Ngăn chặn xu hướng gia tăng tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường
Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi chứa rác Ai cấp phép cho đổ thải tràn xuống sông Tiên Yên? |
Về định hướng bảo vệ môi trường, Chính phủ chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường theo hướng tích hợp các hoạt động gồm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường. Ưu tiên xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung đồng bộ, hiện đại liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại.
Cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Từng bước hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt; chuyển đổi các bãi chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt thành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng công nghệ hiện đại.
Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom.
Định hướng bảo vệ môi trường nhấn mạnh tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải. Ảnh: BQN |
Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề trên các lưu vực sông lớn. Thực hiện xử lý nước thải đạt yêu cầu ở tất cả các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, các bệnh viện. Đồng thời, tăng cường quản lý nguồn thải, cải thiện chất lượng môi trường nước mặt, đặc biệt tại các dòng sông, đoạn sông liên tỉnh bị ô nhiễm. Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung kết hợp với cải tạo, phục hồi các hồ ao, kênh mương ở các đô thị lớn. Thực hiện các dự án xử lý nước thải, khôi phục lại chất lượng nước ở các đoạn sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo “Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016 - 2020” do Bộ TN&MT công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Lượng CTRSH ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10 - 16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước).
Trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, theo báo cáo của các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày. Chất thải công nghiệp thông thường ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.
Trên cả nước, hiện có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt gồm 381 lò đốt chất thải, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp; trong đó, có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Với lĩnh vực xử lý nước thải. Thống kê cho thấy có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp; trong số đó chỉ có 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost, 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.
Bên cạnh đó, hầu hết các bãi chôn lấp tại các địa phương không có máy đầm nén, hệ thống thu gom khí, xử lý nước rỉ rác hoặc hệ thống quan trắc môi trường và quản lý kém. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí đã gây ra nhiều vấn đề về môi trường, đặc biệt ở những vùng có mức phát sinh chất thải lớn và mật độ dân số cao.
Công tác xử lý nước thải cũng cần được đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu môi trường |
Ngoài ra, cả nước hiện có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m3/ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị còn rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 15%. Trong đó, ở nông thôn, hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Trước hiện trạng trên cùng với việc triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát sự gia tăng của ô nhiễm môi trường, tại Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ nhấn mạnh tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường...
Các nhiệm vụ trên được thực hiện thông qua việc thiết lập các cơ chế kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phát triển gây hại đến môi trường trong từng vùng, đặc biệt chú trọng đến các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải. Phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động; đặc biệt chú trọng đối với nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.
Chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường; tập trung kiểm soát nghiêm ngặt đối với nhóm cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có lượng xả thải lớn. Thực hiện lộ trình áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong đó, khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện xanh hóa các ngành sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp sinh thái; thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Nguồn:Ngăn chặn xu hướng gia tăng tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường