Ngăn chặn nguồn ô nhiễm từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Rác thải nhựa vấn đề lớn hiện nay Chung tay thu gom 1.000 tấn rác vì một Việt Nam xanh |
Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất lâu trong môi trường nên khó phân hủy sinh học. Do đó, theo quy định rác thải thuốc BVTV sau khi sử dụng phải được thu gom vào các bể chứa; không được bỏ chung với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng, không tự ý đốt hoặc đem chôn lấp...
Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho thấy, trong mỗi bao bì đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng luôn tồn dư lượng thuốc BVTV tối thiểu là 2% thể tích. Do đó chai, lọ, bao bì thuốc BVTV được xếp vào diện chất thải rắn độc hại, nguy hiểm. Khi những hóa chất này ngấm vào đất, vào nguồn nước hoặc phát tán trong không khí sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người tiếp xúc.
Dù đã có những khuyến cáo từ cơ quan chức năng và từ nhà sản xuất, nhưng nhiều người sử dụng chưa lưu tâm làm theo mà vẫn duy trì những thói quen có hại trong sản xuất nông nghiệp. Trong các lớp tập huấn, cán bộ ngành nông nghiệp thường hướng dẫn người dân cần súc rửa bao bì ít nhất 3 lần theo quy trình và nước súc rửa được đổ vào bình để hạn chế tối đa lượng thuốc tồn lưu, tránh lãng phí thuốc nhưng đa phần nông dân chỉ súc một lần rồi vứt bỏ, kéo theo hoạt chất tồn dư trong bao bì cao.
Điều này dẫn đến việc sau khi thải ra môi trường, lượng thuốc tồn dư còn lại gây tác động trực tiếp đến môi trường xung quanh. Hoặc sau khi sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng, nhiều người vẫn quen tiện tay vứt vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng, nương rẫy hay dưới kênh mương, ao hồ nơi dùng để pha chế thuốc. Chính việc không thu gom để xử lý, hay xử lý không đúng cách đã gây tác hại không nhỏ đến môi trường đất, nước cũng như sức khỏe con người; đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí số 17 (Môi trường và An toàn thực phẩm) trong chương trình xây dựng nông thôn mới của chính địa phương.
Rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật như bao bì, vỏ chai nếu không được thu gom đúng cách, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nhất là nguồn nước, đất. Ảnh: BLC. |
Hằng năm trên địa bàn tỉnh Hải Dương sử dụng khoảng trên 330 tấn thuốc bảo vệ thực vật, với lượng thuốc được sử dụng như trên sẽ phát thải ra môi trường gần 50 tấn vỏ bao bì. Có thể thấy, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ năng suất cây trồng là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt lượng bao bì thuốc BVTV phát thải ra ngoài môi trường sẽ có nguy cơ gây ô nghiễm môi trường và sức khỏe con người, phá hủy hệ sinh thái tự nhiên.
Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương đã phối hợp cùng các địa phương, cơ quan đơn vị có liên quan để tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về ảnh hưởng của việc phát thải vỏ thuốc BVTV đến môi trường để bà con nắm được, từ đó có ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và tích cực thu gom vỏ bao bì sau sử dụng về nơi quy định của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng xây dựng các bể chứa thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, các tổ chức đoàn thể phát động các phong trào liên quan đến việc thu gom vỏ thuốc BVTV như: mô hình “ cánh đồng không rác thải”, mô hình “ sản xuất nông nghiệp an toàn” ..
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh Bắc Giang, tổng lượng thuốc BVTV của tỉnh dao động từ 130-140 tấn/năm. Trong quá trình sử dụng nhiều người dân còn vứt bao gói thuốc BVTV bừa bãi ngoài đồng ruộng, khoảng 88% khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường đất, nước, giảm chất lượng nông sản và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đề án thu gom, vận chuyển xử lý bao gói thuốc BVTV trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 được xây dựng đã đánh giá thực trạng phát sinh, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể trách nhiệm cho các ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền, địa phương, tổ chức, cá nhân. Địa phương này đặt mục tiêu tỷ bao gói thuốc BVTV được thu gom và xử lý đúng quy định đạt 95% vào năm 2025 và 97% trở lên vào năm 2030. Tỷ lệ bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh bảo đảm quy định đạt 95% vào năm 2025 và 100% vào năm 2026.
Các địa phương triển khai nhiều giải pháp để thu gom nguồn thải này, qua đó góp phần triển khai hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TN. |
Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, với diện tích gieo trồng trên 396.400ha như hiện nay, địa phương này mỗi năm cần 3.717 tấn hóa chất BVTV. Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở sản xuất và 2.460 điểm kinh doanh, phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, đáp ứng đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp cho nông dân khi cần. Với 3.717 tấn hóa chất BVTV được sử dụng như trên, lượng bao, gói, chai thuốc BVTV thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Đồng vào khoảng 175 - 200 tấn/năm. Trong năm 2022, số bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng tại Lâm Đồng là 185,8 tấn. Chi cục Bảo vệ Môi trường Lâm Đồng, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.881 bể chứa bao bì hóa chất BVTV sau sử dụng; xây dựng được 22 khu vực lưu chứa; thu gom được 130,525 tấn bao bì hóa chất BVTV, trong đó đã xử lý được 120,670 tấn, số còn lại sẽ được tiếp tục xử lý.
Để tăng cường công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV để hỗ trợ tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các mô hình điểm ưu tiên các vùng chưa có bể chứa để địa phương triển khai nhân rộng. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố (đến nay chưa thực hiện công tác thu gom bao gói thuốc BVTV) bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường của địa phương, xây dựng lộ trình thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn theo đúng quy định. Để từ đó, việc thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường.
Bộ NN&PTNT đã xây dựng “Chương trình Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025”, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký đạt 30%, tăng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng lên 20%. Mục tiêu chính của chương trình là hỗ trợ nông dân địa phương tiếp cận và được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, từ đó giúp nâng cao nhận thức và thói quen sử dụng thuốc một cách có trách nhiệm của nông dân, giảm tình trạng lạm dụng thuốc.
Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng. Cùng với việc hợp tác với các địa phương đẩy mạnh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, thời gian tới Cục Bảo vệ thực vật cần liên tục, thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ đầu vào của thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cho phép sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc thế hệ mới và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Nguồn:Ngăn chặn nguồn ô nhiễm từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật