Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Bình Định: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt 90% Xử lý rác thải đô thị: Bao giờ thay thế chôn lấp lạc hậu, kém vệ sinh? |
Theo Sở TN&MT, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.048 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 564,75 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 483,38 tấn/ngày. Hiện mỗi ngày toàn tỉnh thu gom, xử lý được 705,23 tấn/ngày, tương đương 67,3% tổng lượng rác phát sinh. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, tuy nhiên theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường nhiệm vụ này vẫn đang gặp phải một số khó khăn như nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, chưa đồng bộ, năng lực quản lý CTRSH còn nhiều hạn chế. Ngoài thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn có năng lực thu gom rác thải tương đối tốt, các địa phương còn lại, đặc biệt là ở vùng ven biển, miền núi… khả năng thu gom, xử lý rác thải chưa cao, và điều này ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khu vực đó khá nhiều.
Theo dự báo của Sở TN&MT, lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh tăng 5%/năm, đến năm 2025, lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ vào khoảng 1.200 tấn/ngày. Trước áp lực trong công tác xử lý rác thải nhằm hạn chế tối đa những tác động tới chất lượng môi trường, đòi hỏi tỉnh cần phải đầu tư nhiều hơn từ hạ tầng, quy mô thu gom đến phương tiện, công nghệ xử lý rác. Trước thực tế trên, Sở TN&MT đang dự thảo Đề án quản lý CTRSH tỉnh Bình Định đến năm 2025 và gửi các sở, ngành, địa phương góp ý, thống nhất trình UBND tỉnh ban hành vào cuối năm nay.
Sở TN&MT tỉnh Bình Định tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Bình Định đến năm 2025. Ảnh: ĐP |
Đề án là cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp triển khai các nhiệm vụ, dự án ưu tiên để nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH theo luật định; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom CTRSH khu vực đô thị đạt 90% và nông thôn đạt 80% theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050…
Trước đó, tại Kế hoạch số 15/KH-UBND triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025: Giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 10% đối với thành phố Quy Nhơn; giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30% (trong tổng lượng rác được thu gom) đối với các huyện, thị xã. Thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 100% đối với thành phố Quy Nhơn và 90% đối với đô thị khác; thu gom và xử lý 80% chất thải rắn nông thôn; 100% số xã được đơn vị có chức năng thu gom rác thải.
Việc đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý rác thải là nhiệm vụ được nhấn mạnh trước sự gia tăng khối lượng chất thải trên địa bàn (Ảnh minh họa) |
Để thực hiện Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 08/02/2021 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng tài liệu hướng dẫn phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa) để phổ biến cho các địa phương, cơ quan, đoàn thể triển khai thực hiện. Rà soát, hoàn thiện các quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác thải tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới, không đầu tư các lò đốt không phù hợp với quy định lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, ban hành Ðề án tăng cường năng lực thu gom rác thải khu vực nông thôn, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phân loại rác thải tại nguồn...Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng danh mục dự án, đề xuất tỉnh phê duyệt, công bố để kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn có công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Nguồn: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt