Nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường biển-rừng Phú Quốc
Bắc Giang: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới Tây Ninh: Nâng cao ý thức phát triển du lịch |
Xả rác như một thói quen
Phú Quốc được biết đến như là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, nơi được mệnh danh là đảo ngọc, bởi những bờ cát trắng trải dài bên bãi biển xanh biết, hòa cùng mây trắng nắng vàng dường như có thể dễ dàng làm say lòng mọi du khách. Tuy nhiên đáng buồn thay, không phải ai cũng ý thức được việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ấy, điều đó dẫn đến thực trạng đổ và xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Và xa hơn nữa ngày qua ngày những hành vi ấy đang bức tử môi trường, vẻ đẹp nên thơ vốn ở nơi đây.
Điển hình như quanh đảo Hòn Rỏi hay tại bến phà An Thới thuộc xã An Thới, Phú Quốc, nơi du khách lựa chọn để di chuyển qua các đảo nhỏ, nhưng chỉ cần nhìn xuống đáy nước du khách có thể dễ dàng bắt gặp vô số các mảnh rác thải nilon, pin thải (một chất thải rắn vô cùng nguy hiểm), trên mặt nước mảnh xốp, chai nhựa trôi lềnh bềnh, gây mất mỹ quan. Hình ảnh ấy lại càng rõ nét tại các ven bờ quanh khu vực có hộ dân sinh sống hay tại những điểm bán hàng ăn xung quanh bến phà. Sau khi ăn uống no nê, họ thẳng tay vứt hộp xốp, chai lọ, thậm chí là những túi rác sinh hoạt xuống bờ biển mà không cần đắn đo, nói cách khác họ hành động như một thói quen thường ngày.
Chứng kiến hình ảnh kém ý thức ấy, những lữ khách chỉ đến và đi trên vùng đất xinh đẹp này không khỏi cảm thấy xót xa thay. Vì vậy, một vài du khách lên tiếng nhắc nhở, nhưng đáp lại những hộ dân hay những người bán hàng ăn lại tỏ ra phản ứng vì với họ việc vứt rác thẳng xuống bờ biển là điều hết sức bình thường.
Có thể nói đây là một hành động rất xấu xí, là một điểm trừ rất lớn trong mắt du khách. Và hơn hết, chính từ suy nghĩ “hiển nhiên, bình thường” ấy của một số người dân quanh bến phà đảo ngọc không sớm thì muộn sẽ hóa đảo rác.
Bên cạnh đó, để phát huy tối đa tiềm năng của Phú Quốc không ít những dự án lớn được đầu tư bài bản, giúp nâng tầm và thay đổi diện mạo nơi đây thì nay trên đảo cũng xuất hiện những dự án nhỏ lẻ, tự phát gây ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể, tại một số địa điểm thuộc xã Dương Tơ, Phú Quốc, phóng viên không khó bắt gặp hình ảnh cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang, vô tội vạ để làm nhà, làm chòi. Điều đáng nói, những cây bị đốn hạ đều thuộc rừng nguyên sinh cần phải bảo tồn để giữ nguồn nước ngọt cho cư dân sinh sống trên đảo.
Giải pháp nào cho việc kém ý thức
Để góp phần nâng cao ý thức người dân, du khách trong việc bảo vệ đảo ngọc, cũng như xử lý nghiêm các trường hợp bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng đến thiên nhiên, môi trường, việc lắp camera giám sát là điều cần thiết cho đảo Hòn Rỏi; xã An Thới nói chung và thành phố Phú Quốc nói riêng.
Điển hình như vừa qua, 6 camera được TP Phú Quốc và tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF - Việt Nam lắp đặt thí điểm ở chợ, sông Dương Đông phường Dương Đông, Phú Quốc trong khuôn khổ dự án “Giảm rác thải nhựa đại dương”.
Được biết, nếu vi phạm người dân sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng/lần nếu bỏ rác không đúng chỗ; hành vi chôn lấp chất thải rắn trái phép sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 1 tỉ đồng Ngoài ra, địa phương còn cho lắp đặt sân nổi gần nơi tàu thuyền neo đậu và lên xuống hàng, với chức năng như một thùng rác cỡ lớn, có thể chứa 9m3 (4 tấn) chất thải rắn. Người dân tự giác đưa rác đến sân nổi tập kết, hàng ngày rác sẽ được vận chuyển đi xử lý.
Bên cạnh đó để tăng cường ý thức của người dân, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục nhận thức, cho du khách và người dân địa phương hiểu về mối đe dọa của các sản phẩm nhựa dùng một lần đến môi trường sống, kinh tế và sức khỏe con người.
Trước hết nên bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Cùng với đó là thúc đẩy phân loại và tái chế rác thải nhựa, đồng thời tăng cường công tác quản lý, thu gom, xử lý và xóa bỏ các điểm nóng ô nhiễm rác thải nhựa.
“Chúng tôi cũng đi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân, tiểu thương, người dân địa phương hiểu thêm ý nghĩa của việc bỏ rác đúng nơi quy định. Mọi người cùng chung tay, chúng tôi nghĩ rác thải sinh hoạt ở Phú Quốc sẽ được kiểm soát tốt, môi trường ngày xanh - sạch - đẹp”, bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, quản lý Hợp phần Thủy sản và Khu bảo tồn biển WWF-Việt Nam chia sẻ.
Ngoài ra siết chặt quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, tuyên truyền để mọi người dân trên đảo chấp hành tốt quy định của pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, đất đai cũng là điều cần được quan tâm. Bởi rừng nơi đây vừa có tác dụng điều hoà khí hậu, chống xói mòn, lũ lụt vừa là nơi dự trữ nguồn nước ngọt vào mùa mưa để phục vụ cho cư dân sinh sống trên đảo vào mùa khô, đặc biệt là với những đảo lớn, đông dân như Phú Quốc.
Để có thể bảo vệ Phú Quốc khỏi những mối nguy đến từ rác thải, cùng với chính quyền địa phương các cấp, lối sống có ý thức, có trách nhiệm của mỗi người dân, du khách là điều hết sức quan trọng. Bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng không đơn giản là bảo vệ cảnh quan mà còn là bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của chính chúng ta, là sự trân quý những gì thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi đây. Vì vậy, rất cần sự chung tay của toàn dân.
Nguồn: Nâng cao hơn nữa ý thức người dân trong bảo vệ môi trường biển – rừng Phú Quốc