Nam Định nâng cao hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn
Nâng cao hiệu quả triển khai phân loại rác thải tại nguồn Yên Bái: Huyện Trấn Yên triển khai mô hình điểm phân loại rác thải tại nguồn |
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định cho biết, trong 204 xã, thị trấn, có hơn 100 xã sử dụng lò đốt rác tập trung, còn lại là khu chôn lấp. Ở nhiều nơi, bãi chôn lấp đã hết diện tích, trong khi lò đốt sau nhiều năm cũng xuống cấp, cần chi phí cải tạo, nâng cấp rất lớn. Cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng về mức sống đã làm gia tăng chất thải rắn phát sinh cả về số lượng và thành phần tính chất, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt. Do vậy, công tác quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có nhiệm vụ phân loại rác tại nguồn được địa phương này đẩy mạnh triển khai.
UBND tỉnh Nam Định quan tâm đến công tác triển khai các hoạt động này thông qua việc ban hành các đề án, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện. Cụ thể như: Đề án Quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2020-2025 (Quyết định số 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020); Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 12/01/2021 của UBND tỉnh về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Kế hoạch thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh năm 2021 Hướng dẫn số 2528/HD-STNMT ngày 24/8/2020 về phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý chất thải rắn hữu cơ nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải phát sinh đưa về các khu xử lý rác thải tập trung…
Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở khu vực thị tứ, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: TK. |
Đến nay toàn tỉnh có 195/226 xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện các mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Các địa phương triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã thực hiện thí điểm tại các hộ gia đình cán bộ nòng cốt như: Bí thư, xóm trưởng, Chi hội Trưởng các Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... và một số hộ dân.
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Nam Định cho biết: Hoạt động phân loại rác tại nguồn được tỉnh triển khai từ sớm theo Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Hiện có nhiều mô hình linh hoạt, nổi bật, đang được áp dụng hiệu quả như: Mô hình "Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" ở xã Hải Lý (huyện Hải Hậu); "Hố rác hữu cơ di động" ở xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường), xã Nam Cường (huyện Nam Trực)…; hay mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình" ở xã Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng). Các mô hình phân loại rác tại nguồn giúp giảm khoảng 40-50% lượng rác thải ra môi trường, giảm áp lực thu gom, xử lý cho các địa phương.
Hiện nay, tại tỉnh Nam Định, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt. Việc giảm thiểu rác hữu cơ tại nguồn đã góp phần giảm áp lực xử lý cũng như giảm thiểu mùi phát sinh tại khu xử lý rác thải quy mô cấp xã hiện có (các bãi chôn lấp và lò đốt rác). Đặc biệt, việc xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn đã làm tăng tuổi thọ của các khu xử lý rác thải trong giai đoạn hiện nay, khi khối lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều mà địa phương chưa thể đầu tư ngay các khu xử lý rác thải quy mô vùng, liên xã, huyện.
Năm 2022, tỷ lệ rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt 89,5%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thành phố Nam Định đạt khoảng 95%. Công tác thu gom, xử lý rác thải có nhiều chuyển biến tích cực, xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được khuyến khích; trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp tham gia công tác thu gom xử lý rác thải và vận hành có hiệu quả.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Toàn tỉnh mới có một số ít đơn vị tiêu biểu đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn như các xã Yên Cường (Ý Yên), Hải Lý (Hải Hậu). Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại, tái chế thành tài nguyên bán được và nguồn thu này cho người dân tái sử dụng để tiếp tục phân loại rác tại nguồn và giúp địa phương giảm chi phí cải tạo công trình xử lý rác thải.
Hầu hết các địa phương chưa thực hiện đồng bộ các công đoạn sau khi người dân đã phân loại rác, cụ thể là chưa thu gom, vận chuyển, xử lý theo từng loại rác đã được phân loại. Kinh phí để thực hiện phân loại rác tại nguồn còn hạn chế, hầu hết còn mang tính chất tận dụng. Chưa có chính sách hỗ trợ rõ rệt, thiết thực khuyến khích những hộ dân tham gia thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, chẳng hạn giảm mức nộp phí dịch vụ thu gom, xử lý rác thải so với các hộ khác nên thiếu động lực để duy trì.
Ngành chức năng tỉnh khuyến khích các địa phương nhân rộng các mô hình phân loại rác thải nguồn hiệu quả. Ảnh: DH. |
Thời gian tới, bên cạnh việc đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải liên huyện, liên vùng, tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn đến tất cả các xã, thị trấn, coi đây là nội dung quan trọng trong thực hiện tiêu chí về môi trường của quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nam Định, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, đối với cấp chính quyền, địa phương, cần có sự chung tay, vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị cho công tác quản lý chất thải rắn; bố trí kinh phí để thực hiện duy trì và nhân rộng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn; chỉ đạo và điều hành của cấp ủy các cấp để triển khai đồng bộ, có hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại nguồn; giao các tổ chức chính trị, đoàn thể triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong toàn tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết của phân loại rác thải tại nguồn, hình thành thói quen phân loại rác và biến rác thải thành nguồn tài nguyên; tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ làm công tác môi trường của các xã, thị trấn.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến khích các huyện, thành phố chú trọng bố trí nhân lực, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường; tiếp tục phát huy vai trò của các đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân trong phối hợp triển khai và duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình phân loại rác tại nguồn; đẩy nhanh tiến độ phủ kín mô hình tại tất cả các thôn xóm, tổ dân phố đảm bảo thực chất. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phải đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thiết bị từ thu gom, vận chuyển và xử lý rác, đáp ứng yêu cầu phân loại rác tại nguồn. Về phía các hộ gia đình, cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm tải rác thải phải xử lý, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn.
Nguồn:Nam Định nâng cao hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn