Năm 2023, nhóm doanh nghiệp nhà Xuân Thiện kinh doanh ra sao?
Tập đoàn Xuân Thiện cùng các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái kinh doanh thua lỗ
Tại ngày 8/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Cbonds.HNX) vừa đăng tải văn bản của CTCP Ea Súp 3 công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023.
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Ea Súp 3 ghi nhận hơn 5.529 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng nói, năm 2023, Ea Súp 3 lỗ sau thuế hơn 31 tỷ đồng trong khi năm 2022 chỉ lỗ gần 3 tỷ đồng. Do kết quả kinh doanh bết bát khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) âm 0,56% trong khi năm 2022 âm 0,05%.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ 0,36 xuống 0,34 lần, tương ứng số dư nợ phải trả ở thời điểm cuối năm 2023 ở mức khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu giảm từ 0,27 lần hồi đầu năm xuống 0,232 lần, tương ứng số dư nợ trái phiếu tính đến cuối năm 2023 ở mức gần 1.300 tỷ đồng.
Đáng nói, tại công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022 đăng tải trên Cbonds.HNX vào ngày 6/4/2023, CTCP Ea Súp 3 báo lãi sau thuế năm 2022 đạt hơn 28,4 tỷ đồng. Trong khi đó, tại công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 vào ngày 19/3/2023 lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 lỗ gần 3 tỷ. Có thể thấy, số liệu tại doanh nghiệp này không đồng nhất.
Nguồn: Cbonds.HNX |
Thống kê trên Cbonds.hnx tính đến ngày 8/4/2024, Ea Súp 3 còn hơn 3.000 trái phiếu đang lưu hành của các mã: EASUP3.2020.9Y còn 1.062 trái phiếu, EASUP3.2020.12Y còn 975 trái phiếu và EASUP3.2020.11Y còn 1.143 trái phiếu với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Hiện 3 mã trái phiếu trên đều được lưu ký tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội với lãi suất phát hành 10,6%/năm.
Trước đó, ngày 2/4 trên HNX công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 của CTCP Tập đoàn Xuân Thiện cũng không mấy lạc quan.
Theo đó, năm 2023, Tập đoàn Xuân Thiện lỗ sau thuế gần 107 tỷ đồng trong khi năm 2022 lãi gần 22 tỷ. Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu đạt hơn 5.869 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm.
Kết quả kinh doanh thua lỗ đã khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) cũng “đảo chiều”, từ mức 0,36 lần năm 2022 sang -1,82 lần năm 2023.
Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2023 ghi nhận ở mức 0,4 lần, tương ứng số dư nợ phải trả là 2.270 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2022. Như vậy, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt khoảng 8.140 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tại Tập đoàn Xuân Thiện tính đến cuối năm 2023 đã được đưa về 0, tức doanh nghiệp “sạch” nợ trái phiếu.
CTCP Xuân Thiện Yên Bái cũng ghi nhận một năm kinh doanh thảm hại khi lỗ sau thuế gần 26 tỷ đồng trong khi năm 2022 lãi lên tới 160 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu đạt hơn 3.034 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Do kinh doanh thua lỗ nên tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu “đảo chiều” từ mức 0,05% năm 2022 chuyển sang -0,009% năm 2023.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,77 lần (tương ứng hơn 2.350 tỷ đồng) hồi đầu năm xuống 0,75 lần (tương ứng gần 2.300 tỷ đồng) vào thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 0,16 lần hồi đầu năm xuống 0 lần vào thời điểm cuối năm 2023, tức Xuân Thiện Yên Bái “sạch” nợ trái phiếu.
Xuân Thiện Đắk Lắk và CTCP Ea Súp 1 lãi khiêm tốn
Cũng trong ngày 8/4, CTCP Ea Súp 1 cũng công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 trên HNX.
Cụ thể, năm 2023, Ea Súp 1 thu về hơn 5,5 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm tới 48% so với năm 2022. Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 813,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, do kết quả kinh doanh ảm đạm khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm còn 0,68% trong khi năm 2022 đạt 1,32%.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Ea Súp 1 tăng từ 2,36 lần hồi đầu năm lên 2,86 lần vào thời điểm cuối năm 2023, tương ứng số dư nợ phải trả hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ghi nhận giảm mạnh từ 1,86 lần hồi đầu năm xuống còn 0,003 lần vào thời điểm cuối năm 2023.
Trước đó, ngày 26/3, một thành viên của Tập đoàn Xuân Thiện là Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk (Xuân Thiện Đắk Lắk) - doanh nghiệp hiện đang sở hữu Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á cũng công bố thông tin đình kỳ về tình hình tài chính năm 2023 trên HNX với kết quả kinh doanh ảm đạm.
Theo đó, năm tài chính 2023, Xuân Thiện Đắk Lắk ghi nhận lợi nhuận sau thuế khiêm tốn 707 triệu đồng, chưa bằng 1/10 lãi ròng đạt được ở năm 2022 (8,8 tỷ đồng).
Năm 2023 lợi nhuận sau thuế đạt 707 triệu đồng. |
Tính đến thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Xuân Thiện Đắk Lắk đạt 1.165 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ 3,5 lần hồi đầu năm xuống 3,23 lần, tương ứng số dư nợ phải trả đạt 3.764 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 1,78 lần hồi đầu năm xuống 1,22 lần, tương ứng số dư nợ trái phiếu đạt 1.421 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2023.
Kết quả kinh doanh kém sắc, khiến Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2023 chỉ đạt 0,06%, con số này ở năm 2022 là 0,8%.
Dự án điện mặt trời tại Đắk Lắk. (Ảnh: Tập đoàn Xuân Thiện). |
Tất cả các đơn vị kể trên đều là thành viên của Tập đoàn Xuân Thiện, cơ nghiệp vạn tỷ của doanh nhân Nguyễn Văn Thiện, người con cả của đại gia Nguyễn Xuân Thành, bên cạnh hai người em trai là Nguyễn Đức Thụy - "bầu Thụy" và Nguyễn Xuân Thủy.
Tập đoàn Xuân Thiện thành lập từ năm 2000 với hệ sinh thái nhiều công ty thành viên. Tập đoàn hoạt động đa ngành với nhiều lĩnh vực như vật liệu xây dựng; nông nghiệp công nghệ cao; logistics; bất động sản; khách sạn nghỉ dưỡng... Trong đó mũi nhọn là mảng năng lượng tái tạo. Xuân Thiện đang sở hữu 13 nhà máy thủy điện, 7 nhà máy điện mặt trời và một trung tâm thí nghiệm.
Nguồn: Năm 2023, nhóm doanh nghiệp nhà Xuân Thiện kinh doanh ra sao?