Lợi nhuận chuỗi bán lẻ dược phẩm 6 tháng đầu năm: An Khang hụt hơi, Long Châu thẳng tiến
An Khang của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài ngày càng "hụt hơi" trên thị trường bán lẻ dược phẩm
Trên thị trường bán lẻ dược phẩm theo chuỗi, CTCP Thế Giới Di Động (mã: MWG) mà đại diện là chuỗi nhà thuốc An Khang đang đuối sức khi so sánh với chuỗi nhà thuốc Long Châu thuộc đại gia bán lẻ FPT Retail (mã: FRT).
Theo số liệu tính đến hết năm 2022, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng thì chuỗi nhà thuốc An Khang chỉ đạt 1.500 tỷ đồng. Số lượng nhà thuốc Long Châu cũng áp đảo với 937 cửa hàng so với 500 điểm bán của An Khang. Tính trung bình mỗi nhà thuốc Long Châu hàng ngày đạt doanh thu khoảng 28 triệu đồng trong khi con số này ở An Khang là hơn 9 triệu đồng, tức chỉ bằng 1/3 so với đối thủ.
Cùng xuất phát điểm là nhà thuốc truyền thống song chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện tại lại dẫn đầu quy mô lẫn lợi nhuận.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ năm 2022, nhà thuốc Long Châu ghi nhận doanh thu đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ. Chuỗi nhà thuốc lãi 52 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với mức 5 tỷ đồng của năm 2021.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt doanh thu 6.899 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46% vào tổng doanh thu của FPT Retail trong nửa đầu năm nay.
Trái với tình hình kinh doanh khởi sắc của Long Châu, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), phần lỗ thuế của chuỗi nhà thuốc An Khang trong nửa đầu năm 2023 hơn 150,5 tỷ đồng. Trước đó, trong cả năm 2022, lỗ thuế của chuỗi An Khang ở mức 306 tỷ đồng, trong khi hai năm trước đó, phần lỗ thuế của chuỗi nhà thuốc này đều chưa vượt quá 7 tỷ đồng (vào các năm 2019 và 2020, An Khang lỗ lần lượt 5,9 và 6,4 tỷ đồng).
Như vậy, lũy kế từ năm 2019 tới hết tháng 6/2023, chuỗi nhà thuốc An Khang của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động đang lỗ hơn 469,16 tỷ đồng.
Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của Thế Giới Di Động, tính đến cuối tháng 6, An Khang có tổng cộng 537 nhà thuốc trên toàn quốc. Trong khi đó, chuỗi bán lẻ dược phẩm Long Châu đạt mốc 1.243 nhà thuốc trên toàn quốc.
Không có số liệu về doanh thu tại chuỗi nhà thuốc An Khang các năm 2020,2021,6t2023. |
Sau khi về tay Thế Giới Di Động vào khoảng đầu năm 2018, chuỗi nhà thuốc An Khang từng được kỳ vọng sẽ trở thành "mảng ghép" giúp công ty hướng tới trở thành nhà bán lẻ số một, đa ngành nghề và không chỉ hoạt động ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động sau đó đã thông báo hoãn kế hoạch kể trên để đánh giá lại rủi ro. Thay vì chi phối hoạt động tại chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động chi ra hơn 62 tỷ đồng để sở hữu 49% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang.
Sau đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ dược phẩm cho thấy sự khởi sắc và ngày càng trở nên sôi động với quy mô 7-8 tỷ USD. Nhận thấy thời cơ này, từ cuối năm 2021, chuỗi nhà thuốc An Khang đã liên tục đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc. Đến cuối năm 2021, Thế Giới Di Động mới nắm quyền kiểm soát chuỗi này khi nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 100%.
Từng có thời điểm, mỗi ngày Thế Giới Di Động mở mới trên 1 cửa hàng mỗi ngày. Tháng 4/2022, Thế Giới Di Động công bố doanh số lũy kế 4 tháng chuỗi An Khang gấp 3,7 lần cùng kỳ. Sau đó 3 tháng, hệ thống cán mốc 500 cửa hàng trên khắp nước.
