Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội
Nỗ lực phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển |
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Trong năm 2022, nhiều hoạt động then chốt của dự án đã được triển khai tại Trung ương và địa phương như tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá khu dữ trữ sinh quyển (KDTSQ) tiềm năng, xây dựng quy chế và kế hoạch quản lý KDTSQ, xây dựng kế hoạch phục hồi rừng tại các KDTSQ, đánh giá cơ hội phát triển du lịch tại các KDTSQ và các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng, triển khai hoạt động tài trợ nhỏ.
Các kết quả của năm 2022 là nền tảng để triển khai các hoạt động trọng tâm của năm 2023 bao gồm: Hoàn thiện và trình phê duyệt các văn bản, quy chế, kế hoạch quản tại tại các KDTSQ; quản lý rừng bền vững và phục hồi các khu vực rừng bị suy thoái; sử dụng tài nguyên bền vững, hỗ trợ sinh kế cho người dân tại khu vực dành riêng cũng như cộng đồng tại KDTSQ; quan trắc, giám sát các loài chỉ thị; đào tạo, truyền thông và nâng cao nhận thức
Phát biểu tại hội thảo, bà Ramla Al Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Bà Ramla Al Khalidi cho rằng, với việc thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) tại Hội nghị COP15 tại Canada vừa qua, việc thúc đẩy quản lý tổng hợp bền vững các KDTSQ là việc làm cần thiết hơn bao giờ hết.
Bà Ramla Al Khalidi, Trưởng Đại diện UNDP Việt Nam chia tại tại cuộc họp |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe Ban quản lý dự án, UNDP, 3 Ban triển khai dự án tại 3 tỉnh Đồng Nai, Quảng Nam và Nghệ An báo cáo kết quả triển khai thực hiện dự án BR trong năm 2022, dự kiến các hoạt động năm 2023 và những đề xuất, kiến nghị đối với Ban chỉ đạo dự án.
Theo chia sẻ của đại diện Ban quản lý dự án, trong năm 2023, dự án sẽ tiếp tục triển khai một số hoạt động chính, bao gồm xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn xây dựng Kế hoạch quản lý KDTSQ tích hợp quản lý tổng hợp tài nguyên; đánh giá các khu vực tiềm năng và lập kế hoạch xây dựng Hồ sơ đề cử cho 1 KDTSQ mới; quy chế hoạt động của Ban quản lý KDTSQ tại 3 KDTSQ; kế hoạch quản lý KDTSQ tích hợp quản lý tổng hợp tài nguyên nhằm đảm bảo ít nhất 1.22 triệu ha rừng của KDTSQ được quản lý bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số hoạt động ưu tiên trong Kế hoạch quản lý hàng năm của các khu bảo tồn trong vùng lõi 3 KDTSQ; triển khai các hoạt động ưu tiên trong Kế hoạch sử dụng tài nguyên không cạn kiệt tại 60.000 ha các Khu vực dành riêng tại các KDTSQ Tây Nghệ An và Đồng Nai nhằm áp dụng các mô hình sinh kế sử dụng tài nguyên bền vững,…
Quang cảnh cuộc họp |
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận những nỗ lực của Ban quản lý dự án và đánh giá cao các kết quả đạt được của dự án trong năm 2022. Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng thống nhất với một số đề xuất điều chỉnh chỉ số đánh giá của dự án và nội dung trọng tâm kế hoạch thực hiện năm 2023.
Ngoài ra, để triển khai dự án hiệu quả, góp phần đạt được mục tiêu và kết quả đã đề ra, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy từ ban chỉ đạo, ban quản lý đến ban triển khai dự án tại địa phương. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học tổng hợp, hoàn thiện các sản phẩm của dự án để trình Bộ TN&MT ban hành hướng dẫn đề cử và quản lý KDTSQ và hướng dẫn kỹ thuật liên quan khác hỗ trợ quản lý KDTSQ.
Thứ trưởng đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Nam chỉ đạo Ban triển khai dự án tại địa phương triển khai các hoạt động theo kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Đồng thời mong muốn UNDP tiếp tục hỗ trợ dự án, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo và Ban quản lý dự án tại 3 địa phương trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh kế theo hình thức tài trợ giá trị nhỏ.
Dự án BR do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) thực hiện, với mục tiêu quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học được lồng ghép hiệu quả và được đẩy mạnh trong các quy hoạch phát triển nói chung và phát triển ngành du lịch nói riêng tại các khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ). Dự án được triển khai tại Hà Nội và 3 Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Cù Lao Chàm – Hội An và Tây Nghệ An. |
Nguồn: Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội