Nâng cao hiệu quả công tác thể dục, thể thao ở Việt Nam hiện nay
Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam - Bài 3: Phế, phụ phẩm nông nghiệp – "Mỏ vàng" bị lãng quên Nhiều doanh nghiệp lớn cùng cam kết xây dựng Việt Nam xanh |
1. Đặt vấn đề
Tuyên truyền, vận động Nhân dân rèn luyện sức khỏe là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Người chỉ rõ: “Dân cường thì quốc thịnh”1, sức khỏe của Nhân dân là một trong những yếu tố quyết định tới sự hưng thịnh hoặc suy vong của đất nước, bởi vì: “mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”2, “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”3. Đồng thời, Người cho rằng: “Chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao rộng khắp”4.
Nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, công tác thể dục, thể thao luôn là một chủ trương lớn. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thể thao học đường, Đảng và Nhà nước ta cũng chủ trương phát triển thể thao thành tích cao; đồng thời, chú trọng công tác rèn luyện sức khỏe và các phong trào thể dục, thể thao cho các đối tượng đặc thù, như: người yếu thế, người khuyết tật. Trong thời gian qua, công tác thể dục, thể thao của Việt Nam đã có những khởi sắc, song cũng tồn tại nhiều hạn chế. Chính vì vậy, nghiên cứu quan điểm chỉ đạo của Đảng và vận dụng vào thực tiễn công tác thể dục, thể thao ở nước ta hiện nay là yêu cầu cấp thiết.
2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thể dục, thể thao
Thể dục, thể thao là công tác có ý nghĩa quan trọng trong việc rèn luyện, tăng cường sức khỏe cho Nhân dân, đồng thời, phát triển các phong trào thể dục, thể thao góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phát triển thể dục, thể thao nhằm bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người một cách toàn diện trong xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Trong đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác thể dục, thể thao được đề cập khá sớm ngay từ khi mới thành lập, tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện dần cùng với sự phát triển của Đảng cũng như thực tiễn phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao của nước nhà trong từng giai đoạn lịch sử. Những quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thể dục, thể thao là kim chỉ nam, định hướng cho sự phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức được tầm quan trọng của công tác thể dục, thể thao, xem đây là một trong những yếu tố để phát huy sức mạnh con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, công tác thể dục, thể thao lại càng được chú trọng và được đặt ra như một yêu cầu cấp bách.
Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, thể dục, thể thao được Đảng đặc biệt quan tâm. Trải qua các kỳ đại hội của Đảng, các quan điểm chỉ đạo đối với công tác thể dục, thể thao ngày càng được thể hiện rõ nét và toàn diện, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Đại hội Đảng lần thứ X (4/2006) có chủ trương: “đẩy mạnh hoạt động thể dục, thể thao cả về quy mô và chất lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển thể dục, thể thao. Phát triển mạnh thể thao quần chúng, thể thao nghiệp dư… Làm tốt công tác giáo dục thể chất trong trường học. Mở rộng quá trình chuyên nghiệp hóa thể thao thành tích cao. Đổi mới và tăng cường hệ thống đào tạo vận động viên trẻ”5.
Đồng thời, Đại hội X của Đảng yêu cầu: “phải tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước và tăng cường công tác xã hội hóa quản lý, hoạt động thể dục, thể thao nhằm khuyến khích các tổ chức ngoài công lập tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, đầu tư kinh doanh cơ sở luyện tập, thi đấu. Phân định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các tổ chức liên đoàn, hiệp hội thể thao. Chuyển giao hoạt động tác nghiệp về thể thao cho các tổ chức xã hội và các cơ sở ngoài công lập thực hiện”6.
Những chủ trương quan trọng của Đại hội X về công tác thể dục, thể thao đã mở ra hướng phát triển mới cho sự nghiệp thể dục, thể thao. Tiếp đó, Đại hội Đảng lần thứ XII (01/2016) nhấn mạnh: “Đầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước”, do vậy, để phát triển thể dục, thể thao cần “tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn”7.
Trong thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Đại hội XIII (01/2021) nhấn mạnh: “đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống”8; đồng thời, yêu cầu: “gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”9. Chủ trương nhất quán của Đại hội XIII là: thực hiện tốt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030”. Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để tăng cường sức khỏe của Nhân dân, làm cơ sở cho phát triển thể dục, thể thao thành tích cao”10 và “đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao toàn dân, thể thao trong cộng đồng; tập trung phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể”11.
