Mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế và nỗi lo nguồn từ Trung Quốc
Thêm hấp lực cho du lịch Quảng Ninh Đắk Lắk: Thách thức giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch |
Mục tiêu rất thách thức
Dữ liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, trong năm 2023, Việt Nam đón được khoảng 12,5 triệu khách quốc tế, cao gấp 1,5 lần so với chỉ tiêu đặt ra (8 triệu lượt) và hoàn thành mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt) của năm 2023; tuy nhiên, so với năm 2019 vẫn chỉ bằng 69%.
Trao đổi với PV. VietNamNet tại Hội thảo triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch 2023 diễn ra giữa tuần qua, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia ông Phạm Văn Thủy cho hay, năm nay du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, đến hết tháng 10 đã hoàn thành, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do vậy, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam mạnh dạn đề xuất với Bộ VH-TT&DL về mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19 (năm 2019).
“Tôi kỳ vọng mục tiêu đó sẽ đạt được vì chúng ta có chính sách visa thông thoáng; các địa phương chú trọng đầu tư hạ tầng, cơ sở lưu trú; sự mạnh dạn của các công ty du lịch và sự kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau cho ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn”, ông Thủy chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều cơ hội đạt 18-20 triệu khách quốc tế trong năm tới.
Lý do là bởi vấn đề visa, sau 20 năm ‘bế tắc’ đã rất thông thoáng. Khi Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực (từ 15/8), sự tăng trưởng về khách quốc tế rất ấn tượng.
Chưa kể, năm 2023 còn ghi nhận sự thành công về hoạt động ngoại giao. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được quảng bá rất nhiều ra thế giới, nhất là ở các thị trường xa. Đặc biệt, việc nguyên thủ Việt Nam tiếp đón nguyên thủ các nước, với những hoạt động trước đây chưa từng có, như cùng nhau uống cà phê, đạp xe, đi dạo, ngồi ngắm Hồ Gươm,... đã mang lại hiệu ứng rất tốt trong việc quảng bá du lịch Việt Nam - theo ông Hoan là yếu tố thuận lợi để thu hút khách quốc tế.
Trước đó, chia sẻ với PV.VietNamNet, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Vietluxtour, cũng khẳng định, năm 2024 du lịch Việt Nam có thể đạt 18 triệu khách quốc tế. Nếu đề ra mức 15-16 triệu khách là quá “an toàn”.
Ủng hộ quyết tâm đón 18 triệu khách quốc tế vào năm tới nhưng ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đánh giá, mục tiêu đó là rất thách thức. Như tại Đà Nẵng, năm nay, địa phương này đạt 5,6 triệu khách nội địa, 2 triệu khách quốc tế. Khách nội địa vượt năm 2019 nhưng khách quốc tế chỉ đạt 60% (2019 đạt 3,5 triệu).
Tìm cách bù đắp thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc
Hụt lớn nhất là dòng khách Trung Quốc, từ 5 triệu khách năm 2019 nay còn 1,5 triệu khách. Muốn đạt mục tiêu 18 triệu, phải phục hồi ít nhất 50-60% khách Trung Quốc và khách từ các thị trường truyền thống.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dự đoán, thị trường Trung Quốc sang năm chưa thể hồi phục nhanh, cần bù đắp bằng các thị trường khác.
Du lịch Việt Nam vẫn phải dựa vào các thị trường truyền thống Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),... từ Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines hay đi bằng đường bộ như Campuchia và Lào. Ngoài ra, cần khai thác theo chiều sâu các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ; thị trường mới nổi từ Nam Á như Ấn Độ với hy vọng đạt 1 triệu khách trong năm tới. Cần xác định sớm thị trường mục tiêu để hình thành các sản phẩm đặc thù, phù hợp để xúc tiến ngay từ đầu năm.
Sự tăng trưởng của khách, ngoài Hà Nội, TP.HCM, ông Dũng kiến nghị hỗ trợ thêm nguồn lực, sản phẩm và quảng bá xúc tiến cho Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh,... những cửa ngõ khác có khả năng đón khách cao. Các địa phương cũng cần chuẩn bị sản phẩm mới giàu trải nghiệm và sáng tạo để thu hút khách nhỏ lẻ tiếp cận qua các nền tảng thông minh.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí phân tích, để phục hồi khách Trung Quốc cần thời gian vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do nội tại của họ. Vấn đề đặt ra là nên nghiên cứu sâu về sự tăng trưởng của khách Hàn Quốc để khai thác mạnh hơn nữa. Dòng khách này có triển vọng sẽ vượt năm 2019 trong năm tới. Tương tự như vậy với khách Ấn Độ.
Với 13 quốc gia châu Âu được hưởng lợi từ chính sách miễn visa, tăng số ngày lưu trú, 11 tháng năm 2023 có sự gia tăng đáng kể về lượng khách, như Pháp tăng mạnh nhất tới 72,5%, Anh tăng 38,6%, Đức tăng 36%, Ý tăng 55%,… nhóm khách các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển,... cũng tăng từ 33% đến hơn 84%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chí băn khoăn, lượng khách này có thật sự tăng mạnh nhờ ưu đãi về thị thực hay chỉ là hồi phục bình thường? Yếu tố nào đang thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam: sản phẩm du lịch hay điểm đến nào đang giữ chân khách lâu hơn với chính sách visa mới? Cần xem xét kỹ để có chính sách thu hút khách phù hợp.
Ngoài ra, không ít ý kiến cũng lo ngại, theo dự báo, 2024 là năm còn khó khăn hơn cả 2023 với rất nhiều rủi ro, yếu tố bất ngờ về chiến tranh, xung đột vũ trang, bệnh tật, suy thoái kinh tế,... Là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch Việt Nam cần có sự chung tay của rất nhiều cơ quan, ban ngành khác.
Nguồn: Mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế và nỗi lo nguồn từ Trung Quốc