Liệu EU có dừng lại ở vòng trừng phạt thứ sáu với năng lượng của Nga?
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý một lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu thô của Nga, sẽ có hiệu lực hoàn toàn vào cuối năm 2022 nhưng Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác được đảm bảo miễn trừ.
Lệnh cấm dầu được đồng ý chỉ trong một đêm sau nhiều tuần tranh cãi, nhằm mục đích ngăn chặn 90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nga vào khối 27 quốc gia vào cuối năm nay. Đây là biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga vì cuộc xung đột với Ukraine sẽ ảnh hưởng đến EU, nơi giá năng lượng đã tăng vọt và lạm phát đang ở mức gần hai con số.
Nga chỉ chiếm hơn 1/4 nhập khẩu dầu của EU vào năm 2020, trong khi châu Âu là điểm đến cho gần 1/2 xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Các lệnh trừng phạt có một mục tiêu rõ ràng nhằm thúc đẩy Nga chấm dứt cuộc chiến này, rút quân, đạt được một nền hòa bình hợp lý và công bằng với Ukraine”.
Lệnh cấm vận dầu mỏ diễn ra sau lệnh cấm trước đó đối với than của Nga, cho phép khối áp đặt vòng trừng phạt thứ sáu, bao gồm cắt ngân hàng lớn nhất của Nga như Sberbank (SBMX.MM) ra khỏi hệ thống giao dịch quốc tế SWIFT.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết không thể loại trừ điều gì liên quan đến các biện pháp trừng phạt tiếp theo, mặc dù các nhà lãnh đạo khác bác bỏ ý tưởng cấm mua khí đốt của Nga, thứ mà châu Âu phụ thuộc rất nhiều.
Các nước EU sẽ có 6 tháng để ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển và 8 tháng đối với các sản phẩm tinh chế. Mốc thời gian đó sẽ bắt đầu sau khi các biện pháp trừng phạt chính thức được thông qua, điều mà các quốc gia EU nhắm tới sẽ thực hiện trong tuần này.
Nguồn: Liệu EU có dừng lại ở vòng trừng phạt thứ sáu với năng lượng của Nga?