống lũ trị giá 65 tỷ USD mỗi năm, đồng thời giúp giảm xói mòn bờ biển.
Theo báo cáo năm 2022 của Liên minh rừng ngập mặn toàn cầu-một liên minh gồm các nhà khoa học, tổ chức phi lợi nhuận, ngành công nghiệp và cộng đồng địa phương, tính đến năm 2020, trên thế giới có khoảng 147.000 km2 rừng ngập mặn.
Đông Nam Á là khu vực chiếm phần lớn diện tích rừng mặn trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng diện tích rừng ngập mặn ở Indonesia đã chiếm một phần năm tổng diện tích toàn cầu.
Cũng theo báo cáo này, Indonesia, Brazil, Australia, Mexico và Nigeria sở hữu gần một nửa diện tích rừng ngập mặn của thế giới.
Tuy nhiên, độ che phủ rừng ngập mặn đã giảm 35% trên toàn cầu trong ba thập kỷ qua. Châu Á đã mất đi diện tích rừng ngập mặn nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới trong hai thập kỷ qua, do ô nhiễm môi trường và người dân chặt phá rừng để phát triển du lịch và làm trang trại nuôi tôm.
Bộ trưởng Môi trường và biến đổi khí hậu của UAE, bà Mariam Mohammed Almheiri cho biết, mục tiêu của Liên minh Rừng ngập mặn vì khí hậu là tìm cách “mở rộng quy mô và đẩy nhanh bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn vì lợi ích của các cộng đồng trên toàn thế giới”.
UAE đã lên kế hoạch trồng 3 triệu cây ngập mặn trong hai tháng tới, đây cũng là một phần trong cam kết đến năm 2030 trồng 100 triệu cây ngập mặn của nước này.
Nam Á chiếm 6,4% diện tích rừng ngập mặn toàn cầu, trong đó, hơn 50% số diện tích của khu vực là ở Ấn Độ.
Nguồn: Liên minh Rừng ngập mặn vì khí hậu