Như vậy, quan điểm của Đảng về thể dục, thể thao là nhất quán, xuyên suốt nhằm bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người một cách toàn diện trong xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
3. Thực trạng công tác thể dục, thể thao ở nước ta hiện nay
a. Những kết quả đạt được
Những năm qua, công tác thể dục, thể thao đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể:
Một là, nhận thức về vai trò của thể dục, thể thao trong việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân và công tác thể dục, thể thao của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội được nâng lên; nhờ vậy, công tác chỉ đạo, lãnh đạo và quản lý các hoạt động thể dục, thể thao được tăng cường. Tại nhiều địa phương trong cả nước cũng như tại các cơ quan, đơn vị, việc phát triển các phong trào thể dục, thể thao được thực hiện thường xuyên, tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, không khí vui tươi trong Nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Hai là, việc phát triển các phong trào thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở được mở rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thi đấu và cổ vũ. Phong trào vận động người dân tham gia rèn luyện sức khỏe được đẩy mạnh tại các địa phương, các cơ quan, đơn vị, khu dân cư… Tiêu biểu, như cuộc vận động: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”; Phong trào “Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước”; … tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khỏe.
Ba là, việc phát triển các phong trào thể dục, thể thao cho các đối tượng người yếu thế, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chú trọng, chất lượng các phong trào thể dục, thể thao quần chúng ngày càng được nâng lên. Ngoài ra, các câu lạc bộ dưỡng sinh của người cao tuổi, các câu lạc bộ thể dục, thể thao trong toàn xã hội, nhất là việc chú trọng khôi phục, phát triển các bộ môn thể dục, thể thao truyền thống được quan tâm, các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền, các trò chơi dân gian tiếp tục được phát triển mạnh mẽ. Số lượng người tập thể dục, thể thao thường xuyên, số câu lạc bộ thể dục, thể thao gia tăng mạnh theo từng năm. Cụ thể, năm 2023, “số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 36,7%; số gia đình tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 27,7% tổng số hộ”12.
Bốn là, công tác giáo dục thể chất học đường có nhiều chuyển biến tích cực, việc đầu tư hạ tầng vật chất, như: sân bãi, dụng cụ tập luyện, thi đấu trong các cơ sở giáo dục từ phổ thông lên đại học, học viện, các trường cao đẳng, trung cấp được quy hoạch và đầu tư xây dựng đầy đủ. Cùng với đó, việc phát triển thể dục, thể thao thành tích cao luôn được chú trọng và thực tiễn đã ghi nhận những kết quả quan trọng góp phần nâng tầm thể dục, thể thao Việt Nam trong khu vực, điều này được thể hiện qua số lượng, cơ cấu của các huy chương mà thể dục, thể thao Việt Nam giành được tại các kỳ đại hội trong khu vực và thế giới. Đồng thời, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện thể dục, thể thao lớn, như: các kỳ SEA Games và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD).
Việt Nam đã chú trọng đầu tư phát triển các bộ môn thể dục, thể thao thành tích cao là thế mạnh, có khả năng cạnh tranh với thể thao khu vực, châu lục và thế giới, phù hợp với thể chất của người Việt Nam. Việc lựa chọn vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ quản lý cũng như công tác tổ chức huấn luyện được tổ chức bài bản, khoa học, đúng người, đúng sở trường.
Năm là, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các hoạt động thể dục, thể thao được tiếp tục nâng cấp, đầu tư xây dựng mới từ trung ương đến cơ sở đáp ứng tốt hơn nhu cầu tập luyện của các đội tuyển cũng như của Nhân dân. Công tác xã hội hóa các nguồn lực phát triển thể dục, thể thao được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất. Công tác hội nhập quốc tế về thể dục, thể thao được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế của thể dục, thể thao Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế.
Những kết quả trên đã góp phần khẳng định vị thế của ngành Thể dục, thể thao Việt Nam trong đời sống của người dân. Thể hiện sự phấn đấu nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội và người dân trong công tác thể dục, thể thao.
b. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả, công tác thể dục, thể thao ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục:
(1) Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về công tác thể dục, thể thao tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác thể dục, thể thao nên trong chỉ đạo, lãnh đạo chưa kịp thời, đầy đủ.
