Lối thoát cho loạt dự án điện mặt trời
Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi ngày Engie và P&G hợp tác trong dự án năng lượng mặt trời mới ở Texas |
Các dự án ĐMT (đã được chấp thuận nhà đầu tư và cho phép tiếp tục triển khai đến 2030) chỉ được phép triển khai phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của hệ thống điện quốc gia (ảnh minh họa) |
Theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ, Bộ Công thương đã tiếp tục rà soát một lần nữa các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư.
Cụ thể, 5 dự án/phần dự án (gồm ĐMT Phù Mỹ 1, 3 của dự án ĐMT Phù Mỹ giá trị khoảng 3.600 tỷ đồng; Phần công suất của dự án ĐMT450MW (tổng mức đầu tư khoảng 11.140 tỷ đồng); ĐMT Thiên Tân 1.2, phần dự án Thiên Tân 1.3 và Thiên Tân 1.4 (khoảng 5.000 tỷ đồng) đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện, có tổng công suất khoảng 453MW.
11 dự án (Ngọc Lặc, Krong Pa 2, Chư Ngọc giai đoạn 2, Phú Thiện, Đức An, Phước Thái 2, Phước Thái 3, MT1, MT2, Đức Huệ và Sơn Quang) đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị, tổng công suất khoảng 427MW.
6 dự án (Thanh Hóa 1, KN Ialy Gia Lai, Trang Đức, KN Srêpôk, KN Ialy Kon Tum, Dầu Tiếng 5) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (thực hiện thủ tục đất đai, khảo sát, thiết kế…), chưa ký hợp đồng mua sắm thiết bị/chưa có thông tin về hợp đồng mua sắm thiết bị với tổng công suất khoảng 1.481MW.
3 dự án/phần dự án (Mai Sơn, phần còn lại của dự án KCN Châu Đức, phần còn lại dự án Thiên Tân 1.3) với tổng công suất 60MW, ghi nhận chủ đầu tư chưa thực hiện.
Bộ Công thương cho biết, tổng chi phí đã thực hiện ước tính khoảng 12.700 tỷ đồng (một số dự án không cung cấp).
Nhận định các trường hợp nêu trên (trừ các dự án không thực hiện tiếp) đều đã triển khai trên thực tế ở các giai đoạn khác nhau, đã phát sinh chi phí, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng về nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án ĐMT đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 (tổng công suất khoảng 2.360MW, giảm so với con số 2.428MW mà bộ này đưa ra hồi tháng 8/2022 do một số dự án chủ đầu tư không thực hiện tiếp).
Mục tiêu của đề xuất là để tránh rủi ro pháp lý, khiếu kiện, đền bù cho các nhà đầu tư, gây lãng phí tài sản xã hội, tránh xảy ra mất trật tự an toàn xã hội, xuất hiện các điểm nóng tại khu vực đã giao đất dự án.
Cũng theo Bộ Công thương, điều kiện được tiếp tục triển khai là các dự án đó phải tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật (về đầu tư, đất đai, xây dựng,…). Nếu phát hiện dự án nào vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định, nếu vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án.
Một điều kiện đáng chú ý là: các dự án này chỉ được phép triển khai phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của hệ thống điện quốc gia (Bộ Công thương và EVN sẽ tính toán, kiểm tra từng dự án).
Trước đó, ngày 20/8, Tổng thanh tra chính phủ có ý kiến chỉ xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII những dự án đã hoàn thành chưa xác định giá bán điện, đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị và đang triển khai thi công (tổng công suất khoảng 636MW, nhưng chưa có danh sách cụ thể).
Tháng 7/2022, Bộ Công thương tổng kết, các dự án/phần dự án đã hoàn thành thi công có tổng công suất khoảng 452MW (tổng mức đầu tư khoảng 11.800 tỷ đồng), các dự án ĐMT đã được quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư (tính đến hết 25/6/2022) có tổng công suất khoảng 1.980MW, nhưng chi phí đầu tư chưa đủ cơ sở/số liệu để xác định, các dự án ĐMT đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư có tổng công suất khoảng 4.140MW.
Để tránh rủi ro về mặt pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho nhà đầu tư, Bộ Công thương khi đó đã đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục phát triển các dự án ĐMT đã được chấp thuận nhà đầu tư (bao gồm những dự án đã hoàn thành thi công) trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất khoảng 2.430MW.
Đồng thời, các dự án ĐMT chưa được chấp thuận nhà đầu tư (tổng công suất khoảng 4.140MW) có thể xem xét giãn sang giai đoạn sau năm 2030 để đảm bảo tỷ lệ hợp lý của các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống.
Nguồn: Lối thoát cho loạt dự án điện mặt trời