Mô hình giao thông xanh ở Hà Nội
Phát triển giao thông xanh |
Giao thông xanh có nghĩa là sử dụng các phương tiện giao thông hạn chế phát thải khí CO2 và những loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.
Ở Hà Nội, trong khi ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp do lượng xe cá nhân gia tăng khó kiểm soát, gây quá tải hạ tầng, đe dọa môi trường, giao thông xanh vẫn còn khá mới mẻ. Đa số người dân không có thói quen đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện công cộng, mà vẫn lệ thuộc rất lớn vào xe cá nhân, đặc biệt là xe máy. Do đó, việc phát triển các loại hình giao thông xanh dần thay thế xe cơ giới là giải pháp không những chỉ ngăn chặn ùn tắc mà còn góp phần giảm phát thải, ngăn chặn ô nhiễm môi trường.
Đường sắt đô thị
Ngày 26/11/2021, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào khai thác vận hành thương mại sau hơn 10 năm khởi công xây dựng. Việc đưa dự án Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng về việc dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và Thủ đô Hà Nội nói riêng đã được triển khai thành công, đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật. Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông phục vụ hơn 10.000 người đi vé tháng; ngày bình thường có khoảng 32.000-34.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 28.000-30.000 lượt khách; lượng khách đi lại thường xuyên khoảng 6.000-8.000 nghìn người.
Buýt điện
Cũng trong năm 2021, (sáng ngày 2/12), Hà Nội đưa vào hoạt động tuyến xe bus điện đầu tiên (tuyến buýt điện do doanh nghiệp đầu tư, vận hành, khai thác). Tuyến buýt có số hiệu E03 chạy qua các tuyến đường trung tâm, kết nối phía đông và phía tây thành phố với 15 điểm dừng. Xe sử dụng năng lượng sạch, không phát khí thải, không gây ô nhiễm tiếng ồn, di chuyển êm ái mang lại cho hành khách sự thoải mái, khắc phục hiện tượng say xe hay khó chịu trong suốt hành trình. Ngay sau đó, các tuyến buýt điện khác cũng được đưa vào khai thác, như (tuyến E05, tuyến E0...). Đây là các tuyến xe bus điện với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống vé điện tử văn minh hiện đại đánh dấu một bước phát triển mới của mạng lưới xe bus Thủ đô, tạo ra bước ngoặt mới trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông xanh.
Xe đạp công cộng
Sáng 24/8/2023, Hà Nội khai trương dịch vụ xe đạp công cộng (dịch vụ này cũng do doanh nghiệp đầu tư, vận hành, khai thác thí điểm trong 12 tháng). Theo nhà đầu tư, giai đoạn thí điểm đầu tiên được triển khai tại 79 điểm trạm trên địa bàn Hà Nội với 1.000 phương tiện. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể đi bộ để tiếp cận dịch vụ thuận lợi. So với việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, việc đạp xe với quãng đường kể trên giúp giảm khoảng 2.844kg khí thải CO2 ra môi trường, tương đương với khả năng hấp thụ của 135 cây xanh.
Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt), sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện. Dịch vụ được ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Hà Nội đưa vào khai thác vận hành 3 loại phương tiện giao thông công cộng. Điều này cho thấy chính quyền Hà Nội không ngừng quyết tâm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, cùng với cả nước thực hiện cam kết với quốc tế đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng đối với người dân đang là thách thức lớn đối với loại hình xe đạp công cộng và buýt điện. Do đó, cần phải tính toán thật kỹ dựa trên thực tế để có những giải pháp đồng bộ và thiết thực hơn nhằm nâng cao hiệu quả đối với các loại hình giao thông văn minh này.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại các điểm trạm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng vào chiều ngày 02/11/2023. Đây là mô hình đang được triển khai thí điểm.
Nguồn:Mô hình giao thông xanh ở Hà Nội