(2) Việc phát triển các phong trào thể dục, thể thao quần chúng mặc dù được chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao, chưa sâu rộng và chưa thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Giáo dục thể chất học đường được đầu tư phát triển nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
(3) Công tác vận động xã hội hóa phát triển thể dục, thể thao vẫn còn những hạn chế dẫn đến các nguồn lực đầu tư cho thể dục, thể thao còn hạn hẹp, do vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường cũng như ở khu dân cư còn thiếu thốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của Nhân dân. Lực lượng cộng tác viên, hướng dẫn viên thể dục, thể thao cơ sở còn thiếu, mỏng…
4. Một số đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thể dục, thể thao hiện nay
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác thể dục, thể thao. Quan tâm đặc biệt công tác tuyên truyền cho người dân ở vùng sâu, vùng xa về lợi ích và các bài tập luyện thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe.
Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất học đường; tiếp tục triển khai có hiệu quả “Ðề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học”; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao, chú trọng đội ngũ kế cận có chất lượng; phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố. Tiếp tục mở rộng quy mô và hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo vận động viên các môn thể thao, nhất là những môn thể thao trọng điểm.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động thể dục, thể thao quần chúng thông qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh. Phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động thể dục thể thao; chú trọng phát triển thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thể dục thể thao. Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thể dục,thể thao, nhất là thể dục, thể thao cơ sở; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác thể dục thể thao. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết tại các cấp, các ngành, các địa phương. Chính phủ cùng các cơ quan quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thể dục, thể thao, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực này. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thể dục thể thao quần chúng và đẩy mạnh công tác đào tạo cộng tác viên là cán bộ đoàn, hội phụ nữ, người cao tuổi về phát triển các câu lạc bộ thể dục, thể thao nhằm hướng dẫn người dân tập luyện.
Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức phong trào thể dục, thể thao để khuyến khích Nhân dân tích cực rèn luyện sức khỏe, có đời sống lành mạnh; dành nguồn lực nhất định để đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục, thể thao của người khuyết tật. Đầu tư hơn nữa về lãnh đạo, chỉ đạo, cơ sở vật chất, phương pháp tổ chức rèn luyện… cho thể thao thành tích cao. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và các thiết bị cần thiết huấn luyện, thi đấu, tạo dựng phong trào tập luyện ở cơ sở, làm nền tảng sâu rộng và nguồn lực cho sự phát triển của thể thao đỉnh cao, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thể thao Việt Nam là đầu tư chuẩn bị lực lượng thi đấu, không chỉ cho một vài kỳ giải hay đại hội khu vực mà còn cần nhìn xa hơn đến các sân chơi lớn.
5. Kết luận
Quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển thể dục, thể thao đã tạo thuận lợi cho những người làm công tác thể dục, thể thao phấn đấu xây dựng nền thể dục, thể thao Việt Nam phát triển và tiến bộ, mang đậm tính dân tộc, khoa học, đại chúng và Nhân dân. Quan điểm của Đảng về phát triển thể dục, thể thao đã đặt nền tảng cơ bản về xây dựng tổ chức, về hoạt động thể dục, thể thao qua các thời kỳ, hướng thể dục, thể thao phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao sức khỏe cho Nhân dân, rèn luyện con người mới phát triển toàn diện. Để xây dựng nước Việt Nam hùng cường, mỗi người dân phải ý thức được rằng, việc ra sức luyện tập thể dục, thể thao tăng cường sức khỏe và nâng cao ý thức chính trị, tình cảm cao đẹp là trách nhiệm và nghĩa vụ của chính mình.
Chú thích:
1, 2, 3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 241, 241, 241.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 542.
5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 220, 221.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 127.
8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 136, 136, 152.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 142.
12. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2023). Những kết quả ghi nhận trong phong hoạt động thể dục thể thao cho mọi người năm 2023. https://bvhttdl.gov.vn/nhung-ket-qua-ghi-nhan-trong-phong-hoat-dong-the-duc-the-thao-cho-moi-nguoi-nam-2023-20231227170056394.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2019). Nghị định số 36/2019/NĐ-CP: Quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
2. Quốc hội (2006). Luật Thể dục, thể thao năm 2006 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2011, 2018).
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong các lĩnh vực xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/07/25/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dan-chu-trong-cac-linh-vuc-xa-hoi-va-su-van-dung-o-viet-nam-thoi-ky-doi-moi/
Nguồn: Nâng cao hiệu quả công tác thể dục, thể thao ở Việt Nam hiện nay