Năng lượng xanh gặp khó, điện khí LNG lên ngôi
Các khoản đầu tư vào nhiên liệu xanh không đáp ứng kỳ vọng. |
Đầu tư năng lượng xanh gây thất vọng
Nhiên liệu sinh học là khoản đầu tư năng lượng xanh mới nhất gây thất vọng. Điều này khiến triển vọng kinh doanh của các tập đoàn dầu khí châu Âu đổ dồn vào một nguồn năng lượng truyền thống: điện khí LNG.
Shell và BP từng đặt kỳ vọng cao vào nhiên liệu sinh học như diesel tái tạo và nhiên liệu hàng không bền vững và đổ hàng tỷ USD vào thị trường này. Nhưng theo các chuyên gia, mọi thứ đang gặp khó khăn.
Tuần trước, Shell ghi nhận khoản lỗ 780 triệu USD sau khi tạm dừng xây dựng một nhà máy ở Hà Lan – nơi từng được mong chờ sẽ trở thành một trong những cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học lớn nhất châu Âu. Tương tự, ông lớn BP cũng đã phải từ bỏ kế hoạch xây dựng hai trong số năm nhà máy nhiên liệu sinh học tiềm năng, mặc dù công ty cũng đã mua lại cổ phần của đối tác liên doanh tại Brazil là BP Bunge Bioenergia.
Sự dư thừa nhiên liệu sinh học, đặc biệt là nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, đang làm giảm biên lợi nhuận của các công ty châu Âu. Trước đó, Phần Lan và Thụy Điển cũng đã phải nới lỏng các quy định về lượng nhiên liệu tái tạo tối thiểu phải được pha trộn vào nhiên liệu vận tải hoặc dầu sưởi trong nỗ lực cắt giảm chi phí năng lượng.
Đây không phải là thất bại về năng lượng sạch duy nhất của Shell và BP. BP đã ghi nhận khoản lỗ 540 triệu USD đối với các trang trại điện gió ngoài khơi ở New York vào tháng 10 năm ngoái. Tập đoàn Shell buộc phải đóng cửa các trạm nhiên liệu hydro ở California vào đầu năm nay và bán doanh nghiệp năng lượng gia đình châu Âu vào năm ngoái.
Giám đốc điều hành Shell, Wael Sawan, đã tuyên bố trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh gần đây rằng khí LNG hiện là “giải pháp duy nhất đáng tin cậy cung cấp cả an ninh năng lượng và giảm lượng khí thải.” Theo ông, điện mặt trời và điện gió trên đất liền cũng đáp ứng các tiêu chí này, nhưng không ở quy mô hoặc mức độ lợi nhuận mà các tập đoàn dầu khí mong muốn.
Shell dự định sẽ tăng khối lượng LNG của công ty lên đến 30% trong thập kỷ này, thông qua các thương vụ mua lại như mua Pavilion Energy gần đây hoặc mua khối lượng của bên thứ ba. Công ty gần đây đã đầu tư vào dự án Ruwais LNG của ADNOC tại Abu Dhabi. Trong khi đó, BP cũng đang ký các thỏa thuận mua LNG khi họ cố gắng xây dựng một danh mục lên tới 30 triệu tấn LNG vào năm 2030.
LNG được xem là giải pháp được các doanh nghiệp trông đợi trong giai đoạn khó khăn hiện nay. |
LNG - giải pháp “tạm” thay thế
Lượng hàng lớn đó đang nhắm tới các quốc gia châu Á, nơi các quốc gia đang có xu hướng chuyển từ sử dụng than sang khí thiên nhiên để sản xuất điện. Một số ưu điểm của LNG có thể hấp dẫn các chính phủ. Khí hóa lỏng sạch hơn than khi tạo ra một nửa lượng khí thải carbon khi bị đốt cháy. Khí tự nhiên cũng có thể được sử dụng khi năng lượng tái tạo không ổn định được tạo ra từ gió và mặt trời không có sẵn.
Trong hai thập kỷ qua, việc chuyển đổi sang LNG đã giúp Mỹ giảm lượng khí thải tới gần 40% từ sản xuất điện, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng nước này.
Tuy nhiên, vẫn còn đó khó khăn khi ý tưởng dùng LNG như một nhiên liệu chính trong chuyển đổi sang năng lượng ít carbon hơn vẫn gây tranh cãi.
Các nhà sản xuất khí thiên nhiên gặp vấn đề lớn với rò rỉ và đốt bỏ khí metan. Quỹ Bảo vệ Môi trường gần đây đã phát hiện ra rằng lượng khí thải metan có thể cao gấp 4 lần so với ước tính trước đây. Metan không tồn tại lâu trong khí quyển như carbon dioxide, nhưng nó có khả năng làm nóng hành tinh gấp gần 80 lần, theo EDF.
Ngoài ra, tình trạng dư thừa LNG lại mang tới một vấn đề khác. Hàng trăm tỷ USD đã được đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng LNG mới trong những năm gần đây. Nguồn cung dự kiến sẽ tăng 10% mỗi năm từ nay đến cuối thập kỷ, gấp đôi mức trung bình lịch sử, theo Michele Della Vigna, Trưởng bộ phận nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên cho châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Goldman Sachs.
Tình trạng dư thừa này có thể khiến mặt hàng này giảm giá, qua đó làm giảm lợi nhuận cho các nhà sản xuất như Shell. Dù vậy, điểm tích cực của nó là có thể giúp LNG trở nên hấp dẫn hơn đối với các nền kinh tế mới nổi và mở rộng quy mô tổng thể của thị trường. Chưa kể, khí đốt rẻ hơn cũng sẽ giúp ngành sản xuất công nghiệp của châu Âu cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh chi phí dầu mỏ tăng cao.
Nguồn: Năng lượng xanh gặp khó, điện khí LNG lên ngôi