Thời điểm đó, doanh thu trung bình hàng tháng của mỗi nhà thuốc An Khang đang dao động 400 - 450 triệu đồng. Thuốc đóng góp 60% trong số này. Phần còn lại đến từ thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Doanh nghiệp còn lên kế hoạch nâng doanh số bình quân mỗi nhà thuốc lên 600 triệu đồng một tháng và tăng số lượng nhà thuốc lên 800 điểm bán. Tuy nhiên, cuối năm 2022, nhà thuốc An Khang buộc phải dừng mở rộng chuỗi và kết thúc năm với số lỗ 306 tỷ đồng.
Thế Giới Di Động tham gia vào thị trường bán lẻ dược phẩm từ khá sớm, nhưng không hiểu vì lý do gì lại chậm chân hơn so với đối thủ ở giai đoạn sau này.
Thực tế, An Khang đang vướng phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường bán lẻ dược phẩm. Những chuỗi dược phẩm như Pharmacity, Long Châu hay hàng nghìn nhà thuốc bán lẻ đã có sẵn trên thị trường hàng chục năm đang cản bước “người đến sau” như An Khang khi mới tham gia khoảng 5 năm trước.
Không chỉ vậy, mô hình hoạt động của An Khang có nhiều điểm tương đồng với chuỗi Long Châu, nhưng theo đánh giá, vị trí của An Khang không “đắc địa”, giá bán cũng không cạnh tranh bằng chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu.
Chuỗi nhà thuốc An Khang chọn "dậm chân tại chỗ", Long Châu đặt kỳ vọng lớn
Thời gian qua, chiến lược của An Khang đã bị thay đổi chóng mặt. Chiến lược của An Khang trong năm 2023 nhiều khả năng là không mở mới với số lượng lớn. Cụ thể, theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Thế Giới Di Động, định hướng của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong năm 2023 về chuỗi Khang sẽ tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ lại những cửa hàng có lợi nhuận dương.
Sự tập trung trong năm 2023 của Thế Giới Di Động với An Khang sẽ là tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành nhằm cải thiện hiệu quả và giảm lỗ.
Điều này trái ngược với những gì mà ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, đồng thời cũng là người phụ trách chuỗi An Khang từng chia sẻ vào tháng 11/2022.
Theo đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em từng nói về tham vọng với chuỗi An Khang: "Nếu tốc độ mở rộng như chúng tôi đang tiến hành hiện tại, công ty dự kiến đến năm 2023, An Khang sẽ có 2.000 cửa hàng, tự tin đứng số một thị trường về quy mô lẫn doanh thu".
Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu dự kiến mở thêm 400 nhà thuốc trong năm nay, qua đó nâng tổng số lượng nhà thuốc tại cuối năm 2023 dự kiến từ 1.400 đến 1.500 nhà thuốc.
Năm nay, FRT kỳ vọng chuỗi nhà thuốc sẽ đem về 14.000 tỷ đồng. Mục tiêu của Long Châu đặt ra trong bối cảnh người dân đang thắt chặt chi tiêu. Để đối phó với điều này, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail cho biết, Long Châu sẽ mở rộng các chuỗi nhà thuốc vào khu dân cư.
Chiến lược này sẽ giúp công ty có thêm khách hàng mới, đồng thời có thể lấy được khách hàng từ các chuỗi nhà thuốc khác, đồng thời Long Châu sẽ không chỉ dừng lại ở nhà thuốc và bán thuốc. Ban lãnh đạo công ty cho biết hiện 99% cửa hàng Long Châu mở mới đã có lãi sau 6 tháng.
Nguồn:Lợi nhuận chuỗi bán lẻ dược phẩm 6 tháng đầu năm: An Khang hụt hơi, Long Châu thẳng tiến