Nâng cao chất lượng môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh
Triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 Tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh |
Cùng với việc công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), lần đầu tiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022. Theo đó nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương về môi trường kinh doanh xanh dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh với các tiêu chí: Mức độ thích ứng với biến đổi khí hậu; mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác. Tương tự PCI, PGI có tính kết nối rõ ràng với các chính sách của địa phương và trên cơ sở này thúc đẩy sự cải thiện chính sách và thực thi chính sách phát triển xanh ở cấp tỉnh.
PGI đo lường các tiêu chí nêu trên thông qua 4 chỉ số thành phần đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố, gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (đánh giá việc cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của chính quyền cấp tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong chuẩn bị, ứng phó, giảm thiểu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh); Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (đo lường mức độ hiệu quả của việc giám sát và thực thi quy định môi trường do chính quyền cấp tỉnh thực hiện nhằm giảm thiểu các tác hại môi trường gây ra bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp);
Thúc đẩy thực hành xanh (đo lường mức độ lồng ghép các mục tiêu môi trường vào trách nhiệm quản lý nhà nước, các thực hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “xanh hóa”); Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (đánh giá các chính sách và dịch vụ hỗ trợ được chính quyền tỉnh áp dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp có các hành vi và quyết định tạo ra tác động môi trường tích cực).
Tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững theo hướng đầu tư xanh. |
Theo bảng xếp hạng PGI năm 2022, Bình Thuận đạt 12,75 điểm và đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể các chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu xếp thứ 30/63 tỉnh, thành; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu xếp thứ 63/63 tỉnh thành; Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường xếp thứ 56/63 tỉnh, thành.
Với kết quả này, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nỗ lực cải thiện thứ bậc xếp hạng PGI năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp các sở ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ môi trường, kiểm tra giám sát chặt chẽ cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn Bình Thuận. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Cụm công nghiệp Chế biến hải sản Phú Hài, các trang trại chăn nuôi heo, khu vực sông Giêng giáp ranh giữa Bình Thuận - Đồng Nai. Ngoài ra, tích cực đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của chủ dự án sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát, hướng dẫn doanh nghiệp, đảm bảo tất cả dự án thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường phải được cấp giấy phép đúng thời điểm theo quy định của pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tiếp tục cập nhật thông tin, dữ liệu về các hồ sơ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đặc biệt trên lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Kiểm tra, xử lý kịp thời đối với điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép, khu vực mỏ thực hiện khai thác không đúng quy định, nhất là các mỏ titan và trường hợp mỏ chưa thực hiện đầy đủ hồ sơ thủ tục theo quy định…Ngoài ra, ngành chức năng còn quan tâm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách, quy định về môi trường để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin.
Sở Khoa học và Công nghệ sẽ xúc tiến phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với đơn vị sản xuất các sản phẩm lợi thế ở địa phương và hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, doanh nghiệp. Đối với sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thì tập trung triển khai đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp bảo vệ môi trường. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường và kiểm tra, giám sát chặt chẽ những điểm nóng có nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn Bình Thuận. Song song đó cũng cần quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải, chất thải…
Sở TN&MT Bình Thuận chủ trì phối hợp các sở ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ môi trường, kiểm tra giám sát chặt chẽ cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn. |
Trong năm 2022, Chỉ số PCI Bình Thuận năm 2022 được thực hiện dựa trên điều tra cảm nhận của 123 trên 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 91 doanh nghiệp tư nhân trong nước, 30 doanh nghiệp thành lập mới và 2 doanh nghiệp FDI. Theo công bố của VCCI, năm 2022, Chỉ số PCI Bình Thuận đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố, giảm 1,57 điểm, giảm 21 bậc so với năm 2021. Trong đó, có 05/10 tiêu chí tăng điểm và tăng bậc là: Gia nhập thị trường; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng và chính sách đào tạo lao động. Tuy nhiên, còn có 04/10 tiêu chí vừa giảm điểm, giảm bậc, như: Tiếp cận đất đai; tính minh bạch; tính năng động của chính quyền tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, có 01 tiêu chí tăng điểm nhưng giảm bậc là thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (đứng thứ 63).
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện các Chỉ số PCI, PGI năm 2023 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Bên cạnh đó, thực hiện nhất quán chủ trương “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.
Nguồn:Nâng cao chất lượng môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh