Mức trần giá dầu Nga: Đã đến lúc loại bỏ
Nga kỳ vọng thu thêm 11 tỷ USD từ năng lượng vào năm 2023 bất chấp trần giá Các bộ trưởng EU thống nhất về mức trần giá khí đốt |
Ảnh minh họa |
Trở lại tháng 12/2022, Nhóm G7 và một số quốc gia khác đã đưa ra mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga. Người mua vẫn có thể trả nhiều tiền hơn, nhưng sau đó họ bị tước quyền tiếp cận các dịch vụ chính do các công ty ở các quốc gia ký kết cung cấp. Chúng bao gồm bảo hiểm tốt nhất chống lại các rủi ro, chẳng hạn như va chạm và tràn dầu, và đội tàu chở dầu có trụ sở tại châu Âu bao gồm các tàu thuộc sở hữu của Hy Lạp và Síp. Giới hạn giá tương tự đối với các sản phẩm tinh chế đã được đưa ra vào tháng 2/2023.
Mục đích là để cho phép dầu của Nga tiếp tục được lưu thông, đồng thời gây ảnh hưởng lên thu nhập của Điện Kremlin do buộc nước này phải chấp nhận mức giá thấp hơn. Hiệu quả của mức trần giá này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của Nga đối với các tàu và dịch vụ của phương Tây để tiếp tục vận chuyển dầu ra thị trường quốc tế cũng như việc Nga có sẵn sàng bán dưới mức giá trần hay không.
Sáng kiến này dường như đã có tác dụng được một thời gian. Dầu Urals, loại dầu xuất khẩu chính của quốc gia này, được giao dịch dưới ngưỡng trần giá trong hầu hết 8 tháng đầu tiên áp dụng.
Nhưng điều đó liên quan nhiều đến động lực của thị trường dầu mỏ hơn là cơ chế giá trần. Khi giá dầu toàn cầu tăng trong những tháng gần đây, giá dầu thô của Nga cũng tăng theo. Urals hiện có giá gần 100 USD/thùng, với phần lớn được vận chuyển trên những con tàu mà chủ sở hữu sẵn sàng bỏ qua mức trần.
Nếu nhìn vào mức chiết khấu của dầu Urals so với dầu Brent thay vì giá tuyệt đối, chúng ta sẽ thấy một bức tranh khác.
Mức chiết khấu tiếp tục tăng sau khi quy định giới hạn giá có hiệu lực, nhưng nó chưa bao giờ vượt quá mức đạt được trong những tháng đầu tiên sau cuộc xung đột của Nga với Ukraine và không lâu sau đó nó bắt đầu thu hẹp trở lại.
Mức giảm giá lớn nhất tương ứng với những giai đoạn không có đủ những con tàu sẵn sàng vận chuyển dầu thô của Nga. Nhưng kể từ cuộc xung đột, một loạt các nhà khai thác tàu chở dầu mới đã gom một đội tàu cũ, nhiều chiếc trong số đó trước đây đã được bán làm phế liệu, để vận chuyển dầu của Nga. Những chiếc tàu chở dầu cũ rỉ sét này đã làm dấy lên mối lo ngại của Liên Hợp Quốc về nguy cơ xảy ra các vụ tràn dầu lớn. Các quan chức Liên Hợp Quốc cũng lo lắng về hành vi mà một số tàu đã áp dụng là tắt bộ tiếp sóng báo hiệu vị trí của mình và chuyển hàng hóa từ tàu này sang tàu khác.
Vì đội tàu này vận chuyển tỷ lệ ngày càng lớn hơn các chuyến hàng dầu của Moscow, nên mức chênh lệch giữa dầu Nga so với các loại dầu quốc tế khác - thước đo chính cho chính sách mức trần giá - đã thu hẹp.
Và mặc dù mục đích của nó rất đáng khen ngợi nhưng cơ chế giới hạn giá lại thiếu hiệu quả.
Chủ tàu chỉ cần có bản khai của chủ hàng rằng lô hàng đã được mua ở mức giá dưới mức trần. Nhưng họ không muốn kiểm tra và không có cách nào để biết những gì viết trong bản khai có đúng hay không. Không có khả năng thực tế rằng người bán hoặc người mua sẽ bị phát hiện nếu bản khai là sai.
Kết quả là mức giới hạn giá không được thực thi. Khoảng 40% tàu vận chuyển dầu thô từ các cảng Biển Baltic và Biển Đen của Nga thuộc sở hữu của các công ty có trụ sở tại các quốc gia đã đăng ký tuân theo giới hạn giá. Một số lượng lớn tàu vẫn có bảo hiểm được chuyển qua London.
Việc điều chỉnh trần giá đến mức gần với giá thị trường có thể khiến một số lô hàng được giao dịch dưới mức giới hạn mới, nhưng sẽ không hạn chế được thu nhập của Điện Kremlin. Cải thiện việc thực thi giới hạn giá và cấm các tàu cũ sẽ làm giảm nguy cơ tràn dầu, nhưng dường như không có bất cứ ý định nào nhằm cản trở dòng dầu của Nga.
Với giá dầu thô giao dịch gần 95 USD/thùng, tăng khoảng 27% kể từ cuối tháng 6, điều đó không có gì ngạc nhiên.
Việc dỡ bỏ giới hạn sẽ không tạo ra sự khác biệt nào đối với lượng dầu thô của Nga trên thị trường - nó sẽ lưu thông giống như trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine. Với số lượng tàu có đủ để chở toàn bộ lượng dầu đó, điều đó khó có thể tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với giá dầu. Điều bị ảnh hưởng là chất lượng của các tàu được sử dụng để vận chuyển dầu và ai là người kiếm được phí để thực hiện việc đó.
Nếu các nhà vận chuyển từ phương Tây được phép vận chuyển và mua bảo hiểm cho hàng hóa của Nga, một phần lớn giao dịch có thể sẽ quay trở lại các tàu được bảo hiểm phù hợp, bảo trì tốt và kiểm tra nghiêm ngặt. Các nhà chức trách nhìn chung thận trọng với việc cho phép các tàu cũ vào cảng của họ - một số tàu đã buộc phải đợi nhiều tuần trước khi được phép dỡ các lô hàng của Nga xuống Ấn Độ và Trung Quốc.
Những tàu chở dầu lâu đời nhất hiện đang tham gia hoạt động thương mại với Nga sau đó có thể sẽ bị bán thành phế liệu, ngăn chặn một thảm họa môi trường không thể tránh khỏi nếu chúng tiếp tục vận chuyển dầu thô.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của ông Julian Lee, một nhà chiến lược dầu mỏ của Bloomberg First Word, từng là nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng toàn cầu (Centre for Global Energy Studies).
Nguồn:Mức trần giá dầu Nga: Đã đến lúc loại bỏ